Xã hội

Khi nào Huế có sân bay trực thăng, thủy phi cơ tại phá Tam Giang, vườn Bạch Mã?

27/01/2024, 18:37

Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển sân bay dành cho thủy phi cơ, trực thăng tại Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Vườn Quốc gia Bạch Mã và những khu vực tiềm năng về du lịch.

Sáng 27/1, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Khi nào Huế có sân bay cho thủy phi cơ, trực thăng tại đầm phá Tam Giang, Bạch Mã?- Ảnh 1.

Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.

Đô thị loại I, thành phố đặc thù

Quy hoạch nêu rõ tính chất là đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương có yếu tố đặc thù, phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cố đô, bản sắc văn hóa Huế; đặc sắc về sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Là cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung về kinh tế biển, kinh tế du lịch, trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm du lịch quốc tế.

Trung tâm phát triển công nghiệp và cảng biển của quốc gia, trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng…

Khi nào Huế có sân bay cho thủy phi cơ, trực thăng tại đầm phá Tam Giang, Bạch Mã?- Ảnh 2.

Cầu Trường Tiền, cầu Phú Xuân và cầu Dã Viên bắc qua sông Hương, TP Huế.

Mục tiêu quy hoạch đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Tầm nhìn đến năm 2065, xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế là thành phố Festival trong nhóm dẫn đầu của hệ thống đô thị Việt Nam, phát triển mạnh về văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, hướng đến hội nhập với các đô thị nổi bật tầm cỡ châu Á và thế giới

Bên cạnh đó, có trình độ phát triển kinh tế cao trên cơ sở hệ thống hạ tầng giao thông liên hoàn, kết nối thuận lợi với quốc tế bằng đường bộ, đường thủy, đường không và đường sắt tốc độ cao; có nền sản xuất phát triển, hệ thống dịch vụ và logistics hiệu quả.

Giao thông Thừa Thiên Huế sẽ phát triển thế nào?

Quyết định cũng nêu rõ quy mô và chỉ tiêu, định hướng phát triển không gian toàn đô thị, các khu chức năng về hạ tầng kinh tế, thiết kế đô thị, định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật...

Khi nào Huế có sân bay cho thủy phi cơ, trực thăng tại đầm phá Tam Giang, Bạch Mã?- Ảnh 3.

Đoạn tuyến đường La Sơn - Túy Loan qua huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong đó, đối với giao thông đối ngoại, đường bộ tuân thủ quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hoàn thiện nâng cấp, mở rộng các tuyến cao tốc, quốc lộ hình thành các trục dọc, trục ngang kết nối các trung tâm đô thị, các cửa khẩu quốc tế, cảng biển, cảng hàng không và mạng lưới đường địa phương.

Trục dọc bao gồm cao tốc Bắc - Nam phía Đông, QL1, QL49C, QL49B - đường ven biển và đường Hồ Chí Minh kết nối với các tỉnh miền Trung và cả nước.

Trục ngang bao gồm QL49, các tuyến quốc lộ hình thành mới (QL49D, QL49E, QL49F); xây dựng hoàn thiện đường bộ ven biển và hầm đường bộ Lộc Bình, đường tuần tra biên giới.

Nâng cấp, cải tạo và quy hoạch mới hệ thống đường tỉnh, đường nối Nam Đông - Tây Giang (Quảng Nam).

Khi nào Huế có sân bay cho thủy phi cơ, trực thăng tại đầm phá Tam Giang, Bạch Mã?- Ảnh 4.

Tàu làm hàng container tại cảng Chân Mây.

Cảng biển Thừa Thiên Huế là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), bao gồm các khu bến Chân Mây, Thuận An và Phong Điền.

Khu bến Chân Mây đáp ứng tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải từ 150.000 tấn đến 200.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn (hoặc các cỡ tàu lớn hơn khi đủ điều kiện và phù hợp với các quy hoạch có liên quan).

Khu bến Thuận An đáp ứng tàu trọng tải đến 5.000 tấn, khu bến Phong Điền đáp ứng tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 50.000 tấn, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.

Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng cảng biển như đê chắn sóng, luồng hàng hải, các khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão.

Đối với đường hàng không, tuân thủ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nâng cấp mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, năm 2030 công suất đạt khoảng 7 triệu hành khách/năm, năm 2050 đạt khoảng 12 triệu hành khách/năm.

Phát triển sân bay dành cho thủy phi cơ, trực thăng tại Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Vườn Quốc gia Bạch Mã và tại những khu vực có tiềm năng về du lịch.

Khi nào Huế có sân bay cho thủy phi cơ, trực thăng tại đầm phá Tam Giang, Bạch Mã?- Ảnh 5.

Một góc Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.

Đối với đường sắt, tuân thủ quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát triển đường sắt tốc độ cao đi qua đô thị Thừa Thiên Huế với 2 nhà ga (Huế và Chân Mây) và quy hoạch bổ sung 1 ga mới ở Phong Điền; Quy hoạch tuyến nhánh kết nối với khu bến cảng Chân Mây.

Đường thủy nội địa, tuân thủ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa quốc gia đạt tối thiểu cấp IV, các tuyến đường thủy nội địa địa phương tối thiểu đạt cấp VI.

Quy hoạch các bến tàu khách, hàng hóa trên sông Hương, quy hoạch các bến tàu khách du lịch kết hợp thương mại dịch vụ du lịch ven sông Hương, phá Tam Giang, đầm Lập An… và khu vực ven biển. Bổ sung quy hoạch các cơ sở sửa chữa đóng mới tàu.

Đối với cảng cạn, phát triển các cảng cạn thuộc cụm cảng cạn Chân Mây tuân thủ theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Khi nào Huế có sân bay cho thủy phi cơ, trực thăng tại đầm phá Tam Giang, Bạch Mã?- Ảnh 6.

Ga Huế.

Đối với cửa khẩu, nâng cấp cửa khẩu chính Hồng Vân và cửa khẩu chính A Đớt thành cửa khẩu quốc tế; nâng cấp lối mở Hồng Thái thành cửa khẩu phụ.

Về giao thông đô thị, đối với đường bộ, nâng cấp, xây dựng các tuyến vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3 đô thị, các tuyến đường và cầu kết nối khu vực đô thị trung tâm với khu vực ven biển, các đường vành đai đô thị: đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường nối Quảng Điền - Hương Trà - trung tâm Huế, đường nối khu B - An Vân Dương - thị trấn Phú Đa, đường nối La Sơn - Vinh Hà - Giang Hải, đường nối Vinh Hà - Vinh Hưng, đường nối Phong Điền - Quảng Điền - Huế (song song với đường sắt tốc độ cao), đường nối Hương Trà - Quảng Điền - Phá Tam Giang, đường nối La Sơn - Chân Mây, đường Tây Đầm Cầu Hai, đường nối QL1 với khu du lịch nước nóng Thanh Tân.

Nâng cấp mở rộng các tuyến hiện hữu, quy hoạch các tuyến mới đảm bảo quy mô tối thiểu từ 2 đến 4 làn xe; bổ sung các tuyến đường song hành cho các quốc lộ đoạn qua đô thị theo quy hoạch từng đô thị, đảm bảo an toàn giao thông.

Khi nào Huế có sân bay cho thủy phi cơ, trực thăng tại đầm phá Tam Giang, Bạch Mã?- Ảnh 7.

Cầu qua cửa biển Thuận An thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế đang thi công.

Giao thông công cộng, phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt chỉ tiêu 15% vào năm 2030 và 30% vào năm 2045. Quy hoạch các tuyến xe buýt nhanh, phát triển các tuyến xe buýt hiện có đảm bảo tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại.

Phát triển đường sắt du lịch nối Huế - Đà Nẵng; giai đoạn đến 2045 nghiên cứu bố trí tàu điện nổi kết hợp ngầm tại khu vực đô thị trung tâm từ sân bay Phú Bài, Thuận An kết nối liên hoàn và kéo dài đi Hương Trà, Phong Điền, Chân Mây.

Đối với giao thông xanh, giao thông thông minh, thúc đẩy tăng hiệu quả năng lượng cho các phương tiện, ưu tiên giao thông công cộng và giao thông khối lượng lớn như đường sắt, đường thủy, giảm dần vận tải đường bộ và phương tiện cá nhân.

Bổ sung các hình thức giao thông mới như cáp treo, xe điện, xe tự hành và các hình thức giao thông thông minh tại các khu du lịch, dịch vụ, khu vui chơi giải trí, khu đô thị mới.

Khi nào Huế có sân bay cho thủy phi cơ, trực thăng tại đầm phá Tam Giang, Bạch Mã?- Ảnh 8.

Quốc lộ 49 Huế - A Lưới đoạn thuộc thị trấn A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đối với công trình giao thông, xây dựng các nút giao thông khác mức tại các giao lộ có mật độ cao... hệ thống cầu vượt, cầu qua sông tại các trục đường chính.

Quy hoạch mới các bến xe liên tỉnh, di dời các bến xe trong khu vực đô thị trung tâm để bố trí bãi đỗ xe công cộng gắn với hệ thống dịch vụ đô thị, hình thành các điểm đầu cuối xe buýt gắn với hệ thống công trình dịch vụ, công viên cây xanh.

Cảng và bến bãi vật liệu xây dựng phục vụ các hoạt động phát triển đô thị được bố trí tạm trong thời gian chưa triển khai quy hoạch.

Thời gian hoạt động tạm và địa điểm cụ thể được xác định trong các Đề án đảm bảo không ảnh hưởng đến các định hướng của quy hoạch chung và các quy hoạch liên quan.

Trong quá trình thực hiện quy hoạch, căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực được phép nghiên cứu đầu tư cải tạo, mở rộng các tuyến đường đảm bảo tiêu chí kỹ thuật, tăng cường năng lực thông hành, đáp ứng hiệu quả đầu tư.

Thừa Thiên - Huế: Phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, thúc đẩy liên kết vùngThừa Thiên - Huế: Phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, thúc đẩy liên kết vùng

Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với các hành lang kinh tế, phù hợp với quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.