An ninh hình sự

Khi bệnh án tâm thần là “lá bùa” của tội phạm

06/07/2021, 06:31

Hồ sơ tâm thần này chính là “lá bùa” cứu Dũng không phải chịu trách nhiệm pháp luật về một vụ án giết người xảy ra năm 2011 tại quận Cầu Giấy.

img

Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 - nơi để bệnh nhân tâm thần biến phòng bệnh thành chỗ bay lắc, buôn bán ma túy

Lợi dụng quy định của pháp luật về việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị tâm thần phạm tội, nhiều đối tượng hình sự đã “chạy” cho mình một tấm giấy chứng nhận tâm thần và coi như “lá bùa” thoát tội.

“Miễn tử kim bài” của tội phạm

Đầu tháng 7/2021, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) cho biết, đang tiếp tục điều tra về ổ nhóm tội phạm do Nguyễn Việt Dũng (tức Dũng “ốt”) cầm đầu, chuyên hoạt động bảo kê, cho vay lãi nặng, tổ chức đánh bạc, chiếm các diện tích đất trống, đất xen kẹt để cho thuê trông giữ xe, buôn bán vật liệu xây dựng…

Dũng “ốt” cùng 6 đàn em đã bị tạm giữ nhưng do Dũng có hồ sơ bệnh án tâm thần, nên cơ quan công an đang phải lập hồ sơ để giám định lại việc Dũng có mắc bệnh tâm thần hay không.

Hồ sơ tâm thần này chính là “lá bùa” cứu Dũng không phải chịu trách nhiệm pháp luật về một vụ án giết người xảy ra năm 2011 tại địa bàn quận Cầu Giấy. Thời điểm đó, sau khi gây án, quá trình bỏ trốn, Dũng “bỗng dưng” có bệnh án tâm thần.

T.Đ, một tay anh chị đã ‘về vườn’ ở Hải Phòng tiết lộ, từ hàng chục năm trước, giới giang hồ đất Cảng đã “mách nhỏ” nhau quy định của pháp luật về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị bệnh tâm thần. Không phải ngẫu nhiên, một số “đàn anh” nổi tiếng nhất đất Cảng đều có biệt hiệu “điên” kèm theo tên cúng cơm.

Giữa năm 2018, khi điều tra một vụ án cố ý gây thương tích nhưng đối tượng chủ mưu lại có hồ sơ bệnh án tâm thần, Công an TP Hà Nội đã từng phát hiện đường dây làm giả giấy chứng nhận tâm thần. 78 hồ sơ tâm thần được làm giả, trong đó có 41 hồ sơ của các đối tượng giang hồ.

Luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển và cộng sự cho biết: Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng trong tình trạng bệnh lý về tâm thần không bị xử lý hình sự, mà được đưa đi chữa bệnh bắt buộc sau đó sẽ tiếp tục xem xét xử lý hành vi phạm tội.

Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng hình sự đã “sắm” cho mình một bệnh án tâm thần để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật khi thực hiện hành vi phạm tội.

Có sự móc ngoặc của cán bộ thoái hóa biến chất

Đầu tháng 2/2021, dư luận cả nước xôn xao việc Công an TP Hà Nội triệt phá một ổ nhóm chuyên mua bán, tổ chức sử dụng ma túy, địa điểm là tại... Bệnh viện tâm thần Trung ương 1.

Theo đó đối tượng Nguyễn Xuân Quý (SN 1983, trú tại Tổ 22 khu Ga, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) là bệnh nhân đang điều trị tâm thần nhưng đã biến buồng bệnh của mình thành một tụ điểm bay lắc, là nơi điều hành đường dây cung cấp ma túy lớn tại nhiều địa phương trong cả nước. Liên quan đến sự việc này, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đã bị cách chức, các Phó giám đốc và 1 số lãnh đạo khác của Bệnh viện bị khiển trách, phê bình.

Quá trình điều tra, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an sẽ xác minh về nhân thân của đối tượng để xác định có bị bệnh tâm thần thật hay không? Cùng với đó là quá trình xác minh tại các bệnh viện nơi cấp hồ sơ bệnh án và các kênh thông tin khác. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cơ quan điều tra sẽ yêu cầu giám định tâm thần tại một cơ sở y tế độc lập.
Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu


Quý là đối tượng có tiền án, tiền sự, từng bị tù giam 4 năm về tội cưỡng đoạt tài sản. Năm 2016, chiếc xe do Quý điều khiển chở 6 người vượt qua đường tàu đúng lúc tàu hỏa đi tới, nên đã bị tông trực diện khiến 6 người trên xe tử vong, trừ Quý.

Quá trình điều tra vụ án xác định, vào thời điểm xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, Quý cùng nhóm người trên xe đã sử dụng ma túy tổng hợp. Nhưng Quý “bỗng” có bệnh án tâm thần và không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Mới đây, ngày 23/6, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử đường dây làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần.

Cáo trạng cho biết, có 6 đối tượng đang chấp hành án phạt tù về tội giết người, hối lộ, ma túy... bỗng dưng được đưa đi chữa bệnh tâm thần rồi bỏ trốn.

Theo chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu, để “biến” một người bình thường thành một người bị bệnh tâm thần, nếu không phải là chứng nhận giả, thì chắc chắn cần sự tiếp tay của những cán bộ thoái hóa biến chất.

Trước việc một số cán bộ thoái hóa, biến chất móc ngoặc với tội phạm làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần, luật sư Lê Hồng Hiển cho rằng, đây là hành vi đáng lên án và phải bị trừng trị thích đáng.

Ông Hiển cho biết: Bộ luật Hình sự 2015 cũng đã quy định rõ: Người làm công tác giám định tâm thần nếu cố tình cung cấp sai sự thật tài liệu, khai báo gian dối dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm thì có thể bị phạt tù từ 3 - 7 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Với loại hồ sơ do giám định viên, bác sĩ được phân công kiểm tra, xác nhận thì hành vi của người làm giả sẽ thuộc vào trường hợp thi hành công vụ, nhiệm vụ.

Lúc này, họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, trái công vụ được giao và sẽ đối mặt án phạt tù từ 1 - 5 năm... Nếu làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm.

“Trong trường hợp người làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần sẽ bị xem xét theo tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, luật sư Hiển nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.