Nhà tâm lý học nổi tiếng Alfred Adler từng nói rằng, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có tâm lý bất an, mọi hành động của chúng đều phụ thuộc vào bố mẹ. Chúng biết rằng, bố mẹ là người quyền lực nhất, nếu làm sai cái gì sẽ bị phạt.
Vì vậy, bố mẹ cần cải thiện tính cách này của con mình. Nếu nhận thấy con mình có những hành vi sau đây, chứng tỏ chúng đang có cảm giác không an toàn.
1. Quá nhút nhát, hay sợ hãi, tự biến mình thành một kẻ ngốc nghếch
Khi đến cùng một địa điểm vui chơi, có những trẻ sẽ không ngạc nhiên hay sợ hãi với những thứ mới mẻ. Hay như khi vào nhà hàng, chúng cũng không tỏ ra rụt rè khi gọi món. Trái ngược lại, có những trẻ em khi đi du lịch thường tỏ ra sợ hãi, không nói thích thứ mình muốn ăn, làm gì cũng ngó trước ngó sau.
Một số trẻ dù sống ở thành phố nhưng ít được bố mẹ cho tiếp xúc với thế giới bên ngoài, lúc nào cũng bắt ở nhà cũng thường tỏ ra sợ hãi, nhút nhát. Chúng thường không dám bộc lộ suy nghĩ thật của mình, làm gì cũng sợ người khác chê cười.
Vì vậy, khi giáo dục con cái, bố mẹ cần rèn luyện cho trẻ lòng can đảm, đừng nhốt trẻ quá nhiều ở nhà, để chúng được đi nhiều nơi, khám phá thế giới nhiều hơn, như vậy trẻ sẽ không còn rụt rè nữa.
2. Nhạy cảm, dễ bị tổn thương
Một đứa trẻ nhạy cảm thường dễ chấp nhận sự phủ nhận bản thân mình, chúng cũng dễ nổi nóng, hay cáu kỉnh, dễ khóc, dễ tổn thương. Vì không tự tin nên trẻ rất khó kìm chế được cảm xúc của mình.
Những đứa trẻ kiểu này cũng rất yếu đuối, luôn nghĩ rằng mình là kẻ yếu và hay bị bắt nạt. Mọi cảm xúc của chúng thường bị thế giới bên ngoài tác động và điều khiển. Trẻ cũng không có nguyên tắc hay lập trường của mình, dễ dàng bị người khác xoay chuyển theo ý họ.
3. Quá vâng lời
Sự ngoan ngoãn và hiểu biết của trẻ luôn được người lớn khen ngợi. Mọi người thường nghĩ rằng, trẻ nghịch ngợm là hư, biết vâng lời mới là trẻ ngoan. Họ không hề nghĩ rằng, đằng sau một đứa trẻ quá vâng lời là một người hay tự ti.
Trẻ em khi còn nhỏ chỉ biết dựa dẫm vào bố mẹ, chúng cần được bố mẹ khẳng định trong mọi việc mà mình làm. Nếu được bố mẹ khen ngợi, chúng sẽ tiếp tục vâng lời răm rắp và dần dần quen với việc làm theo mệnh lệnh của người khác, không dám bộc lộ suy nghĩ của mình.
Những đứa trẻ như vậy thường cố che giấu con người thật của mình. Nếu nhận thấy con mình quá ngoan ngoãn, bố mẹ cần cảnh giác con mình có là đứa trẻ tự ti hay không.
4. Hay ghen tỵ
Khi một đứa trẻ suốt ngày chỉ biết ghen tỵ với người khác, chúng sẽ không còn tập trung vào bản thân mình nữa, lúc nào cũng soi mói người ta có gì hơn mình. Biểu hiện này cũng chứng tỏ trẻ tự ti, lúc nào cũng sợ bản thân thua kém người khác, không có suy nghĩ tích cực.
5. Trốn tránh sự cạnh tranh
Những đứa trẻ không thích cạnh tranh hay trốn tránh mỗi khi xảy ra vấn đề, thực chất chúng đang mặc cảm về bản thân mình. Càng trốn tránh chúng sẽ càng trở nên tự ti về bản thân mình hơn.
Tự ti là trạng thái tâm lý thường gặp ở trẻ em, bởi khi một đứa trẻ phải chịu sự thiệt thòi thì chúng sẽ sinh ra tâm lý dựa dẫm vào người khác để tồn tại. Một đứa trẻ tự ti thực ra không phải là điều quá khủng khiếp, chỉ cần bố mẹ nhận ra sớm và tìm cách cải thiện thì trẻ sẽ ngày càng hạnh phúc hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận