Bà Hiền đứng bên trong ngôi nhà bị tốc mái |
Bát cơm đến miệng... còn mất
Từ chiều 15/9, PV Báo Giao thông có mặt tại các địa phương vùng tâm bão đi qua của hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng đổ nát, tan hoang. Hàng trăm nghìn ngôi nhà bị tốc mái, nhiều nhà bị đổ sập hoàn toàn; hàng nghìn cột điện, cây xanh, công trình, vật kiến trúc bị gió thổi gãy. Điện lưới, sóng điện thoại bị mất. Mọi thông tin liên lạc trong vùng tâm bão đều bị cắt đứt tạm thời.
Tại xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - nơi chịu thiệt hại nặng nhất do bão số 10 gây ra. Chỉ riêng thôn Thọ Sơn, đoạn dọc tuyến đường vào Khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gần chục ngôi nhà bị sập hoàn toàn; hàng chục cột điện trung và hạ thế bị gió đánh gãy, chắn ngổn ngang các tuyến đường; số hộ dân bị tốc mái nhiều không đếm xuể. Đứng bên trong ngôi nhà cấp 4 bị bão thổi tung mái, bà Nguyễn Thị Hiền (61 tuổi) vừa khóc vừa kể: “Lúc bão vào gió giật ghê gớm, ngói trên nóc nhà lột từng mảng, tôi phải cùng hai cháu nhỏ chạy sang trường tiểu học trú. Khi trở về thì tan hoang như thế này đây”. Trong nhà giờ chẳng còn gì, bà Hiền cùng các cháu phải tiếp tục tá túc bên trường tiểu học, bữa ăn hàng ngày đều phải nhờ bà con lối xóm giúp đỡ.
Ngoài nhà cửa, bão số 10 cũng gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất của bà con. Hộ gia đình anh Trần Đình Tân, ở thôn 10, xã Thạch Bằng (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) có 4 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng, diện tích gần 1ha. Trước hôm bão số 10 đổ bộ vào 4 ngày, gia đình anh cân thử thì được 92 con/kg. Dự tính khoảng hai ngày nữa là bán. Thế nhưng, thương lái chưa vào kịp thì bão tới, bờ đê bao quanh hồ bị vỡ, nước cuốn đi tất cả. Bà Xuân (mẹ anh Tân) nhìn vào đầm tôm mắt đỏ hoe nói: “Bát cơm đến miệng còn bị mất”, rồi bà nghẹn lại: “Tính sơ bộ thiệt hại cũng cả tỉ đồng, toàn là tiền từ thế chấp tài sản mà có. Giờ trắng tay rồi”.
Cùng cảnh ngộ, bão số 10 đổ bộ cũng là lúc hàng nghìn quả bưởi đặc sản của nông dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vào vụ thu hoạch. Bão đi qua, bưởi rụng đầy vườn, nước ngập lênh láng, người dân tiếc của rong thuyền đi vớt mang về mà chẳng biết để làm gì. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT Hương Khê: Toàn huyện có khoảng 400ha bưởi bị mất trắng, ước tính thiệt hại khoảng 170 tỷ đồng.
Khẩn trương tái thiết
Ngay khi bão qua, công tác tái thiết để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất cũng được nhân dân, chính quyền các tỉnh miền Trung khẩn trương thực hiện. Đâu đâu cũng thấy hình ảnh những chiến sỹ bộ đội, công an, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên hối hả cùng dân thu dọn nhà cửa, dọn dẹp cây cối, đường sá.
Tại vùng nuôi trồng thủy, hải sản của xã Thạch Bằng (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), hàng trăm ngư dân đã có mặt trên các ao, đầm để ke lại bờ; sửa chữa, thay thế hệ thống bạt phủ, máy móc… để sớm sản xuất trở lại. Cùng con trai xúc đất lấp điểm vỡ ở đầm tôm, ông Trần Văn Thực (thôn Xuân Hòa, xã Thạch Bằng) cho biết: 1,3ha tôm thẻ chân trắng và 1,7ha cá rô phi mới thả được hơn 40 ngày bị bão “cho đi” cả rồi; hệ thống bờ kè, bờ ao bị vỡ, bạt lót, máy móc cũng hư hỏng nghiêm trọng. Tổng thiệt hại ước tính lên đến 1,5 tỷ đồng. “5 cái bìa đỏ của nhà và con cháu cầm cố, thế chấp đổ vào ao đầm bị bão cuốn trôi xuống biển cả. Giờ bỏ cũng không được, phải khắc phục ngay để nuôi trồng cứu lại trong vụ sau”, ông Thực nói.
Thống kê sơ bộ từ Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai cho biết, tính tới ngày 17/9, cơn bão số 10 đã khiến 13 người chết và mất tích, 112 người bị thương, 1.185 nhà bị sập, gần 153 nghìn nhà tốc mái; 1 cột truyền hình bị đổ tại TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ; 1.559 cột điện hạ thế bị đổ gãy,... Thiệt hại về nông nghiệp, thủy sản: Hơn 12.700ha lúa và hoa màu bị ngập; hơn 16.000ha cây trồng lâu năm bị gãy đổ, giảm năng suất; 16.108ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 7 tàu cá (công suất >20CV) bị chìm, 183 thuyền nhỏ bị chìm, cuốn trôi... Về giao thông: 10.000m đường quốc lộ, 17.944m đường giao thông địa phương, 5 cầu và 16 cống bị sạt lở, hư hỏng.Tính tới ngày 17/9, những khu vực bão số 10 đổ bộ trực tiếp như: TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh); xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) và TX Ba Đồn... của tỉnh Quảng Bình, vẫn mất điện diện rộng. |
Các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị sản xuất ngành nghề liên quan đến vật liệu xây dựng, ngói, tấm lợp… cũng khẩn trương thu dọn hậu quả của bão số 10, sớm tái sản xuất trở lại. “Bão số 10 gây thiệt hại cho nhà máy sản xuất tấm lợp Fibro-Xi măng khoảng 3 tỷ đồng, nhưng đó không phải là điều đáng lo ngại nhất. Phải làm sao sớm cho nhà máy hoạt động trở lại phục vụ nhu cầu của người dân sau bão. Bởi, số hàng trong nhà máy chỉ còn khoảng 200.000 tấm, đủ cấp cho người dân trong hai ngày. Mình không có hàng, dân phải tiếp tục chịu cảnh màn trời chiếu đất", ông Trần Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất VL&XD Cosevco (Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình) lo lắng.
Riêng ngành GTVT suốt từ khi bão chuẩn bị đổ bộ, cho đến khi bão đi qua, 100% các đơn vị trực thuộc cùng với lực lượng chức năng địa phương đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống và đối phó với bão. Trực tiếp có mặt ở vùng tâm bão, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: “Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước, trong và sau bão số 10, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị triển khai các biện pháp phòng chống và ứng phó với bão. Bộ đã cử nhiều đoàn công tác vào nơi dự báo bão sẽ đi qua để kiểm tra. Khi bão đổ bộ với cường độ mạnh, Bộ chủ động chỉ đạo cấm đường tạm thời một số tuyến để đảm bảo an toàn. Rồi ngay khi bão qua, các đơn vị trực thuộc cùng lực lượng chức năng địa phương đã không quản mưa bão xuống đường cắt cây, san gạt đất đá, cử người cảnh giới tại các điểm ngập nước và tổ chức đảm bảo giao thông. Nhờ đó giảm thiểu được tối đa những thiệt hại do bão gây ra. Các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không, hàng hải đến tối 15/9 đều đã được thông suốt, phục vụ đắc lực công tác cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả sau bão của các lực lượng chức năng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận