Đời sống

Khốn khổ vì dị ứng mùa xuân

18/02/2019, 07:00

Tiết trời ẩm, lạnh đầu năm chính là nguồn cơn gây nên bệnh viêm mũi dị ứng và viêm giác mạc mùa xuân…

img
Thời tiết nồm ẩm là nguồn cơn gây bệnh viêm mũi dị ứng và viêm giác mạc (ảnh minh họa)

Dù bệnh không quá nghiêm trọng nhưng lại gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.

Khó chịu hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mắt…

Gần 1 tuần nay, chị Nguyễn Thị Minh (Khuất Duy Tiến, Hà Nội) từ chối tất cả các cuộc gặp gỡ từ bạn bè đến đối tác chỉ vì nguyên nhân nước mắt, nước mũi cứ liên tục chảy, chưa kể bất chợt những cơn hắt hơi vì ngứa mũi. Theo lời chị Minh, một năm cứ vài bận chị lại có những triệu chứng như vậy, nhất là vào dịp đầu xuân, trời mưa ẩm, nồm. “Mình cũng đã đi khám, bác sĩ chẩn đoán viêm mũi dị ứng trên nền cơ địa dị ứng, không thể chữa dứt điểm được. Mỗi năm đến mùa này là rất khó chịu”, chị Minh phàn nàn. Chị Minh cho hay, trong gia đình ngoài chị thì cậu con trai cũng thường viêm mũi dị ứng nhưng nhẹ hơn với tần suất cũng ít hơn. Thường chỉ xuất hiện các cơn hắt hơi, ngứa mũi vào buổi sáng sớm, sau khi thức giấc.

Theo BS. Bùi Khắc Hậu, nguyên Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là do niêm mạc mũi rất nhạy cảm với thời tiết, đặc biệt người có cơ địa dị ứng. Bởi vậy, nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng chủ yếu do phản ứng của cơ thể khi gặp vật lạ, nhất là thời tiết thay đổi. Một số nguyên nhân rất thường gặp có khả năng gây nên viêm mũi dị ứng như bụi, phấn hoa, hóa chất, bông, vải, sợi, lông (chó, mèo), ký sinh trùng (bào tử nấm mốc, bọ chét, mò, mạt...), khói (khói thuốc, khói bếp, khói nhà máy), một số dược phẩm hoặc do thời tiết (lạnh, nóng đột ngột, ẩm ướt, khô hanh). Mặt khác, những bệnh nhân có cơ địa dị ứng (viêm da dị ứng, mề đay mạn tính, ecza, tổ đỉa, hen suyễn...), thường tỷ lệ mắc bệnh viêm mũi dị ứng cao hơn nhiều so với người không có nền bệnh này.

Ông Hậu cũng cho hay, với bệnh viêm mũi dị ứng mạn tính, có thể bị nghẹt mũi gần như thường xuyên, gây ù tai, nhức đầu kèm theo, đây là những triệu chứng rất dễ nhầm với viêm xoang. Một số trường hợp viêm mũi dị ứng mạn tính có thể bị loạn khứu giác hoặc ngủ ngáy. Bệnh viêm mũi dị ứng gây nhiều phiền toái cho người bệnh và do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh, đặc biệt khi đã có biến chứng. Viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị thỏa đáng có thể dẫn đến viêm xoang dị ứng, polyp mũi, polyp xoang và bệnh hay tái phát.

Để hạn chế bị viêm mũi dị ứng cần vệ sinh định kỳ các chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm hạn chế sự tồn tại và sinh trưởng của một số ký sinh trùng (mò, mạt). Nhà ở cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển. Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với bụi (bụi trong nhà và bụi ngoài đường). Vì vậy, cần đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và lúc ra đường. Những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, nhất là ở những người có cơ địa dị ứng, cần giữ ấm cơ thể. Ngoài ra, cũng nên chú ý vệ sinh răng miệng hằng ngày, nhất là đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy; bỏ hút thuốc lá, thuốc lào và tránh nuôi chó, mèo trong nhà…

Cộm mắt, ngứa mắt nghĩ ngay tới viêm kết mạc mùa xuân

Trở lại đi học sau kỳ nghỉ Tết được 4 ngày thì cả hai cậu con trai của chị Trần Hương Lan (phường Đồng Nhân, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đồng loạt đau mắt. Mỗi sáng không mở nổi mắt vì dử mắt giăng kín mà khổ nhất là cậu con trai mới lên 5 cứ liên tục dụi mắt kêu ngứa. Chị Lan đành đưa con đi khám sau hai ngày ở nhà nhỏ nước muối sinh lý cho con mà không đỡ. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán con chị mắc viêm kết mạc mùa xuân.

Theo BS Hoàng Cương, BV Mắt T.Ư, viêm kết mạc mùa xuân là một bệnh do dị ứng ở mắt, hay tái phát và thường xuất hiện vào mùa xuân. Bệnh có cơ chế dị ứng rõ ràng, tuy nhiên, việc xác định dị nguyên là gì còn gặp nhiều khó khăn. Dị nguyên thường gặp: phấn hoa, bụi nhà... Bệnh có liên quan mật thiết với sự thay đổi thời tiết lúc giao mùa, nhất là xuân hè, ánh nắng, thay đổi nội tiết và yếu tố di truyền.

Khi mắc, người bệnh thường có biểu hiện ngứa mắt xuất hiện thành từng cơn vào những giờ nhất định, có thể vào buổi sáng khi mới ngủ dậy lúc tiếp xúc với ánh nắng hoặc buổi chiều tối. Theo ông Cương, triệu chứng cơ bản là ngứa, càng gãi, càng day dụi thì càng thích. Ở dạng có tổn thương giác mạc, trẻ viêm kết mạc mùa xuân sẽ có cảm giác nóng rát, sợ sáng và chảy nước mắt liên tục.

“Tự bảo vệ mình trước những dị nguyên, uống nhiều nước, uống vitamin C thường xuyên là cách thức phòng hộ cá nhân tốt nhất. Bên cạnh đó, khi có biểu hiện bệnh, tránh day dụi nhiều vì có thể gây trầy xước giác mạc và đến bác sĩ chuyên khoa để có phương án điều trị thích hợp”, ông Cương khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.