Những ngày này cách đây 74 năm, cả dân tộc hừng hực khí thế cách mạng giành chính quyền trên cả nước.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, chính thức tuyên bố với toàn thế giới khai sinh nước Việt Nam mới: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”.
Nhìn lại 74 năm từ khi tên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thiêng liêng vang vọng trên quảng trường Ba Đình, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đời sống của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, nhất là phải trải qua liên tiếp 3 cuộc chiến tranh vệ quốc nên so với các quốc gia trong khu vực và thế giới, chúng ta vẫn ở nhóm quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) đang thúc đẩy lịch sử nhân loại tiến nhanh, mạnh hơn bao giờ hết. Đây chính là cơ hội để Việt Nam nắm lấy và bứt phá. Nói như chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, cách mạng 4.0 là cơ hội để những nước đang phát triển chớp thời cơ, tiến lên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nhắc đến tầm nhìn phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời đại 4.0, ông cũng trăn trở về dấu mốc khi Việt Nam tròn 100 năm lập nước, Việt Nam có thể trở thành nước giàu có, thịnh vượng, với thu nhập bình quân đầu người ít nhất là 18.000 USD.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng ngay từ bây giờ, nếu chúng ta không hội tụ được mọi nguồn lực, không phát huy và chuyển hóa được khát vọng phát triển thì dù dân tộc Việt Nam vốn không thua kém bất kỳ dân tộc nào trên thế giới về tính cần cù, sáng tạo cũng khó mà vượt lên được.
Thực tế, theo đánh giá của Tập đoàn nghiên cứu kinh tế McKinsey công bố cuối năm 2018, Việt Nam hiện là một trong 18 nền kinh tế đang nổi có thành tích phát triển “vượt trội” trong 50 năm qua. Chúng ta cũng từng bước trở thành một trong những quốc gia công xưởng của thế giới về cung ứng hàng điện tử, dệt may, da giày, điện thoại di động... Đặc biệt, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong đó tập trung cải cách thể chế, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng, nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng. Nếu thực hiện được các mục tiêu trong ba đột phá chiến lược này, sẽ tạo cơ sở để chúng ta đổi mới và phát triển.
Nhân kỷ niệm 74 năm ngày Quốc khánh (2/9) và 74 năm ngày thành lập ngành GTVT (28/8), Báo Giao thông xuất bản số báo đặc biệt với chủ đề Cất cánh Việt Nam.
Số báo này hội tụ trí tuệ của nhiều chuyên gia, nhà quản lý cùng đưa ra những nhận định, phân tích về cơ hội, giải pháp để Việt Nam có thể trở thành quốc gia thịnh vượng khi kỷ niệm 100 năm ngày lập nước (2/9/2045).
Qua ấn phẩm này, Báo Giao thông trân trọng giới thiệu cùng đối tác, bạn đọc như lời tri ân và chúc thành công.
Trân trọng!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận