Mức xử phạt nhân đôi nếu không đăng ký lần đầu và biến động đất đai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Đáng chú ý, dự thảo đề xuất xử phạt đối với hành vi không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu và đăng ký biến động đất đai.
Theo đó, tại khu vực đô thị, không đăng ký đất đai lần đầu bị phạt 6-10 triệu đồng. Áp dụng đối với cá nhân sử dụng đất sau 5/1/2020 (ngày NĐ 91/2019 có hiệu lực).
Tại khu vực nông thôn sẽ áp dụng: phạt tiền 2-3 triệu đồng nếu cá nhân sử dụng đất trước 5/1/2020 (ngày NĐ 91/2019 có hiệu lực). Phạt tiền 3-5 triệu đồng nếu sử dụng đất từ sau ngày 5/1/2020.
Dự thảo cũng quy định mức xử phạt đối với hành vi không đăng ký biến động đất đai: Phạt tiền 2-3 triệu đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn (quy định tại khoản 3, Điều 133 Luật Đất đai) mà không thực hiện đăng ký biến động.
Phạt tiền 3-5 triệu đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định.
Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng hai lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng theo quy định.
Bên cạnh các mức xử phạt trên, dự thảo Nghị định nêu rõ biện pháp khắc phục hậu quả là buộc các cá nhân làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định...
Cần có lộ trình tuyên truyền, vận động người dân
Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho hay, theo quy định của Luật Đất đai 2013 (khoản 1 và 2, Điều 95 Luật Đất đai 2013), đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.
Đăng ký đất đai bao gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động. Điều này cũng đã được thể hiện trong Điều 131 Luật Đất đai sửa đổi năm 2024.
Theo đó, việc bắt buộc đăng ký đất đai (trong đó bao gồm đăng ký đất đai lần đầu) sớm đã được Nhà nước quy định, hướng dẫn cụ thể.
Nhưng trên thực tế, nhiều cá nhân cho rằng, mình đã ở ổn định lâu dài trên thửa đất của mình, không cần phải thực hiện thủ tục đăng ký đất đai.
Có một số trường hợp người dân khi làm các thủ tục liên quan về đất đai, nhà ở như tách thửa, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho... gặp khó khăn bởi không đủ điều kiện do đất chưa được đăng ký, đất đang đứng tên người khác, lấn chiếm... Thậm chí, bản đồ địa chính xung quanh khu đất đó đều bị biến động dẫn đến vị trí, diện tích đất đều thay đổi, sai lệch với hiện trạng sử dụng đất của người dân. Từ đó làm xuất hiện tranh chấp, mâu thuẫn không đáng có.
Điều này không chỉ ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của người dân sử dụng đất mà còn gây khó khăn trong công tác quản lý về đất đai của Nhà nước.
Luật sư cho rằng, việc Nhà nước yêu cầu bắt buộc đăng ký đất đai lần đầu trong thời gian sắp tới cũng như xử phạt vi phạm cũng là tất yếu. Điều này có thể giúp năng cao ý thức, trách nhiệm của người dân khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất, bảo vệ tốt quyền và lợi ích của họ. Đồng thời, cũng góp phần hoàn thiện, thuận lợi trong công tác quản lý về đất đai của Nhà nước.
Song, luật sư cũng nêu góp ý, về mặt thủ tục hành chính, cơ quan chức năng của Nhà nước nên cải cách cho nhanh gọn, có lộ trình cụ thể, có thời gian tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu về quyền lợi và trách nhiệm, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại từng địa phương, không nên áp dụng cứng nhắc, bất ngờ, dễ phát sinh tiêu cực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận