Thông tin đũa sản xuất tại Việt Nam có hóa chất gây hoang mang cho người tiêu dùng. |
Kết quả trên được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố chiều 11/1 nhằm giải tỏa lo ngại của dư luận về tính an toàn của đũa dùng 1 lần được sản xuất tại Việt Nam. Trước đó, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Đài Loan cho biết, sau đợt kiểm tra đột xuất trên toàn quốc, đã phát hiện khoảng 17.000 tấn đũa sử dụng một lần được sản xuất tại Việt Nam bị phát hiện có thể chứa các hóa chất độc hại biphenyl hoặc hydrogen peroxide.
Sau khi nhận được thông tin trên, Cục An toàn thực phẩm đã liên hệ ngay với Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội đề nghị cung cấp thông tin chi tiết của các doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn trên để tiến hành kiểm tra và xử lý nếu có vi phạm.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, chiều 11/1, cơ quan này đã đã nhận được thông tin liên quan đến 4 lô đũa sử dụng một lần của Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan.
Theo đó, giới chức Đài Loan thông tin, trong 4 mẫu đũa nhập từ Việt Nam, có 3 sản phẩm chứa chất tẩy trắng (hydrogen peroxide) gồm: Đũa tre do Công ty hữu hạn Quốc tế Weiting nhập khẩu; Đũa vệ sinh do Công ty hữu hạn Tương Thái nhập; Đũa tre sạch thiên nhiên so Công ty hữu hạn cổ phần thương mại Mã Nhi Tư (Ma Er Si) nhập. Ngoài ra, sản phẩm đũa có bao bì dùng 1 lần do Công ty hữu hạn thực nghiệp đồ tre trúc Quảng Minh (GuangMing) nhập, chứa chất biphenyl (0,22ppm).
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục An toàn thực phẩm đang tiếp tục đề nghị phía Đài Loan cung cấp tên đầy đủ, chính xác và địa chỉ cụ thể của các nhà sản xuất các loại đũa trên ở Việt Nam để có cơ sở tiến hành các biện pháp quản lý cần thiết. “Ngay sau khi có thông tin về nhà sản xuất đũa tại Việt Nam, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất để làm rõ thông tin”, ông Phong nói.
Được biết, ngày 10/1/2016, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia lấy mẫu các sản phẩm đũa dùng 1 lần trên thị trường để kiểm nghiệm các chất tẩy trắng. Kết quả cho thấy, 10 mẫu đũa lấy trên thị trường đều âm tính với chất tẩy trắng.
“Ngoài ra, năm 2013, trong chương trình giám sát các mối nguy ô nhiễm thực phẩm, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cũng đã lấy 20 mẫu đũa tre dùng một lần và 5 mẫu tăm tre trên thị trường để giám sát các chất bảo quản và tẩy trắng thường dùng. Kết quả giám sát cho thấy, các mẫu đũa tre và tăm đều không phát hiện các chất này”, ông Phong cung cấp thêm thông tin.
Theo các chuyên gia hóa học, người dân không nên hoang mang về thông tin do FDA Đài Loan đưa ra. Cụ thể, chất hydrogen peroxide có tên thường gọi là oxi già. Với chất này, có thể doanh nghiệp dùng để tẩy trắng đũa nhưng khi sấy khô thì chưa hết, còn tồn dư trong lõi của đũa. Tuy nhiên, chất này không ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu doanh nghiệp dùng thì có lợi chứ không phải hại. Được biết, hydrogen peroxide 35% ngành thực phẩm có thể được sử dụng để bảo quản sữa nguyên liệu và đóng gói đậu phụ.
Theo Luật Vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản (1985): Hydrogen peroxide phân hủy trong các sản phẩm thực phẩm phải được loại bỏ và hydrogen peroxide đã được sử dụng trong nấu mì, bánh cá và khử trùng thực phẩm khác hoặc thuốc tẩy.
Về chất biphenyl thường dùng trong ngành Công nghiệp giấy, tạo độ mềm dẻo và truyền dẫn nhiệt. biphenyl có mùi thơm dễ chịu, có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm nhẹ. Nếu tiếp xúc liên tục, chất này sẽ tác động đến hệ thần kinh gây mệt mỏi, mất ngủ… Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nguy cơ biphenyl gây ngộ độc cấp là rất thấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận