Chuyện dọc đường

Khi người giàu tranh đoạt giấc mơ người nghèo

19/05/2023, 06:13

Người giàu cố tình tranh mua nhà ở xã hội không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là hành vi thất đức. Hành vi đó đã cướp đi giấc mơ của người nghèo.

Câu chuyện về dự án chung cư nhà ở xã hội ở Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside, TP Đà Nẵng vừa mở bán đã phát hiện nhiều người giàu đăng ký mua nhà, “xí” phần của người nghèo và các lao động thuộc diện khó khăn khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

img

Người dân chen nhau nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội tại Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside, Đà Nẵng hôm 8/5

Dự án này được mở bán ngày 8/5, trong số hàng trăm người xếp hàng từ mờ sáng hôm đó, có cả những “cò” bất động sản.

Chỉ vài ngày sau khi hồ sơ mua bán nhà ở xã hội được tiếp nhận, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng phát hiện dấu hiệu một số cá nhân có điều kiện kinh tế, thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân nhưng vẫn nộp hồ sơ mua!

Tương tự, tại dự án nhà ở xã hội Hòa Khánh, Sở Xây dựng phối hợp Cục Thuế TP Đà Nẵng rà soát xác định một số trường hợp có mã số thuế và thuộc diện đang đóng thuế thu nhập cá nhân.

Điều đáng nói, đây không phải là câu chuyện mới ở Đà Nẵng. Đã có hàng chục trường hợp mua bán không đúng đối tượng.

Và cũng không chỉ ở Đà Nẵng xảy ra câu chuyện này. Thậm chí, có những dự án, người mua nhà, vốn là lao động nghèo bị ép phải mua kèm cả gói nội thất.

Dù đã có những quy định chặt chẽ, song bằng một cách nào đó, những người có điều kiện vẫn sở hữu được nhà để bán lại, hoặc cho thuê.

Trong khi đó, những người thu nhập thấp thực sự vẫn không thể nào tiếp cận được với nhà ở xã hội. Giấc mơ có một căn nhà đối với nhiều người vẫn quá xa vời.

Đã có ý kiến cho rằng, những người giàu cố tình tranh mua nhà ở xã hội không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là hành vi thất đức. Bởi, hành vi đó đã cướp đi giấc mơ của những người thu nhập thấp, rất cần lên án.

Tuy nhiên, ở đây cần nhìn nhận rằng, tất cả các quy định đều đã có, vấn đề là những cơ quan đơn vị, cá nhân liên quan thực thi nghiêm túc đến đâu, việc kiểm tra giám sát có làm thực chất hay không mà thôi.

Và quan trọng hơn, sau mỗi lần phát hiện tiêu cực, đã có ai phải chịu trách nhiệm hay chưa?

Thậm chí, nếu công khai danh tính những người giàu cố tình tranh mua nhà với người nghèo, chắc gì còn ai dám nữa?

Ngoài việc bị người giàu tranh mua, đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội hiện nay còn gặp nhiều khó khăn khác. Trong đó, giá nhà xã hội tăng gần gấp đôi sau 5 năm, song cách xác định thu nhập thấp (điều kiện quan trọng để được mua nhà) vẫn giống như 8 năm trước.

Chưa kể, hồ sơ giấy tờ chứng minh phức tạp, khó cạnh tranh suất mua, khó tiếp cận vốn vay...

Kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, nếu như cách đây 4 năm người lao động Việt Nam cần 35 năm để có thể mua nhà thì con số này giờ đã tăng lên 57 năm. Đó là một con số thực sự khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Bởi vậy, đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” đang được chờ đợi và kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở của hàng triệu người dân.

Tuy nhiên, từ nay đến khi đó, người thu nhập thấp vẫn chỉ biết chờ mà thôi!

Đặng Tuấn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.