Giữa tuần này, vòng bảng Champions League mùa giải 2020 - 2021 sẽ chính thức khởi tranh. Ngay ở lượt đấu đầu tiên, người hâm mộ sẽ có cơ hội chứng kiến nhiều cặp đối đầu nảy lửa. Dễ dàng điểm ra một số cuộc so tài đỉnh cao như Chelsea gặp Sevilla, PSG gặp MU, Bayern Munich gặp Atletico Madrid hay Liverpool làm khách trên sân Ajax…
Tuy nhiên, cạnh đó vẫn có những cặp đấu cực kỳ chênh lệch như: Barcelona đọ sức với Ferencvaros, Real Madrid với Shakhtar Donetsk. Hoặc giả những cặp đấu vô danh kiểu: Zenit - Club Brugge, Rennes - Krasnodar, Midtjylland - Atalanta…
Từ những dẫn chứng này, chúng ta thấy điều gì? Sân chơi Champions League đầy danh giá vẫn có chỗ cho các đội bóng thấp cổ bé họng. Tất nhiên, Midtjylland, Krasnodar, Rennes… không phải tự dưng góp mặt tại đây. Nhưng góp mặt cũng không đồng nghĩa với họ đã có thể ngồi cùng mâm với nhóm ông lớn ở lục địa già.
Bằng cách này hay cách khác, các đại gia vẫn luôn biết cách tạo ra sự khác biệt và Champions League đã từ lâu không phải nơi dành cho các câu chuyện cổ tích. Sau lần Porto lên ngôi vào năm 2004, các nhà vô địch giải đấu đều tới từ Anh, Tây Ban Nha và Đức, 3 trong số 5 nền bóng đá lớn nhất châu Âu. Mùa trước, Bayern Munich đứng trên bục vinh quang, trước đó là Liverpool, Real Madrid…
Thực tế, thể thức bốc thăm, phân loại hạt giống vẫn đang ưu ái nhiều cho các ông lớn. Quan sát các bảng đấu trước giờ bóng lăn, không khó để dự đoán 16 cái tên sẽ đi tiếp, tất nhiên đa phần đều thuộc hàng số má. Có thể xuất hiện một vài bất ngờ nho nhỏ nhưng trật tự chắc chắn được vãn hồi ở vòng play-off.
Suy cho cùng, dù rất nỗ lực để thu hẹp khoảng cách giữa các nền bóng đá, song UEFA khó đạt hiệu quả tối đa. Bản thân những người điều hành bóng đá châu Âu hẳn mong muốn kịch bản Barcelona, Real Madrid, MU hay Bayern Munich vô địch thay vì các đội kém tên tuổi. Bóng đá không chỉ là bóng đá mà còn là các hợp đồng kinh tế, hiệu ứng trên truyền hình và vô vàn những giá trị ăn theo.
Ở châu Á, đấu trường AFC Cup được phân chia theo khu vực. Nhà vô địch của các khu vực sẽ gặp nhau ở vòng chung kết. Cách làm này đảm bảo mọi khu vực đều có đại diện tiến sâu, đặc biệt có ích với Đông Nam Á, nơi vẫn bị coi là vùng trũng. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng thể thức này quá rắc rối và không thực sự chuyên nghiệp, làm giảm tính cạnh tranh của giải.
Hãy thử tưởng tượng, nếu châu Âu chia thành các khu vực Đông, Tây, Nam, Bắc Âu, chúng ta sẽ sớm được chứng kiến những cuộc đấu nảy lửa ở phía Tây hoặc Nam Âu, nhiều đại gia sẽ bị loại sớm.
Ngược lại sẽ có số không nhỏ trận đấu nhàm chán tới từ Đông Âu. Rõ ràng, chẳng có phương án nào hoàn hảo để tổ chức thi đấu các giải bóng liên quốc gia. Sự công bằng của kẻ này lại đem tới sự khó chịu cho kẻ khác.
Vậy nên, người hâm mộ hãy biết cách chấp nhận một vài trận đấu không ngôi sao, chất lượng chuyên môn vừa phải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận