Cho phép con khóc để giải tỏa cảm xúc
Nguyên nhân khiến bé quấy khóc là do cảm xúc tiêu cực, lúc này thuyết phục bé "nín khóc" và "đừng mất bình tĩnh" là vô ích. Những cảm xúc này là phản ứng bình thường của con và hãy để chính bé tự “giải phóng” chúng.
Khi đối mặt với trẻ đang khóc, trước tiên cha mẹ hãy xác định cảm xúc tiêu cực này đến từ đâu và chỉ cho bé hiểu. Chỉ khi hiểu và trải qua vấn đề, con bạn mới có thể học được cách quản lý cảm xúc. Việc cha mẹ cho con quyền được khóc để giải tỏa cảm xúc là vô cùng quan trọng.
Gọi tên cảm xúc và để bé nhận biết những cảm xúc khác nhau
Có hàng trăm loại cảm xúc trên cuộc đời này. Tức giận, buồn bã hay vui vẻ chỉ là cách phân chia đơn giản nhất. Và khi bé khóc, la hét thậm chí là lăn lộn thì cha mẹ phải hiểu rằng, trong suy nghĩ của bé chỉ đơn giản là cảm thấy tồi tệ và muốn khóc. Đó là lúc cha mẹ phải dạy con điều gì đúng, điều gì sai và dạy con gọi tên các cảm xúc của mình. Và khi bé đã biết về cảm xúc của mình, bé sẽ dễ mở lòng chia sẻ với cha mẹ hơn và nói rõ với cha mẹ rằng: “Con giận” hay “Con buồn”.
Đồng cảm và đồng hành giúp trẻ quản lý cảm xúc của mình
Quản lý cảm xúc có thể hiểu đơn giản là “sống trong hòa bình” với cảm xúc. Ví dụ, con vô tình đánh rơi chiếc bánh đang cầm trên tay. Thay vì quát mắng, hãy chia sẻ với con rằng: “Nếu là mẹ, mẹ cũng sẽ rất buồn vì làm rơi mất chiếc bánh của mình”. Lúc này bé sẽ hiểu, mẹ cũng sẽ có cảm giác tương tự như mình và cảm thấy an toàn, sự tức giận cũng dần nguôi ngoai.
Với sự đồng hành, con trẻ có thể cảm thấy rằng, cha mẹ thực sự hiểu mình. Cha mẹ có thể âm thầm ở bên, an ủi con cái bằng ngôn ngữ cơ thể. Chẳng hạn như nhìn vào mắt con, vuốt ve lưng hoặc hít thở sâu. Có thể mất khoảng 5-10 phút để giúp trẻ bình tĩnh lại và đó là khoảng thời gian quý giá để một đứa trẻ học được cách quản lý cảm xúc của mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận