Không tiêu cực, xe dù sao lọt?

16/06/2016, 18:16

Dù chưa “bắt tận tay, day tận trán”, nhưng nếu không có bảo kê thì chắc chắn xe dù không bao giờ còn sống.

xe-du-ben-coc-1157

Không tiêu cực, xe dù sao lọt?

Thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, song tình trạng phương tiện kinh doanh vận tải hành khách cố định trái phép (xe dù), đón, trả khách không đúng nơi quy định (bến cóc) vẫn diễn biến phức tạp.

Thêm vào đó, nhiều chủ phương tiện bỏ tuyến, không đưa xe vào bến đón khách theo quy định mà khai thác không theo luồng tuyến, đón trả khách trái quy định ở nhiều địa phương, đặc biệt là tại các đô thị lớn, gây mất TTATGT, ùn tắc giao thông, bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của những doanh nghiệp vận tải hoạt động chân chính, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Trong khi xe “dù” có thể chạy bất cứ đâu, đón trả khách bất cứ nơi nào không cần phải vào bến, không bị cơ quan quản lý tuyến quản lý, không mất tiền chi phí bến bãi, thì các xe chạy đúng luồng tuyến buộc phải vào bến đón, trả khách, buộc phải nộp thuế, đóng phí... Bởi thế, xe chạy đúng luồng tuyến không những bất lợi về việc đón khách mà còn phải mất nhiều chi phí so với xe không luồng tuyến chạy trên cùng một tuyến đường, đó là sự bất công bằng và thiệt hại lớn đối với các doanh nghiệp, đơn vị vận tải làm ăn chân chính.

Theo tính toán, mỗi chuyến xe “dù” hoạt động, doanh nghiệp sẽ trốn được 10% VAT từ tiền vé, phí bến bãi, thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến cả triệu đồng/chuyến, tương đương hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Các xe hợp đồng, xe du lịch vận chuyển khách theo lịch trình cố định mỗi ngày như xe tuyến cố định. Tài xế và phụ xe thu tiền vé trực tiếp từ hành khách trên xe hoặc hành khách được phát vé hay xác nhận đặt chỗ khi mua vé tại văn phòng. Nhưng khi bị các lực lượng chức năng kiểm tra thì xuất trình hợp đồng, danh sách khách để che dấu hành vi vi phạm. Do lợi nhuận bất hợp pháp thu được từ hoạt động xe dù, bến cóc quá cao, đồng thời chưa bị các cơ quan chức năng tích cực xử lý nên các nhà xe ngày càng vi phạm nghiêm trọng.

Trong các nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, có nguyên nhân do công tác sắp xếp luồng tuyến chưa khoa học, nhưng quan trọng nhất là việc buông lỏng quản lý, kiểm tra giám sát của các lực lượng chức năng. Nếu các lực lượng được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đúng chức trách của mình, rất khó để xe dù, bến cóc lộng hành. Bởi thế mà dư luận nghi ngờ có sự bảo kê, tiêu cực không phải không có cơ sở. Giả sử không có bảo kê, tiêu cực, thử hỏi liệu xe “dù” có còn đất sống?

Bởi vậy, chừng nào công tác quản lý, kiểm tra, giám sát vẫn còn buôn lỏng, việc xử lý vi phạm vẫn còn bị xem nhẹ, chừng đó xe dù còn lộng hành.

Bên cạnh đó, cần phải nâng cao công tác tuyên truyền để làm sao hành khách bỏ tiền ra đi xe được phục vụ với đúng nghĩa, tránh tình trạng mất tiền song lại bị “hành” khi đi phải xe dù. Mặt khác, cơ quan quản lý cần rà soát lại các tuyến vận tải và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Đồng thời, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đưa xe vào tuyến cố định, tránh tình trạng nhũng nhiễu phiền hà, thậm chí phát sinh tiêu cực.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.