Khoác áo mới cho những "cầu khỉ" ở vùng biên

30/11/2021, 09:01

Hàng trăm cây cầu tạm bợ được thay thế bằng những cầu bê tông vững chắc giúp người dân, đồng bào dân tộc đi lại an toàn, thuận lợi.

5 năm qua, những cây cầu giao thông nông thôn được xây dựng ở các huyện biên giới Long An, Đồng Tháp giúp người dân, bà con dân tộc đổi thay cuộc sống.

“Khoác áo mới” cho những cây cầu tạm bợ

img

Một cây cầu tạm bợ ở xã Hưng Hà, Huyện Tân Hưng, tỉnh Long An

Có dịp về Đức Huệ (Long An), chúng tôi ghé thăm cây cầu Rạch Cỏ tại xã Mỹ Thạnh Đông. Đây là cây cầu mang số thứ tự 01, tức cây cầu đầu tiên đánh dấu sự khởi động của chương trình cầu nông thôn. So với những cây cầu được xây dựng sau này, cầu Rạch Cỏ khá nhỏ, chỉ dài 26,5m, rộng 3,2m. Thế nhưng tại một huyện nghèo biên giới với nhiều đồng bào sinh sống, thì cây cầu với kinh phí đầu tư 450 triệu đồng này đã được xem là một công trình “vĩ đại”.

Ông Nguyễn Văn Thời (ấp 1, xã Mỹ Thạnh Đông), gắn bó với vùng đất này gần 50 năm nhớ lại: Ngày trước, cầu Rạch Cỏ vốn là một cây cầu tạm bợ, người dân chỉ có thể đi bộ hoặc qua lại bằng xe máy, xót nhất là mấy đứa nhỏ đi học mùa mưa lũ cực khổ vô cùng. "Đã có lúc bà con đi lại vất vả quá định rủ nhau hùn tiền làm đường, nhưng dân nghèo lo ăn còn chưa đủ, nên con đường ấy vẫn là mơ ước. Nay được Nhà nước, Mạnh thường quân hỗ trợ xây cầu, làm đường, bà con nơi đây rất mừng”, ông Thời chia sẻ.

Bước trên cây cầu Rạch Cỏ vững chãi, bà Nguyễn Thị Nhiều, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Huệ (Long An) hồ hởi: Từ khi có cây cầu Rạch Cỏ, không chỉ giúp đời sống của bà con vùng xa đi lại thuận tiện mà đã góp phần giúp hoàn thiện hạ tầng, đạt được tiêu chí giao thông nông thôn".

Xã Vĩnh Đại (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) cũng như được khoác chiếc áo mới từ khi có những công trình cầu giao thông. Là vùng căn cứ cách mạng, xã Vĩnh Đại chịu nhiều thiệt thòi do sự tàn phá của chiến tranh ác liệt. Người dân Vĩnh Đại sống hàng chục năm tại đây ngày đêm ao ước có được những cây cầu để đi lại bớt vất vả.

img

Học sinh, người đồng bào dân tộc Khmer đi lại an toàn trên cầu mới ở xã Tân Lập, Long An

Có cầu nên tuyến đường Kênh Ngang dài hơn 10km được hình thành, không chỉ thuận tiện trong đi lại mà ô tô cũng chạy bon bon. Hai năm sau ngày khánh thành các cây cầu, khi trở lại, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi tuyến đường đã ngập tràn sắc hoa, hàng rào cây xanh tươi mát.

Bà Phol La, người đồng bào dân tộc Khmer sống gần tuyến đường Kênh Ngang, chia sẻ: Có đường lớn, có cầu, ai cũng mừng. Không ai nói ai. Nhà nào cũng tự trồng cây, trồng hoa cho đẹp đường, đẹp ngõ. Cả một vùng nông thôn như bừng sáng, đổi mới từ khi có cầu, có đường.

Huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông nông thôn

Chia sẻ về sự phát triển của huyện từ khi có cầu mới, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An cho hay: “28 cầu mới được đưa vào sử dụng đã giúp địa phương từng bước hoàn thành mục tiêu xoá bỏ, thay thế cầu tạm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hoá của người dân.

"Đặc biệt là cầu giúp cho các em học sinh đến trường an toàn vào mùa nước nổi. Bên cạnh đó, những công trình này còn củng cố hệ thống giao thông kết nối với tuyến đường tuần tra biên giới, tạo thế phòng thủ liên hoàn nơi biên cương”, ông Minh nhấn mạnh.

imgCác em học sinh vui mừng được đi qua cây cầu mới Nam Hang, thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp

Theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp, 2 huyện biên giới nghèo tiếp giáp Campuchia là Tân Hồng và Hồng Ngự đã đầu tư xây 19 cây cầu dân sinh. Trong đó, huyện Tân Hồng khá nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông. Từ khi có cầu mới, đồng bào đi lại thuận tiện, kinh tế phát triển. Những cầu trên được xây dựng bằng bê tông cốt thép, tải trọng 5 tấn, trong đó cầu dài nhất là 120m, cầu ngắn nhất là 36m. Tổng dự toán 19 cây cầu hơn 56 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn được hỗ trợ từ Trung ương, mạnh thường quân là 36 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách địa phương.

Ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An cho biết, 5 năm thực hiện chương trình cầu nông thôn đến nay đã góp phần làm thay đổi diện mạo và giúp người dân ở vùng biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, 8 huyện vùng biên giới của Long An được đầu tư xây dựng 269 cầu với tổng số tiền hơn 280 tỷ đồng. Do ngân sách địa phương có hạn, nên nguồn vốn xây cầu được hỗ trợ thực sự đã góp phần không nhỏ để địa phương tháo gỡ được phần nào khó khăn.

Theo ông Tuấn, số lượng cầu khỉ, cầu tạm trên địa bàn tỉnh đã được thay thế khá nhiều bằng những cầu bê tông vững chắc. Tuy nhiên, thực tế thì ở những xã vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số thì điều kiện giao thông vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, đường giao thông nông thôn đã làm từ nhiều năm trước đây cũng dần xuống cấp. Trong khi đó, nhu cầu phát triển kinh tế, vận chuyển hàng hoá nông sản ngày một tăng cao.

Để đảm bảo giao thông được thuận lợi, những năm gần đây, tỉnh huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông. Đồng thời tỉnh cũng dành kinh phí để sửa chữa, khắc phục kịp thời những tuyến đường, cầu cống bị hư hỏng, sạt lở trong mùa mưa lũ đảm bảo việc đi lại của người dân được an toàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.