Biểu diễn đàn tranh, đàn tì bà tại chương trình “Diễn xướng Nam bộ” |
Đây là chuỗi chương trình đặc biệt nhằm phác họa bức tranh chung về các hình thức diễn xướng dân gian đã và đang tồn tại ở Đồng Nai - Gia Định xưa và miền đất TP.HCM ngày nay. Lần đầu tiên, các hình thức diễn xướng Nam bộ được đưa lên sân khấu trang trọng và bán vé.
Với chuỗi chương trình, công chúng sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về “Diễn xướng Nam bộ” với 3 nhóm: Trữ tình dân gian, tự sự dân gian và diễn xướng tổng hợp. Họ được tìm hiểu kỹ hơn về các hình thức diễn xướng, phân biệt được những điệu hò, ru, hát lý… Các hình thức tự sự như nói thơ, nói tuồng, các hình thức diễn xướng tổng hợp như sắc bùa, nghi lễ, khoa nghi ứng phú… Diễn giả - nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết: “Chúng ta không phải là người bảo thủ, cũng không muốn ăn mày dĩ vãng. Vấn đề là chúng ta muốn có sự liên tục trong mạch phát triển văn hoá, để văn hóa không bị đứt gãy trong đời sống hiện nay. Bây giờ, nếu những cái mới đi nhanh quá bỏ lại những loại hình văn hoá có giá trị tinh thần với ông bà ngày xưa, thì người chịu thiệt thòi chính là người trẻ”, ông khẳng định.
Nhằm hướng tới đối tượng là những người trẻ, “Diễn xướng Nam bộ” có giá vé dao động ở mức 160.000-200.000 đồng. Chị Yến Nhi - đại diện của Soul Live Project - đơn vị đồng thực hiện chuỗi chương trình cho biết, toàn bộ kinh phí chuỗi chương trình này được trích từ quỹ riêng dành cho các hoạt động nghệ thuật. Theo đó, số tiền lãi từ việc bán vé chương trình nghệ thuật sẽ được nhập quỹ để tiếp tục xây dựng cho những chương trình tiếp theo.
Cũng vì không phải kinh phí xã hội hóa nên theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, chuỗi chương trình này thực hiện đến bao lâu và được bao nhiêu kỳ phụ thuộc chủ yếu vào công chúng và những người thực hiện. Người tổ chức phải làm sao cho khả thi nhất, thu hút sự quan tâm và đồng hành của công chúng mới có thêm nguồn lực. Bởi, công chúng không thích thì chương trình khó thành công và duy trì tiếp. “Nếu may mắn được đón nhận, có thêm nguồn lực thì chương trình sẽ đầu tư thêm nhiều nội dung hấp dẫn. Có thể thực hiện những chuyên đề riêng như nói thơ, nói vè, hát tuồng… với sự tham gia của những nghệ nhân, nhà nghiên cứu nổi tiếng”, anh trăn trở.
“Cái này mất đi thì cái khác sinh ra, không phải muốn phục dựng những loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống là được. Vì, những loại hình đó không đáp ứng được nhu cầu của nhân loại. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn với sự phát triển kinh tế và xã hội khác nhau sẽ tạo nên những trào lưu văn hóa khác nhau, do cộng đồng sống trong thời cuộc đó lựa chọn. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn cho mọi người thấy kho tàng văn hóa di sản như thế nào. Do di sản chỉ thực sự hữu ích khi cộng đồng nhận thức được nó”, ông Trảng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận