Điện ảnh

Kịch Việt hợp tác quốc tế, lợi trước mắt lo đường dài

03/08/2016, 08:20

Đây không phải dự án đầu tiên Nhà hát Tuổi trẻ kết hợp với các nhà hát của nước ngoài để thực hiện.

IMG_8613

Cảnh trong vở rối “Vịt trời trúng độc” - vở diễn hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát rối dây Edo - Yukiza (Nhật Bản)

Việc hợp tác với các nhà hát quốc tế để xây dựng các vở diễn đỉnh cao là mong muốn và cơ hội phát triển của nhiều nhà hát, nhưng hướng đi này vẫn còn gian nan, thách thức

Hưởng lợi hàng triệu đô la từ hợp tác quốc tế

Thông tin Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp với Nhà hát Shiki (Nhật Bản) dàn dựng vở diễn nhạc kịch có tính chính quy và mang tầm vóc, đẳng cấp quốc tế mang tên Majorin, cô bé phép thuật khiến nhiều người chờ đợi, nhất là trong thời buổi sân khấu đang khó khăn về nhiều mặt như hiện nay. Được biết, dự án này được Quỹ Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam hỗ trợ. Đích thân đạo diễn của Nhật dàn dựng vở diễn và đào tạo các diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ cho vở nhạc kịch này trong vòng hai năm.

Đây không phải dự án đầu tiên Nhà hát Tuổi trẻ kết hợp với các nhà hát của nước ngoài để thực hiện. Trước đó, nhiều vở diễn như Ông lão đánh cá và con cá vàng liên kết với Nhà hát Thế hệ trẻ Dresden của Đức, Vòng phấn Kavkaz liên kết với Viện Goethe thực hiện, đạo diễn Dominik Gunther dàn dựng và gần đây nhất là vở rối Vịt trời trúng độc hợp tác với Nhà hát Múa rối Edo - Yukiza, do đạo diễn Sakate Yori người Nhật Bản dàn dựng…

Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, từ khi hợp tác với các nhà hát nước ngoài, Nhà hát Tuổi trẻ đã hưởng lợi hàng triệu USD từ những dự án hợp tác này. Không tiết lộ con số cụ thể nhưng ông cho hay, cái lợi lớn nhất là có cơ hội nâng cao trình độ diễn xuất của diễn viên, cơ hội giao lưu văn hóa, đưa diễn viên sang nước ngoài diễn. Không chỉ vậy, một lợi thế khác là các diễn viên, nghệ sĩ có cơ hội tiếp cận với sân khấu thế giới, được mở rộng thêm sự hiểu biết về các trào lưu sân khấu thông qua việc dàn dựng của các đạo diễn nước ngoài, với những hệ thống đào tạo và công nghệ hiện đại nhất.

Lo kịch ngoại lai thiếu màu sắc Việt

Trong khi âm nhạc, phim ảnh của Việt Nam đã bắt tay sản xuất, hậu kỳ hay hòa âm phối khí với các nghệ sĩ quốc tế thì sân khấu kịch cũng bắt đầu quốc tế hóa từng khâu. Việc bắt tay với các tổ chức, nhà hát nghệ thuật nước ngoài mang tới cho sân khấu Việt màu sắc mới và cơ hội phát triển, nhưng thiếu sự Việt hóa, vở kịch trở nên xa lạ ít thân thiện gần gũi với công chúng Việt.

Điển hình là, vở rối dây Vịt trời trúng độc hợp tác với Nhật Bản chỉ có duy nhất NSND Lê Khanh và nghệ sĩ Thanh Bình là người Việt, các nghệ sĩ người Việt thoại bằng tiếng Việt, người Nhật thoại bằng tiếng Nhật nên vở còn nhiều hạn chế về ngôn ngữ thể hiện. Ông Nhuận đưa ra ý kiến, nội dung vở diễn có hấp dẫn hay không tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi cá nhân. Việc tiếp nhận và mở rộng văn hóa sẽ khác với khía cạnh thuần Việt, nên ông Nhuận hy vọng có một lớp công chúng mới dành cho thể loại nghệ thuật hiện đại pha trộn nhiều nền văn hóa.  

Tuy nhiên, không thể phủ nhận mặt hạn chế về hệ thống đào tạo nghệ thuật chuyên sâu, chuyên nghiệp của diễn viên Việt Nam thường kém hơn các bạn quốc tế, nên khi diễn chung sân khấu, sự pha trộn ấy vô hình làm rõ hơn. Sự khập khiễng làm giảm giá trị nghệ thuật chuyển tải của vở diễn.

Đồng ý kiến với ông Trương Nhuận, ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam nhấn mạnh, khán giả đã quá chán những vở kịch thuần Việt thì những vở kịch có xu hướng “ngoại lai” sẽ mang tới những màu sắc mới, hơi thở mới cho sân khấu Việt Nam. Bản thân Nhà hát của ông Vinh cũng đang chuẩn bị dự án hợp tác với Nhà hát kịch Tokyo để dàn dựng một vở diễn vì chưa xin được kinh phí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.