Hậu trường sao

Khao khát “cháy” của nữ hoàng nhảy xa Thu Thảo

10/04/2022, 06:30

Sau hai năm điều trị chấn thương và sinh con, vận động viên nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo đã trở lại đầy mạnh mẽ.

Cô khẳng định, chiếc HCV tại Giải điền kinh toàn quốc năm 2021 là tiền đề để cô hướng tới mục tiêu xa hơn ở SEA Games 31 trên sân nhà.

img

Thu Thảo khởi động trước khi bước vào thi đấu tại Giải điền kinh vô địch quốc gia 2021

Mục tiêu kép tại SEA Games 31

Thông thường, phụ nữ sau khi sinh con trở lại với công việc đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Với những cô gái thể thao, nỗ lực đó càng phải nhân lên gấp nhiều lần.

Và câu chuyện về nhà cựu vô địch nhảy xa SEA Games 29 Bùi Thị Thu Thảo, người đã trở lại hố cát sau hai năm chữa trị chấn thương và hoàn thành thiên chức làm mẹ, là một minh chứng điển hình.

Người hâm mộ điền kinh Việt Nam nói chung, nhảy xa nói riêng hẳn không xa lạ gì với Thu Thảo. Năm 2018, cô trở thành vận động viên điền kinh đầu tiên của Việt Nam giành HCV tại Đại hội thể thao châu Á (ASIAD).

Cô cũng từng giành HCV SEA Games 29 diễn ra tại Malaysia năm 2017 cùng nhiều thành tích ấn tượng khác.

Tuy nhiên, năm 2019, tức trước thềm SEA Games 30 (Philippines), cô đã rút lui khỏi đội tuyển để chữa trị dứt điểm chấn thương đầu gối và sinh con gái đầu lòng.

Sau hai năm rời xa hố nhảy, cuối năm 2021, cô gái quê Ba Vì, Hà Nội đã tái xuất và ngay lập tức gây ấn tượng bằng tấm HCV nhảy xa tại Giải điền kinh toàn quốc với thành tích 6m27.

Cô tâm sự, thành tích này tuy còn kém xa những gì cô từng làm được tại ASIAD 2018 (6m55) và SEA Games 29 (6m68) nhưng đó là kết quả của sự nỗ lực rất lớn.

“Sinh con xong thể lực của tôi đi xuống rất nhiều, sức bền, sức bật không được như trước. Tuy nhiên, tôi còn trẻ, còn nhiều hoài bão muốn thực hiện nên quyết định thử sức”.

Nữ vận động viên sinh năm 1992 kể thêm, thời gian đầu mới tái xuất, cô gặp nhiều khó khăn trong việc theo đuổi giáo án: “Tôi hụt hơi khi tập cùng các em trẻ, nhiều lúc thấy nản muốn bỏ cuộc nhưng rồi lại nghĩ mình không thể buông như vậy, phải cố gắng hết sức bởi giờ đây mình đã có con. Tôi muốn sau này con biết mẹ của nó đã nghị lực như thế nào.

Ý nghĩ đó giúp tôi kiên trì từng ngày và dần bắt nhịp được với cường độ tập luyện. Ngoài giáo án chung, tôi tranh thủ buổi sáng dậy sớm để tập thêm, buổi tối cũng tập thêm để sớm đuổi kịp đồng đội”.

Sự khổ luyện của bà mẹ một con cuối cùng cũng giúp cô có được thành quả là tấm HCV Giải điền kinh toàn quốc như vừa đề cập ở phần đầu bài viết.

Trước khi tham dự Giải điền kinh toàn quốc, cô phải nghỉ 2 tháng, chỉ tập được 2 tháng do dịch bệnh Covid-19, nhảy cũng không được như mong muốn. “Tôi sẽ nỗ lực để cải thiện thành tích tại SEA Games 31”, cô quả quyết.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, nếu tập luyện tốt, Thu Thảo hoàn toàn có khả năng cạnh tranh tấm HCV SEA Games.

Tuy nhiên, do hơn 2 năm chưa thi đấu quốc tế nên cô không nắm bắt được thực lực của các đối thủ. Bên cạnh đó, cô cũng gặp vấn đề với xương bánh chè, phải hạn chế tập luyện trong những ngày qua.

“Tôi đang nỗ lực từng ngày để trở lại, sớm ngày nào tốt ngày đó nếu không khó đảm bảo đạt kết quả cao”, nữ hoàng nhảy xa chia sẻ.

Nhà vô địch SEA Games 29 cũng cho hay, ngoài việc nhắm tới thành tích tốt tại giải đấu trên sân nhà vào tháng 5 tới, cô còn đặt mục tiêu phải vượt qua chuẩn ASIAD là 6m35: “Đây là cái đích tôi bắt buộc phải đạt được. Ở tuổi 30, tôi không còn nhiều cơ hội để thi thố ở sân chơi số 1 châu Á. Tôi khao khát được cháy hết mình thêm một lần nữa”.

“Cố gắng để bố vui lòng”

img

Khoảnh khắc Thu Thảo ăn mừng HCV tại ASIAD 2018

Cũng trong cuộc trò chuyện, người viết được biết bố Thu Thảo mới qua đời cách đây không lâu vì bạo bệnh. Cô nói đây là cú sốc quá lớn, lớn tới mức cô muốn từ bỏ mọi thứ, kể cả sự nghiệp.

“4 ngày trước khi bố mất, tôi bắt đầu đau chân. Tôi nghĩ phải chăng bố mất cũng là con đường của tôi với thể thao sẽ kết thúc. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, lúc sinh thời, mong muốn duy nhất của bố là tôi được sống với đam mê, được hạnh phúc.

Bố là người động viên tôi theo đuổi con đường này lúc tôi mới chập chững, nâng tôi dậy khi tôi vấp ngã, trở thành nguồn sức mạnh lớn để tôi vượt qua mọi thử thách.

Đáp lại, tôi luôn cố gắng để bố có thể tự hào về mình. Lần này cũng vậy, tôi tự nhủ phải tiếp tục tiến về phía trước để bố ở trên cao được an lòng. Dù bố không còn trên cõi đời này nhưng tôi tin ông sẽ mỉm cười khi thấy con gái rượu thành công”, Thảo tâm sự.

Nếu như bố là quá khứ thì con gái chính là hiện tại của nữ vận động viên sinh năm 1992. Cô kể, từ ngày có con, cuộc sống của cô trở nên bận rộn nhưng cũng nhiều tiếng cười. Cô cũng thấm thía hơn về công lao của đấng sinh thành.

“Tôi cảm thấy con giống như cuộc đời thứ hai của mình vậy, những gì mình làm cho con chính là những gì mình từng nhận được từ cha mẹ”, nhà cựu vô địch SEA Games chia sẻ.

Dù vậy, cô gái từng giúp điền kinh Việt Nam vang danh sớm phải gửi con cho bố mẹ chồng để quay lại với thể thao đỉnh cao. Tuy từ Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Nhổn về nhà chỉ chưa đầy 60km nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, Thảo rất ít có cơ hội về thăm con trong thời điểm mới tái xuất.

“Nhớ con lắm chứ nhưng vẫn phải cố nén để tập luyện. Ban ngày không sao, đêm đến nỗi nhớ sẽ trỗi dậy mạnh mẽ, nhớ tới phát khóc. Tôi hạn chế gọi video về nhà bởi thấy con thì mình chỉ muốn lao khỏi cánh cửa Trung tâm. Những hôm biết tin con ốm, sốt, tôi gần như không ngủ được.

Giờ đây, quy định phòng, chống dịch đã nới lỏng nhưng tôi lại bước vào giai đoạn nước rút chuẩn bị cho SEA Games nên cũng chẳng thể thường xuyên về nhà.

Những lúc mệt mỏi, đau không tập được tôi luôn nghĩ tới con, mang ảnh con ra xem, tình mẫu tử đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh. Tôi sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn để con có một cuộc sống tốt đẹp”, Thu Thảo bộc bạch.

Vài nét về vận động viên Bùi Thị Thu Thảo

- Sinh ngày 29/4/1992 tại Ba Vì, Hà Nội.
- Chiều cao: 1m64, nặng: 58kg.
- Thành tích đáng chú ý:
+ HCV nhảy xa tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016.
+ HCV nhảy xa tại SEA Games 29 năm 2017.
+ HCV nhảy xa tại Giải điền kinh châu Á năm 2017.
+ HCV nhảy xa tại Giải điền kinh trong nhà châu Á năm 2018.
+ HCV nhảy xa tại Đại hội thể thao châu Á 2018 (ASIAD 2018).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.