Chuyện dọc đường

Không thể “vỗ vai” pháp luật!

27/06/2020, 09:52

Việc nhiều ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai bị kiểm tra, kỷ luật cho thấy ở tỉnh này đã có giai đoạn lãnh đạo can thiệp hoạt động tư pháp.

img
Trụ sở Tỉnh uỷ Gia Lai.

Những ngày gần đây dư luận không hay đã nổi lên tại Gia Lai, đó là dư luận về một loạt ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy đang được kiểm tra, đề nghị kỷ luật. Trong số đó có ông Nguyễn Văn Quân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức tỉnh uỷ và ông Đặng Phan Chung, Ủy viên Ban thường vụ, Phó chủ tịch HĐND tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Quân bị phát hiện vi phạm trong công tác khi còn làm ở vị trí Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh Gia Lai.

Ông Quân vi phạm vì đình chỉ vụ án 15 tỷ đồng, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội trong vụ án Lê Thị Tường Vân lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra năm 2013.

Theo hồ sơ vụ án, bà Lê Thị Tường Vân (42 tuổi, trú Tăng Bạt Hổ, phường Yên Đỗ, TP.Pleiku) vay của 3 người ở Gia Lai số tiền 15,25 tỉ đồng nhưng không trả. Vụ án 2 lần đưa ra xét xử sơ thẩm vào năm 2013, tuyên bị cáo Vân 15 và 19 năm tù giam (1 lần hủy án điều tra bổ sung).

Tháng 7/2015, Viện KSND tỉnh Gia Lai tổ chức cuộc họp, tất cả ủy viên Ủy ban Kiểm sát đều khẳng định bà có tội, phải truy tố. Riêng ông Nguyễn Văn Quân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, chủ trì cuộc họp, bác tất cả các ý kiến trên; giao Phó Viện trưởng Trần Công Hùng ký Quyết định số 04/QĐ-VKS-P3 (ngày 12/8/2015) đình chỉ vụ án.

Khi Ban Nội chính Trung ương vào cuộc, các cơ quan tố tụng của tỉnh Gia Lai mới phục hồi vụ án xử lý lại. Tháng 5/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên Lê Thị Tường Vân 13 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về vi phạm của ông Nguyễn Văn Quân sau đó được Ban Nội chính Trung ương chỉ rõ: Khi còn công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, ông đã không chỉ đạo củng cố chứng cứ, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm chứng minh phạm tội theo quy định; Không xem xét toàn diện quan điểm luận tội mà có biểu hiện áp đặt, không tôn trọng tiếp thu quan điểm ý kiến tham gia của các thành viên Ủy ban kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh; Cố ý đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can Lê Thị Tường Vân là không đúng quy định.

Còn đối với ông Đặng Phan Chung, Ủy viên Ban thường vụ, Phó chủ tịch HĐND tỉnh. Trước khi đảm nhận chức vụ Phó chủ tịch HĐND tỉnh, ông Chung là Chánh án TAND tỉnh Gia Lai.

Năm 2018, TAND TP. Pleiku đã nhận được đơn của ông Lê Viết Chín - chủ Doanh nghiệp Tư nhân Phú Lợi (trụ sở số 72, Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku) khởi kiện Ngân hàng TMCP đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Nam Gia Lai yêu cầu bồi thường thiệt hại sau một vụ cháy.

TAND TP Pleiku đưa vụ việc ra xét xử, thẩm phán Ngô Thanh Quảng được giao làm chủ toạ phiên toà sơ thẩm. Kết quả, bản án sơ thẩm số hiệu 12/2018/DS-ST ngày 3/4/2018 của TAND TP Pleiku tuyên buộc Ngân hàng TMCP đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Nam Gia Lai bồi thường cho doanh nghiệp Phú Lợi tổng số tiền trên 115,2 tỉ đồng.

Đáng lưu ý, tháng 8/2018, vụ kiện trên đang giai đoạn xét xử cấp phúc thẩm do TAND tỉnh Gia Lai thụ lý, ông Chung đã “biên” 2 văn bản gửi TAND tỉnh và VKSND tỉnh Gia Lai yêu cầu báo cáo về quan điểm giải quyết bản án và yêu cầu Thẩm phán phiên toà sơ thẩm và Kiểm sát viên giải trình.

Sau khi văn bản của ông Chung gửi đi, tại bản án phúc thẩm (cuối tháng 8/2018), TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP.Pleiku để giải quyết lại. Đến nay, vụ việc chưa được xử lý thoả đáng. Doanh nghiệp Phú Lợi đã nhiều lần gửi đơn tố cáo ông Đặng Phan Chung can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của toà án.

Điều đáng nói hơn, ông Đặng Phan Chung ký văn bản thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, ký thay Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai… nhưng Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai không tổ chức cuộc họp, không có Thông báo kết luận cuộc họp về vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai thời điểm đó cũng không hề biết vụ việc trên.

Cả hai vụ việc trên khiến nhiều người dân bất bình. Là người đứng đầu các cơ quan lãnh đạo, cơ quan tư pháp tại tỉnh nhà thay vì nêu gương sáng, công tâm xử lý đơn thư của người dân chứng minh sự nghiêm minh của pháp luật, nhưng chính ông Quân, ông Chung lại dùng vị trí chức vụ của mình để thay đổi kết quả các phiên tòa.

Việc “vỗ vai” pháp luật thay đổi bản chất vụ án cần được xem xét kiểm tra kỹ và xử lý thích đáng, không chỉ với hai ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy mà còn với những cá nhân có trách nhiệm liên quan đến vụ việc.

Là công chức, đảng viên, lý do gì những cán bộ dưới quyền của hai ông Quân, ông Chung không thể cất lên tiếng nói phản biện hoặc báo cáo lên cấp trên khi lãnh đạo của mình vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, can thiệp vào hoạt động tư pháp. Họ sợ hãi điều gì hay có tư lợi gì trong việc này?

Việc làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo vi phạm và các cá nhân liên quan cũng là để trả lại môi trường trong sạch trong lĩnh vực tư pháp tại tỉnh Gia Lai, làm trong sạch nội bộ, loại bỏ những đảng viên, công chức thoái hóa biến chất ra khỏi bộ máy Nhà nước. Điều này càng quan trọng khi Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai sắp tổ chức.

Công khai xử lý cán bộ vi phạm để bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật chính là nguyện vọng chính đáng của người dân, không chỉ ở Gia Lai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.