Quản lý

Khẩn trương hướng dẫn TP HCM phê duyệt điều chỉnh dự án metro

03/05/2019, 19:46

Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm hướng dẫn UBND TP HCM thẩm định, phê duyệt điều chỉnh các dự án đường sắt đô thị theo đúng quy định pháp luật.

img
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có khoảng 2,6 km đi ngầm - ảnh Đỗ Loan

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến dự án đường sắt đô thị TP HCM tuyến số 1, 2.

Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Bộ KH&ĐT ngày 9/4 về việc điều chỉnh dự án đường sắt đô thị TP HCM, tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), tuyến số 2 (Bến Thành – Tham Lương), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến như sau:

Bộ KH&ĐT khẩn trương hướng dẫn và chịu trách nhiệm về nội dung hướng dẫn UBND TP HCM về việc thẩm định, phê duyệt điều chỉnh các dự án đường sắt đô thị TP HCM (tuyến số 1 và 2) theo đúng quy định pháp luật.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND TP HCM và Bộ GTVT xác định cụ thể giá trị vay lại trong tổng mức đầu tư dự án trước khi điều chỉnh của Dự án đường sắt đô thị TP HCM, tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ngày 12/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát công trường tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời hoàn tất thủ tục, đáp ứng đủ kinh phí thi công dự án, đảm bảo năm 2020 vận hành kỹ thuật và năm 2021 khánh thành tuyến metro đầu tiên của TP HCM.

img
Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM báo cáo Thủ tướng tình hình dự án tuyến metro số 1, ngày 12/4 (Ảnh: Đỗ Loan)

Tại buổi làm việc sau đó, báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho hay, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 được thực hiện từ nguồn vốn ODA do ngân sách Trung ương và vốn từ ngân sách thành phố. Giai đoạn 2018 và 2019, do vướng mắc trong việc điều chỉnh tổng mức đầu tư nên số vốn 4.791 tỷ đồng còn lại trong kế hoạch vốn trung hạn đã không được bố trí.

Do đó, Chủ tịch TP HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép tạm ứng từ ngân sách Trung ương 2.158 tỷ đồng để thanh toán cho nhà thầu, tránh phát sinh khiếu kiện. Sau đó, thành phố sẽ thực hiện thủ tục trả ngay sau khi Bộ KH&ĐT có kế hoạch cho dự án. Trường hợp ngân sách Trung ương không thể tạm ứng, Thủ tướng cho thành phố được tạm ứng từ ngân sách thành phố.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, ngân sách Trung ương liên quan đến dự án chỉ còn khoảng 800 tỷ đồng, phần còn lại đề nghị thành phố tạm ứng và thẩm quyền thuộc UBND TP HCM.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngân sách dành cho dự án metro dù của Trung ương hay thành phố thì cũng là của Nhà nước. Nguyên nhân khiến việc giao vốn bị chậm là do chưa hoàn thiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư. Đồng thời, Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT chưa thống nhất về quy chế cấp phát và vay lại. Do đó, theo Luật Ngân sách và Đầu tư công thì chưa giải quyết được.

Nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những vướng mắc này vừa được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giải quyết, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ KH&ĐT hướng dẫn TP HCM điều chỉnh tổng mức đầu tư, nên sắp tới vấn đề vốn cho metro sẽ được giải quyết.

Khởi công vào cuối tháng 8/2012, tuyến metro số 1 đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).

Dự án metro số 1 được thực hiện từ nguồn vốn ODA do ngân sách Trung ương bố trí và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách thành phố. Theo kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020, dự án được bố trí 7.500 tỷ đồng so với nhu cầu đăng ký là 20.500 tỷ, số vốn thành phố đã được nhận trong năm 2016 và 2017 là 2.709 tỷ đồng.

Riêng năm 2018 và 2019, do vướng mắc trong việc điều chỉnh tổng mức đầu tư nên số vốn còn lại không được rót về thành phố. Trong kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm nay, dự án metro số 1 cũng không được bố trí vốn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.