Hỏi - Đáp

Khốn khổ vì không vay vẫn bị "khủng bố" đòi nợ: Công an khuyến cáo gì?

03/04/2023, 18:59

Nhiều người không hề vay tiền nhưng có quen biết với người vay tiền qua app nên đã bị "khủng bố" đòi nợ với những thủ đoạn khác nhau.

Không vay tiền cũng bị "khủng bố"

Nhiều tháng gần đây, chị N.T.P. ở quận Hà Đông (Hà Nội) mất ăn mất ngủ vì liên tục bị các số điện thoại lạ "khủng bố" đòi tiền dù chị chẳng vay nợ ai.

Chỉ vì chị có quen biết anh A. ở quận Lê Chân (Hải Phòng). Anh A. có vay tiền qua app, số tiền chỉ vài triệu đồng rồi cứ "lãi mẹ đẻ lãi con" đến mức số tiền nợ lên tới hơn 100 triệu đồng. Anh A. không trả tiền cho app mà bỏ số điện thoại, đi khỏi nơi cư trú.

img

Nhiều người bị các đối tượng "khủng bố" bằng cách bôi nhọ trên mạng xã hội

Anh A. có thể thoát khỏi sự truy tìm của những "chủ app" khi bỏ số điện thoại, bỏ khỏi nơi cư trú nhưng những người quen của anh thì không. Chỉ vì khi vay tiền, anh A. có đọc số điện thoại của chị P. và đó là lý do suốt nhiều tháng qua chị P. liên tục bị "khủng bố" điện thoại.

"Tôi chỉ quen anh A. qua mối quan hệ công việc. Mấy năm nay không hề gặp anh ta, vậy mà giờ đây bị "tra tấn" suốt ngày đêm bởi những cuộc điện thoại đòi nợ", chị P. chia sẻ.

Cách đây không lâu, Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (doanh nghiệp có nhiều nhà máy đóng tại Hải Phòng với 38.000 lao động) đã phải có văn bản gửi cơ quan công an đề nghị hỗ trợ điều tra nội dung vu khống trên mạng xã hội, hành vi gọi điện, nhắn tin nhờ đòi nợ hộ. Theo công văn, nhiều cán bộ phụ trách nhân sự của công ty liên tục bị các đối tượng gọi điện đe doạ, khủng bố.

Chị N.T.M, một quản lý nhân sự của Công ty cho biết, suốt nhiều tháng trời chị mất ăn mất ngủ vì những cuộc điện thoại đòi nợ. Đầu tiên, các đối tượng gọi đến điện thoại bàn của Công ty, yêu cầu chị phải bảo người mà các đối tượng đã cho vay tiền phải thanh toán khoản nợ.

"Tôi đã giải thích là không liên quan, nhưng các đối tượng tìm được số điện thoại di động của tôi và bắt đầu "khủng bố", hôm gọi lúc 2h sáng, hôm 4h sáng rồi chửi bới tôi bằng những lời lẽ thô tục. Chúng còn nhắn tin là biết con tôi tên gì, học ở đâu và đe dọa tôi "đừng để ảnh hưởng đến con gái". Sau chúng cắt dán ảnh của tôi rồi "truy nã" trên mạng xã hội khiến cả nhà tôi lo lắng", chị M. cho biết.

Hướng dẫn xử lý khi bị "khủng bố" điện thoại

Theo, Công an TP Hải Phòng vừa có hướng dẫn cách thức xử lý, việc người dân bị "khủng bố" đòi nợ xuất phát từ các nguyên nhân: Người thân, bạn bè, đồng nghiệp mình đã tham gia vay tiền qua app và không trả tiền đúng hạn nên các đối tượng đòi nợ sẽ sử dụng dữ liệu danh bạ của họ để nhắn tin, gọi điện thoại nhằm mục đích đòi nợ, cho dù người bị gọi điện không liên quan đến các khoản vay nợ đó

Để vừa đảm bảo nhu cầu vay tiền, vừa bảo vệ người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người dân khi có nhu cầu vay tiền phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay với các hình thức phù hợp.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong đơn vị mình không vay qua app không rõ nguồn gốc, không được nhân danh đơn vị hoặc cung cấp số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp để vay tiền.

Một nguyên nhân khác là do thủ tục vay tiền qua app hết sức đơn giản, người vay chỉ cần cung cấp thông tin CMND/CCCD là có thể vay được tiền, vậy nên một số đối tượng xấu đã lợi dụng việc đánh cắp thông tin hoặc sử dụng thông tin công khai của bạn để thực hiện việc vay tiền qua app nhưng sau đó không trả.

Từ tình hình trên, Công an TP Hải Phòng khuyến cáo người dân một số biện pháp xử lý khi bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin "khủng bố" đòi nợ mặc dù không vay tiền.

Trước hết, cần phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình (nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng).

Sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ. Đối với các trang Facebook cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ.

Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị "khủng bố" điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: Thông tin về giấy tờ tuỳ thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.