Ngày 21/5, Công an quận Tây Hồ, TP Hà Nội cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với D.V.T (SN 2000, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Vụ án xảy ra từ ngày 17/9/2023, hôm đó, T uống rượu rồi điều khiển xe máy (dù chưa có giấy phép lái xe mô tô) đi ngược chiều tại làn đường dành cho xe ô tô trên cầu Nhật Tân, theo hướng Tây Hồ - huyện Đông Anh.
Đến gần giữa khu vực cầu, xe máy do T cầm lái tông vào đầu xe ô tô hiệu Mitsubishi do anh T.Q.T (ở Hà Nội) điều khiển. Hậu quả, D.V.T bị thương, còn xe ô tô của anh T bị hư hỏng phần đầu.
Sau quá trình điều tra và củng cố hồ sơ, cơ quan công an xác định tài sản xe ô tô của anh T bị thiệt hại 200 triệu đồng.
Căn cứ tài liệu điều tra, Công an quận Tây Hồ khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, đồng thời khởi tố bị can đối với D.V.T theo quy định tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài việc xử lý hình sự nêu trên, nhìn nhận về trách nhiệm dân sự trong vụ án, luật sư Nguyễn Tiến Dũng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, người điều khiển phương tiện gây tai nạn còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân. Thiệt hại này gồm chi phí sửa chữa tài sản bị hư hỏng, chi phí cứu chữa (nếu nạn nhân bị thương).
"Hai bên trước hết được tự thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không đạt thỏa thuận thì đề nghị tòa án xem xét giải quyết theo quy định pháp luật", luật sư nêu quan điểm.
Đáng chú ý, luật sư nhấn mạnh, nam thanh niên điều khiển xe máy trong vụ án này còn vi phạm nồng độ cồn rồi gây tai nạn giao thông.
Hành vi sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông chiếu theo khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự, người vi phạm có thể đối mặt với khung hình phạt thấp nhất là 3 năm tù.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận