Vốn là kỹ sư công nghệ thông tin, thế nhưng anh Nguyễn Văn Hảo (39 tuổi, xã An Hòa, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) lại thành công với việc nuôi trai nước ngọt lấy ngọc và sau đó nhân rộng thành khu sinh thái miệt vườn rộng hàng nghìn m2.
Thành quả sau chuỗi ngày vất vả
Dẫn chúng tôi tham quan khu nuôi trai nước ngọt lấy ngọc có diện tích 1.700m2, với hàng nghìn con trai được chăm sóc cẩn thận và đang trong giai đoạn cho ngọc, anh Hảo cho biết, để có được thành quả như hiện nay là chuỗi ngày dài vất vả.
Nguyễn Văn Hảo trong khu nuôi trai nước ngọt lấy ngọc có diện tích 1.700m2.
Anh Hảo kể, là dân công nghệ thông tin, nhưng nhờ cơ duyên, anh được người quen giới thiệu mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, anh bắt đầu nuôi thử nghiệm với số lượng ban đầu từ 5.000 - 7.000 con.
Do chưa có kinh nghiệm, anh đã có lúc tưởng chừng thất bại. Đặc tính sinh trưởng của con trai là sống trong môi trường nước mặn, nay nuôi bằng nước ngọt nên việc chăm sóc phải đặc biệt tỉ mỉ, đúng kỹ thuật.
Chẳng hạn, trước khi thả giống, nguồn nước trong ao nuôi phải được kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo tiêu chuẩn.
Trong suốt quá trình nuôi, nguồn nước này phải được bảo vệ, tránh bị xâm nhập vi khuẩn, hóa chất… từ các nguồn xả thải.
Trai giống cũng phải được tuyển lựa kỹ lưỡng, quy trình cấy nhân chỉ được thực hiện khi trai đủ điều kiện với kích thước, sinh trưởng.
"Nói ngắn gọn thế nhưng trên thực tế phải thường xuyên kiểm tra, vệ sinh môi trường sống cho trai, hạn chế tối đa dịch bệnh và đảm bảo sự phát triển của cả trai mẹ lẫn ngọc", anh Hảo đúc kết.
Mất tiền, không mất niềm tin
Anh Hảo vẫn không giấu được xót xa khi nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, nhận mẻ trai giống đầu tiên, tuy đã được thuần nước ngọt nhưng sau khi thả vào ao nuôi đã bị chết sạch.
Mất một số tiền lớn, song anh không mất niềm tin. Thậm chí, đó còn là động lực để anh Hảo tìm tòi, học hỏi và đúc kết kinh nghiệm.
Du khách (trái) thích thú với trải nghiệm tách trai lấy ngọc cùng chàng kỹ sư IT Nguyễn Văn Hảo
"Số lượng trai giống mua về lần sau được lựa chọn kỹ hơn. Đồng thời, trước khi thả vào ao nuôi, tôi đã thực hiện qua nhiều công đoạn khác nhau để trai thích nghi được với môi trường nước ngọt, đặc biệt là ở Đồng Tháp.
Đến nay, với số lượng trai được nuôi trong ao và đang cho ngọc là đã thành công bước đầu", anh hào hứng kể.
Cũng theo anh Hảo, sau khi đã quen với đặc tính của loài thủy sản này, việc nuôi và chăm sóc không còn khó khăn nữa.
"Mỗi con trai nuôi khoảng 3 năm thì có thể lấy ngọc. Lượng ngọc trong mỗi con trai từ 2 - 4 viên.
Giá ngọc trai dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/viên, tùy theo kích cỡ và chất lượng ngọc đươc trai tạo ra", anh Hảo cho biết.
Khu sinh thái "chữa lành"
Từ khu nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, năm 2023, anh Hảo mở rộng thành vườn sinh thái Hoàng Hảo với diện tích 12.000m2.
Tại đây, ngoài khu nuôi trai, anh xây dựng khu vườn với nhiều loại cây ăn trái đặc trưng miền Tây như chuối, xoài, dừa và thả thêm cá chép koi, cá tai tượng.
Vườn sinh thái của anh Hảo cho doanh thu 20 triệu đồng/ngày.
Ông chủ trẻ cũng cho dựng thêm các tiểu cảnh với mục đích tạo nên không gian xanh để du khách ghé nghỉ ngơi, vui chơi dịp cuối tuần.
Không gian điểm du lịch được anh thiết kế theo hướng mở tạo cho du khách có cảm giác gần gũi với thiên nhiên.
Đồng thời, du khách có thể ngắm cảnh cánh đồng lúa bát ngát, mênh mông nằm cạnh vườn sinh thái.
Anh Hảo chia sẻ thêm, điểm nhấn của vườn sinh thái là khi đến đây, khách tham quan có thể tự tay lựa những con trai và tách ra để lấy ngọc.
Đây là trải nghiệm thú vị bởi rất ít người được thực hiện việc này một cách trực tiếp như vậy. 10 tỷ đồng là số vốn anh bỏ ra, đầu tư nuôi ngọc trai và gây dựng khu vườn này.
"Mỗi con trai được du khách lựa chọn trải nghiệm có giá 800.000 đồng.
Trai sau khi được tách ra, số lượng ngọc trai du khách giữ lấy, còn thịt trai sẽ được chế biến thành món ăn tùy vào yêu cầu của khách.
Với những hoạt động thú vị như vậy, mỗi ngày, tôi có được doanh thu 20 triệu đồng", anh Hảo khoe.
Mỗi viên ngọc trai có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Đến tham quan vườn sinh thái Hoàng Hảo, chị Nguyễn Thị Lan (34 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết: "Tôi biết đến khu vườn sinh thái này qua chia sẻ của bạn bè trên mạng xã hội.
Đến đây, tôi tận mắt thấy cách bài trí đẹp mắt, không gian gần gũi với thiên nhiên. Không chỉ "đẹp như ảnh", mà nơi đây còn mang đến cho tôi một suối nguồn trong trẻo như xu hướng mọi người vẫn hay nói vui với nhau là đi "chữa lành".
Hào hứng với trải nghiệm tích cực từ khách hàng, anh Hảo hé mở: "Đợi sau khi lượng ngọc trai đủ lớn và mở rộng được thị trường, tôi sẽ kết hợp với một số cơ sở chế tác vàng bạc đá quý tạo nên những sản phẩm kim hoàn về ngọc trai".
Ông Hà Duy Huy, Phó chủ tịch UBND xã An Hòa, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) thông tin, nuôi trai nước ngọt lấy ngọc là mô hình mới và có hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là về nguồn con giống hạn chế nên địa phương chưa thể nhân rộng được cách làm này.
Ngọc trai gồm hai loại: Trai nước ngọt và trai nước biển. Ngọc trai nước ngọt được loài trai sống ở hồ, sông và những nơi nước ngọt khác tạo ra.
Phần lớn ngọc trai nuôi nước ngọt ngày nay được Trung Quốc sản xuất. Còn ngọc trai nước mặn được những con điệp, hàu ở các vịnh biển tạo ra.
Ở Việt Nam, ngọc trai được nuôi cấy ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Phú Quốc, Nha Trang…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận