Hàng hải

Khó nhập khẩu tàu biển cũ dù lợi nhuận kếch xù

08/02/2023, 08:00

Lợi nhuận từ việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ được cho là khá hấp dẫn song vẫn còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp “bó tay”.

Lợi nhuận lớn, quy định “đánh đố”

img

Hiện nay, vẫn chưa có doanh nghiệp nào ở Việt Nam được nhập khẩu tàu biển để phá dỡ. Ảnh: MT

Là một trong hai cơ sở hiếm hoi được cấp giấy phép đủ điều kiện để phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng nhưng suốt nhiều năm nay, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng vẫn chưa nhập khẩu được chiếc tàu nào để phá dỡ.

Toàn bộ 6 tàu cũ được công ty phá dỡ từ thời điểm được Bộ GTVT cấp phép đến nay (từ tháng 5/2020) đều là tàu biển Việt Nam.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng Vũ Hữu Chiến cho biết, phá dỡ tàu là hoạt động mang lại nhiều lợi nhuận, giúp tạo công ăn việc làm cho công nhân và cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sắt thép Việt Nam.

“Giá bán tàu cũ trong nước rất cao. Trường hợp thị trường thép ổn định, lợi nhuận có thể mang về từ việc phá dỡ một tàu biển khoảng 10 - 15%.

Nhưng ở nước ngoài, tàu cũ chỉ được bán với giá bằng khoảng một nửa giá ở Việt Nam, thậm chí nhiều doanh nghiệp cho không và chỉ lấy chi phí làm thủ tục nhập khẩu.

Với những tàu này, lợi nhuận từ việc phá dỡ sẽ được khoảng 30 - 40%”, ông Chiến cho hay.

Đáng nói, những quy định liên quan đến quản lý môi trường đang “trói tay” các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu tàu biển để phá dỡ.

Theo PGS.TS. Ngô Kim Định, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường (Bộ GTVT), dù đã có quy định cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ nhưng để đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường là điều vô cùng khó khăn.

“Điển hình quy định về vật liệu chứa amiang trong chất thải phá dỡ tàu biển. Amiang là chất bắt buộc phải có trong thành phần của một số nguyên vật liệu để đóng tàu.

Tuy nhiên, nếu quy chuẩn kỹ thuật yêu cầu tàu nhập khẩu để phá dỡ không được có amiang thì hầu như không có tàu biển nào có thể vượt qua quy định này”, ông Định chia sẻ.

Khẳng định việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng đang có một số vướng mắc, đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, hiện chưa có doanh nghiệp nào được cấp giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.

Đề xuất gỡ thế nào?

Theo ông Vũ Hữu Chiến, để xây dựng một cơ sở đóng tàu, phá dỡ tàu biển được cấp phép, doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều về hạ tầng kỹ thuật phục vụ phá dỡ tàu và bảo vệ môi trường.

Từ việc phải có cầu tàu, bến nước đủ rộng, mặt bằng rộng rãi, có hệ thống thu gom nước thải, hệ thống kho bãi chứa chất thải rắn thông thường, kho chứa chất thải nguy hại...

Doanh nghiệp cũng phải thuê đơn vị xử lý chất thải có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, tuân thủ các quy định về môi trường.

Các tàu được phá dỡ đều phải được Cảng vụ Hàng hải phê duyệt phương án sau khi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan.

Cơ quan này cũng sẽ chủ trì phối hợp với Sở TN&MT, Cảnh sát PCCC để tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án phá dỡ đối với từng tàu biển.

Theo quy trình, các tàu trước khi phá dỡ đều được kiểm tra sơ bộ về môi trường. Nếu có chất thải được vận chuyển trên tàu, nhà máy sẽ báo cáo cơ quan chức năng và trách nhiệm xử lý của chủ tàu.

Tàu đến cơ sở phá dỡ gần như không còn chất thải, nhiên liệu, chỉ còn các trang thiết bị trên tàu và tàu được kiểm tra, vệ sinh, thu gom chất thải trước khi tiến hành phá dỡ.

Chất thải trong quá trình phá dỡ được tập kết, xử lý theo các phương án, biện pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt.

“Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, cơ sở phá dỡ tàu biển của doanh nghiệp này chưa xảy ra sự cố, tai nạn về an toàn, môi trường và cháy nổ liên quan đến các tàu biển được cảng vụ phê duyệt phương án phá dỡ”, ông Chiến cho hay.

PGS.TS. Ngô Kim Định nói thêm, Việt Nam có nhiều tàu nội địa và việc phá dỡ vẫn diễn ra bình thường ở những cơ sở có giấy phép.

Tới nay, các cơ sở được cấp phép cũng đã có những hệ thống thu gom, lưu giữ chất thải từ tàu nên vấn đề môi trường tới hiện tại vẫn được đảm bảo.

Các kỹ thuật sửa chữa, phá dỡ tàu biển của Việt Nam cũng hiện đại không kém nước ngoài.

Gỡ khó cho các doanh nghiệp, Cục Hàng hải VN cho biết đã có văn bản gửi Tổng cục Môi trường, đề nghị sớm xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ.

Cơ quan này cũng kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với Bộ TN&MT sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ để triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định có liên quan.

Hoạt động nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ được quy định tại Nghị định 82/2019 ngày 12/11/2019 của Chính phủ quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Điều 70 (Luật Bảo vệ môi trường năm 2020) cũng quy định rõ: Việc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Nghị định 08/2022 ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ cũng yêu cầu phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.