Nâng cấp để tiếp nhận tàu có trọng tải tới 48.000 DWT
Ông Trần Viết Mạnh, Giám đốc Công ty CP Cảng Nam Đình Vũ (chủ đầu tư) cho biết hiện nay, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực Đình Vũ chiếm phần lớn trong tổng sản lượng thông qua hệ thống cảng Hải Phòng.
Tuy nhiên, với xu hướng gia tăng cỡ tàu, một trong những "nút thắt" của hoạt động hàng hải tại khu vực này là luồng hàng hải còn hẹp và khá nông.
Trong đó, đoạn Kênh Hà Nam hiện tại độ sâu -7.0m và có những thời điểm bị sa bồi khiến các tàu có mớn nước -8,5m trở lên phải neo chờ thủy triều và giảm tải hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả khai thác của các hãng tàu và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Do đó, việc nâng cấp luồng hàng hải tại Hải Phòng (đoạn kênh Hà Nam) là nhu cầu cấp bách, khơi thông để tàu lớn ra vào các cảng. Qua đó, góp phần tăng sản lượng hàng hóa và giảm đáng kể chi phí logistics.
Dự án nâng cấp luồng hàng hải đoạn từ vũng quay tàu cảng container quốc tế Hải Phòng đến cảng Nam Đình Vũ do Công ty CP Gemadept nghiên cứu và đề xuất, nhằm hạ độ sâu luồng từ -7.0m xuống -8.5m, đã được Bộ GTVT chấp thuận, ra văn bản thống nhất chủ trương. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng.
Sau khi hoàn tất, luồng nâng cấp sẽ đạt độ sâu -8.5m, chiều dài đoạn luồng dự kiến nâng cấp khoảng 10,5 km, cảng Nam Đình Vũ có thể tiếp nhận cỡ tàu trọng tải lên đến 48.000 DWT với mớn nước lên đến -8,5m hành hải.
Lãnh đạo Cảng Nam Đình Vũ thông tin từ khi khai trương giai đoạn 2 vào tháng 5/2023, Cảng với công suất, cầu tàu và bến bãi được nhân đôi, được xây dựng và đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, thiết bị và công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện tại, Cảng Nam Đình Vũ có thể tiếp nhận cùng lúc 4 - 5 chuyến tàu feeder. "Việc nâng cấp luồng vào cảng sẽ tiếp tục nâng cao năng lực của Nam Đình Vũ trong thời gian tới, đặc biệt khi giai đoạn 3 của cảng sẽ sớm được triển khai và tiếp tục đưa vào hoạt động từ năm 2025", ông Mạnh nói và nhấn mạnh dự án còn góp phần đáng kể nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, tạo động lực thay đổi diện mạo cho cả hệ thống cảng trọng điểm phía Bắc.
Đây là một trong những dự án tiên phong trong việc phối hợp và phát huy các nguồn lực giữa Nhà nước và xã hội nhằm đầu tư, nâng cấp luồng hàng hải công cộng tại khu vực Hải Phòng.
Dự án cũng nằm trong Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hải Phòng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, cũng như chiến lược phát triển hệ thống cảng biển nhóm 1 và chiến lược phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.
Nhà thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH xây dựng Chấn Nam - doanh nghiệp chuyên đảm nhận nhiều công trình nạo vét luồng hàng hải, luồng lạch. Từng thi công nhiều dự án lớn và trọng điểm tại cảng biển Hải Phòng nói riêng và nhiều khu vực cảng các vùng lân cận và cả nước, theo lãnh đạo Công ty Chấn Nam, đây là một trong những dự án khá đặc biệt.
Dự án có khối lượng nạo vét dự kiến khoảng 500.000 m3, thực hiện trong khoảng 3 tháng. "Với mục tiêu đưa dự án vào khai thác ngay từ đầu tháng 5/2024, nhà thầu sẽ huy động các trang thiết bị, phương tiện làm việc 2 ca/ngày, đảm bảo đáp ứng đúng tiến độ đề ra", lãnh đạo Chấn Nam khẳng định.
90% hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng thông qua kênh Hà Nam
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đánh giá cao những quyết tâm của doanh nghiệp trong việc thực hiện và hiện thực hóa dự án.
Theo ông Vũ, đây là dự án nâng cấp luồng hàng hải công cộng đầu tiên sử dụng vốn đầu tư tư nhân nên có nhiều vấn đề trong quy định và cơ chế quản lý. Cơ quan quản lý nhà nước phải nghiên cứu nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, học hỏi kinh nghiệm của các dự án giao thông trong nước và quốc tế để thực hiện.
Lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng thông tin năm 2023, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng đạt khoảng 97.6 triệu tấn, hàng container đạt hơn 6,3 triệu Teu.
Trong đó, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Lạch Huyện chiếm khoảng 10% và tới 90% hàng hóa thông qua các cảng khu vực thượng lưu kênh Hà Nam. Có nghĩa, gần 90% hàng hóa đang khai thác qua luồng hàng hải có độ sâu -7.0 m, rộng 80m.
"Trong xu hướng tàu tăng kích cỡ, trọng tải để tối đa hóa lợi nhuận, dự án được kỳ vọng và tin tưởng sẽ đạt hiệu quả cao nhất có thể", ông Vũ nhấn mạnh.
Ông Phạm Quốc Long, Phó chủ tịch Hiệp hội chủ tàu VN cho biết thời gian qua, nhiều tàu biển trọng tải lớn khi ra vào cảng biển Hải Phòng qua kênh Hà Nam đều phải giảm tải. Các tàu thường phải chờ con nước để ra vào thuận tiện, khiến thời gian chờ tăng.
Do đó, việc nâng cấp luồng hàng hải Hải Phòng (đoạn kênh Hà Nam) là tin vui với các chủ tàu. Điều này cũng giúp có sự cân bằng giữa luồng hàng hải khu vực TP.HCM với luồng hàng hải Hải Phòng bởi hiện nay, luồng hàng hải vào Cảng Sài Gòn khu vực phía Nam có mớn nước khoảng 8.5m. Trong bối cảnh luồng kênh Hà Nam chỉ đạt độ sâu -7.0m khiến các tàu phải giảm tải, ảnh hưởng tới chi phí logistics và hiệu quả của tàu.
"Nếu tăng mớn nước, các tàu cũng tăng được khoảng 20-30% công suất. Điều này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu có giá cước tốt hơn vì các hãng tàu xếp được nhiều hàng hơn, còn giúp các chủ tàu hoạt động hiệu quả hơn", ông Long chia sẻ.
Sau khi hoàn thành nâng cấp, doanh nghiệp sẽ bàn giao đoạn luồng cho cơ quan quản lý Nhà nước để tổ chức quản lý khai thác đoạn luồng theo quy định, cũng như thực hiện công tác duy tu theo khả năng sắp xếp, bố trí các nguồn lực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận