Cách làm của các ông chủ khách sạn 2-4 sao đang tạo ra sự cạnh tranh “sát ván” với nhiều cơ sở lưu trú bình dân trong ngõ ngách, xa trung tâm.
Đua tranh “vớt” khách nghỉ theo giờ
Sau hai lần hôn nhân tan vỡ rồi mê mải phụng sự ái tình không ràng buộc, ông Nguyễn Thanh Thái (phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm) chưa khi nào chứng kiến khách sạn sang chảnh mặt phố cổ chấp nhận đón khách nghỉ giờ!
“Tư vấn tận tình qua điện thoại với giá rẻ giật mình, các lễ tân nữ đều vồn vã hỏi “khi nào anh chị tới”, ông này kể và cho biết: “Một khách sạn tiêu chuẩn 4 sao mặt phố Hàng Bông tính 300 nghìn đồng/3 giờ phòng classic sẵn sàng nâng lên hạng deluxe có bồn tắm, view đẹp nếu còn trống. Một khách sạn tiêu chuẩn 3 sao cách Hồ Gươm phút rưỡi đi bộ cũng chỉ thu 150 nghìn đồng/2 giờ đầu, 75 nghìn đồng/ giờ tiếp theo…”.
Những ngày đầu tháng 8 mưa sụt sùi, cạnh Nhà thờ Lớn, khu vực vốn tập trung dày đặc cơ sở dịch vụ phục vụ khách Tây thì nay chỉ mấy hàng bún đậu mắm tôm còn đông khách.
Trên quãng đường chưa đầy 100m mặt phố Ấu Triệu, ít nhất 6 khách sạn 3 sao trở xuống dựng bảng biển dưới đất, móc trên cột đèn, thân cây, mặt tường mời chào nghỉ giờ, nghỉ trưa. Tại Ngõ Huyện nằm song song, trước cửa khách sạn Gem Premier cao cấp cũng có biểu ngữ đỏ chót cho thuê phòng nghỉ theo giờ.
Khi thuê căn nhà 73 Mã Mây vào cuối năm 2018 rồi mất ròng rã 9 tháng nâng cấp thành khách sạn Boutique Maltida tiêu chuẩn 3 sao, vợ chồng ông Đặng Minh Thời không bao giờ lường nổi du lịch phố cổ lại điêu đứng như hiện tại.
Sau 3 năm liên tiếp tăng trưởng hai con số, khách nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2019 tăng 16,2% so với năm 2018 khiến người làm du lịch quốc tế càng tin tưởng vào tương lai xán lạn.
Tới tháng 1/2020, công suất sử dụng phòng của Maltida vẫn đạt 95%, chủ yếu phục vụ khách Âu - Mỹ, giá tiền triệu/phòng/đêm, tạo việc làm cho 12 lao động. Dịch Covid-19 ập tới, hai vợ chồng ông Thời chịu thêm gánh nặng vì chủ nhà không giảm tiền thuê.
Vì thế, trong khi các khách sạn khác còn đang “ngủ đông” thì Maltida đã mở cửa với 5 nhân viên (bao gồm cả vợ chồng ông Thời) sớm mở cửa, cần mẫn giới thiệu trên mạng xã hội chương trình khuyến mãi giảm 50% giá phòng so với tháng 1 kéo dài hết năm 2020 nhằm đón nguồn khách miền Nam.
Ngay đầu tháng 7, Sở Du lịch Hà Nội ước tính so với tháng 6, lượng du khách nội địa đến Thủ đô tăng 51,6%; công suất sử dụng phòng khách sạn 1 - 5 sao đạt khoảng 34,1%, tăng 4,96%; Tổng thu từ khách du lịch tăng hơn gấp rưỡi.
Thời điểm ấy, cũng như bao chủ khách sạn khác, ông Thời cũng tràn trề hy vọng từ tháng 7 sẽ hết lỗ. Nhưng đợt dịch Covid-19 thứ hai phá hỏng tất cả!
“Khách đặt phòng tháng 8 hủy gần hết, còn tháng 9 - 10 không thể đoán định. Tùy theo diễn biến dịch, có thể tôi sẽ đặt biển cho thuê giờ trước cửa nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn khách đang trở nên quý giá này”, ông Thời bày tỏ.
Dịch quay trở lại, gần đây ông Thời đều đặn chấp nhận đón những đôi tình nhân trẻ đến nghỉ trưa hàng tuần. Khách chi 200 nghìn đồng/2 giờ đầu tiên (50 nghìn đồng/giờ tiếp theo) thụ hưởng phòng classic với giường Queen size kèm chăn - ga - gối phẳng phiu trắng muốt, nhà tắm bóng loáng và chai nước, cà phê hòa tan, chè cho hai người.
“Tình hình hiện nay, khách nghỉ giờ đóng vai trò quan trọng vào doanh thu của khách sạn. Họ trả tiền thuê 2 -3 giờ, nhưng chỉ sau khoảng 2 giờ là đi chứ ít nằm lì cho hết thời giờ vàng ngọc. Tiếc là nguồn khách tiềm năng lớn này ưa tiện đâu nghỉ đó, thích vào ngõ ngách kín đáo”, ông Thời chia sẻ.
Tương tự, chẳng buồn giữ kẽ giữ lỗ, lễ tân hai khách sạn tiêu chuẩn 2 sao trên địa bàn phường Cửa Đông và Lý Thái Tổ thừa nhận, bán phòng standard theo “giá nhà nghỉ” 150 nghìn đồng/3 giờ bù tiền thuê nhà, đặng vật vã cho qua thời Covid.
Ác liệt hơn, một khách sạn tiêu chuẩn 2,5 sao thuộc phường Hàng Bồ tháng trước rao phòng superior không cửa sổ 180 nghìn đồng/2 giờ đầu và 50 nghìn đồng/ giờ tiếp theo, sang tuần này bạo tay bán... 200 nghìn đồng/ 4 giờ!
Tuy nhiên, mức giá này vẫn nhỉnh hơn 10 - 30 nghìn đồng so với giá phòng hạng “sang trọng” trong 2 giờ đầu (phụ thu 40 - 60 nghìn đồng/ giờ tiếp theo) tại nhiều khách sạn bình dân trong ngõ ngách các quận Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy trang bị ghế “tình yêu” phục vụ khách.
Trong khi đó hàng loạt khách sạn cao cấp “giữ mình” tại Hàng Bông, Hàng Bè, Hàng Gai... đều phải đóng cửa im ỉm, tắt đèn tối om. Ước tính trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện có khoảng 40% cơ sở lưu trú 2 - 4 sao ngừng hoạt động. Riêng nhóm khách sạn 40 phòng trở lên có tới 90% chưa mở lại…
“Bung lụa” sản phẩm, chiều khách hết mực
Đáng chú ý, các chủ khách sạn phố cổ đều khẳng định ế ẩm đến mấy vẫn tuân thủ quy chuẩn mỗi khi khách trả phòng: Thay mới toàn bộ vỏ chăn - gối - ga trải giường, khăn tắm đã ướt và lau chùi từ 30 phút trở lên… “Thời buổi ngày càng khó khăn, dân Hà Nội muốn gì chúng tôi đáp ứng hết”, ông Thời nhấn mạnh.
Cụ thể, với khách ưa lãng mạn, gồm cả vợ chồng lâu lâu muốn “đổi gió” hâm nóng lại tình cảm, ông Thời và một đồng nghiệp gần Nhà thờ Lớn nhận tổ chức “đêm tình nhân” trong phòng cao cấp kèm đèn nến lung linh, hoa tươi, chai rượu vang hảo hạng, dàn loa 5.1 surround, đồ ăn nhẹ nhập khẩu…, có giá chỉ trên dưới 1 triệu đồng/đêm.
Tương tự, một nhóm cơ sở lưu trú quanh Hồ Gươm đã liên kết lại mở bán gói xem phim trực tuyến 200 - 300 nghìn đồng/2 giờ đầu, 50 nghìn đồng/ giờ tiếp theo trên TV 32 inches có sẵn trong phòng với dàn âm thanh 5.1 surround, nước uống và đồ ăn vặt cho hai người, buồng tắm riêng sạch bong.
Ngoài mức giá hạ “cộc đầu vào tường”, các chủ khách sạn phố cổ muốn thu hút khách nghỉ giờ đang tính tham gia ứng dụng dành riêng cho thị trường này. Khách gõ thông tin cần tìm, màn hình hiện ngay ra các cơ sở gần nhất, giá, ảnh phòng, lại có mục bình luận…, phù hợp thị hiếu giới trẻ.
Dân thuê nhà làm homestay còn gắng gượng bám trụ thị trường cũng hăng hái mời chào khách thích nơi kín đáo, ấm cúng, tiện nghi như nhà riêng. Ông Dương Thanh Thịnh, kinh doanh cơ sở Cao Cao ở tầng trên cùng căn nhà kiến trúc Pháp mặt phố Tràng Tiền cho biết đã túc tắc đón được khách trẻ nhờ tính 250 nghìn đồng/2 giờ đầu và sẵn lòng miễn phí luôn giờ thứ ba.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, tiền nhà là sức ép rất lớn khiến nhiều người thuê khách sạn - chiếm tỷ lệ khá lớn trong giới kinh doanh lưu trú khu vực phố cổ buộc phải thay đổi, giảm giá phòng 60 - 70% nếu như không muốn đóng cửa hoặc trả lại mặt bằng.
“Không tính tới các khách sạn lớn có sức chống chịu tốt, những khách sạn hạng vừa muốn “sống qua ngày” buộc phải thay đổi trong cuộc sàng lọc này. Nói thì dễ những thay đổi thế nào quả thực rất khó bởi đây là tình huống đột biến chưa gặp bao giờ”, ông Hiếu nói.
Theo vị phó giám đốc, kể từ thời điểm dịch quay trở lại, tới nay chưa đủ “lượng” để rà soát đánh giá tác động đối với cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội.
“Bối cảnh này chưa thể nói được gì, vừa làm vừa động viên doanh nghiệp giữ tinh thần chờ tới khi kiểm soát được dịch bệnh. Hiện chúng tôi đang tập trung kết nối hỗ trợ các hiệp hội, các câu lạc bộ trong quản lý tour, đảm bảo môi trường an toàn.
Bên cạnh đó vận động các nhà cung cấp dịch vụ về lữ hành, khách sạn, vận chuyển… chia sẻ khó khăn cho nhau, mỗi người chịu đau một ít. Chẳng hạn khi khách lùi tour, hoãn tour thì có thể du di điều khoản thanh toán trong hợp đồng, cho trả chậm tiền 1-2 tháng cũng là quý lắm rồi”, ông Hiếu nói.
Du lịch vừa khởi sắc lại điêu đứng
Tổng cục Thống kê thông báo, doanh thu dịch vụ lưu trú - ăn uống toàn quốc tháng 7/2020 tăng 9,2% so với tháng 6, doanh thu du lịch lữ hành tăng tới 29,6%... Đáng tiếc, dịch Covid-19 lan rộng trở lại, chính quyền một số tỉnh trọng điểm du lịch như Bình Định, Phú Yên tái đóng cửa điểm tham quan... khiến hàng loạt du khách trên toàn quốc hoãn hủy chuyến đi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận