Chiều 16/6, Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19.
Hiện trên toàn cầu dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Tính đến sáng 15/6, thế giới ghi nhận 7.984.432 trường hợp mắc tại 214 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 435.177 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam ghi nhận 334 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 323 bệnh nhân đã điều trị khỏi, đặc biệt, chưa có trường hợp tử vong. Liên tiếp 60 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới tại cộng đồng. Kết quả này đã được thế giới ghi nhận và đánh giá rất cao.
Góp phần vào cuộc chiến Covid-19, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai đồng độ, quyết liệt, đa dạng với tất cả các hình thức truyền thông như truyền thông trên báo chí, truyền thông qua tin nhắn SMS, truyền thông trên tất cả các loại hình mạng xã hội, sử dụng các ứng dụng trên nền tảng internet, truyền thông tại cơ sở (hệ thống loa truyền thanh thông tin cơ sở), truyền thông trực tiếp tại cộng đồng...
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đóng góp to lớn của truyền thông, báo chí vào kết quả thành công ban đầu của phòng, chống dịch Covid-19. Truyền thông, thông tin, có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của bất cứ sự kiện nào.
Theo Thủ tướng, chúng ta đã chống dịch với tinh thần của thời chiến, "chống dịch như chống giặc", “thần tốc, thần tốc hơn nữa”, chấp nhận sinh quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm sức khỏe nhân dân.
"Toàn dân đã vào cuộc, đồng tâm hiệp lực, quyết tâm chống Covid-19, hạn chế tối đa lây nhiễm trong cộng đồng. Nhờ đó, chúng ta có tỷ lệ lây nhiễm trên số dân là thấp nhất và chi phí phòng, chống dịch cũng thấp nhất. Điều thần kỳ và cũng là may mắn là không có người tử vong, không có gia đình nào phải mang khăn tang trên đầu do dịch Covid-19", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng cũng nêu rõ, ngành tuyên giáo, truyền thông và thông tin, các cơ quan báo chí, giới văn nghệ sỹ đã đóng góp quan trọng vào phòng, chống dịch, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức của nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc để chiến thắng đại dịch. Đó là món quà quý giá để chúng ta có sản phẩm thiết thực, đóng góp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu kép trong tiến trình bình thường mới, Thủ tướng cho rằng, cần phải làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, truyền thông phải góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, công ty tốt, cách làm ăn hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch...
Chủ động thực hiện tốt thông tin đối ngoại, tuyên truyền những nỗ lực thành tựu Việt Nam, xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, năng động và giàu tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.
Thủ tướng cũng đề nghị báo chí tham gia tích cực, góp phần vào thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
Thủ tướng đã trao Bằng khen của Thủ tướng cho 18 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, truyền thông về dịch bệnh Covid-19 và quyết định thưởng 1 tỷ đồng cho tất cả các tờ báo tham gia thực hiện nhiệm vụ này.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ ngày 1/2 đến 31/5/2020, báo chí đã đăng tải tổng số 560.048 tin, bài về dịch Covid-19, trong đó, về sắc thái, tin tích cực chiếm tỷ lệ 41,96%; trung lập chiếm tỷ lệ 35,47%, tin tiêu cực chiếm tỷ lệ 22,56%. Khi Việt Nam bước sang trạng thái “bình thường mới”, tỷ lệ tin bài liên quan đến dịch Covid-19 vẫn được các cơ quan báo, đài tiếp tục duy trì từ 28-40% tỷ lệ tin, bài về phục hồi, phát triển kinh tế nhưng không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Trong 5 tháng đầu năm 2020, trên không gian mạng Việt Nam có gần 17 triệu đề cập (dòng trạng thái, bình luận) liên quan tới tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận