Showbiz

Khi giải thưởng danh giá bị phủ bóng bởi phân biệt chủng tộc

18/05/2021, 06:27

“Quả cầu Vàng đến ngày sụp đổ, ít nhất là thời điểm này” khi tài tử Tom Cruise tuyên bố trả lại 3 giải Quả cầu vàng anh từng nhận trong quá khứ.

img

Tom Cruise từng nhận 3 giải quả cầu vàng nhờ vai diễn trong “Born on the Fourth of July” (1990), “Jerry Maguire” (1997) và “Magnolia” (2000)

“Quả cầu Vàng đến ngày sụp đổ, ít nhất là thời điểm này”, cây bút Kyle Buchanan của The New York Times khẳng định sau khi tài tử Tom Cruise tuyên bố trả lại 3 giải Quả cầu vàng anh từng nhận trong quá khứ vào hôm 10/5.

Ngay lập tức NBC - đài truyền hình chuyên phát sóng Quả cầu Vàng - tuyên bố sẽ không phát sóng Lễ trao giải năm 2022. Nếu Hiệp hội Báo chí nước ngoài tại Hollywood (HFPA) thực hiện đúng lời hứa cải tổ, NBC sẽ quay lại phát sóng Lễ trao giải vào tháng 1/2023.

Sau đó, Netflix và Amazon tuyên bố tẩy chay Quả cầu vàng diễn ra năm 2022 để chống lại HFPA. Sau đó, WarnerMedia cũng tham gia vào đội ngũ tẩy chay này và đưa ra một thông báo chính thức, nói rằng HFPA có rất nhiều nghi vấn về phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc và kỳ thị người đồng tính từ trong quá khứ cho tới hiện tại.

Cách đó vài tuần, tờ Los Angeles Times đưa loạt bài điều tra gây chấn động. Trong đó, bài báo chỉ ra rằng, trong số 86 thành viên HFPA không hề có một đại diện da màu. Một nhóm gồm 100 đơn vị kinh doanh nội dung giải trí cho biết, sẽ tiến tới yêu cầu khách hàng của mình bỏ qua việc hợp tác với HFPA.

Đây không phải lần đầu tiên giải thưởng danh giá nhất nhì thế giới đứng trước làn sóng tẩy chay vì vấn đề phân biệt chủng tộc. Oscar, Grammy, BAFTA… cũng từng đứng trước bờ vực sụp đổ chỉ vì vấn đề này.

Dường như đó cũng là lý do khiến các giải thưởng này đang dần mất giá trước công chúng, bằng chứng ở việc rating các đêm trao giải ngày càng sụt giảm theo từng năm.

Tuy nhiên, dù vẫn bị chỉ trích nhưng Oscar, Grammy, BAFTA… vẫn cho thấy thái độ cầu thị khi dần phá bỏ định kiến chủng tộc, màu da đã thống trị hàng chục thế kỷ. Với riêng HFPA, cây viết Clayton Davis của Variety tin rằng, tổ chức này sẽ cần một cuộc đại tu hoàn toàn và sẽ phải làm việc hoàn toàn minh bạch trước khi nhóm nhận được sự tin tưởng và không bị “nghiền nát”.

Có thể thấy, nghệ thuật vốn không nên bị cản trở bởi những tư tưởng hẹp hòi của một tổ chức, cá nhân. Hy vọng rằng, trong tương lai các giải thưởng danh giá này sẽ có lại được sự quan tâm của công chúng như họ đã từng ngưỡng mộ và tôn trọng nó trong rất nhiều thập kỷ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.