Xã hội

Kiên Giang: Người dân tự ý lấy nước, hàng trăm ha lúa bị nhiễm mặn

27/02/2020, 18:23

Người dân tự ý vận hành cống khiến nước kênh nội đồng bị nhiễm mặn ảnh hưởng hàng trăm ha lúa Đông Xuân.

img
Huyện Hòn Đất có khoảng 500ha diện tích lúa bị nhiễm mặn.

Ngày 27/2, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang cho biết, qua kiểm tra, đã xác định được nguyên nhân nguồn nước trên các kênh nội đồng bị nhiễm mặn, gây ảnh hưởng hàng trăm ha lúa Đông Xuân.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNN, qua khảo sát, thống kê ban đầu, toàn tỉnh hiện có hơn 750 ha lúa Đông Xuân 2019 - 2020 bị thiệt hại do xâm nhiễm mặn, tập trung chủ yếu xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất và xã Bình Trị, xã Kiên Bình huyện Kiên Lương. Trong đó, diện tích lúa trên địa bàn bị ảnh hưởng do nguồn nước bị nhiễm mặn ở Kiên Lương là 247,9ha, tập trung trên địa bàn xã Bình Trị và xã Kiên Bình gây giảm năng suất lúa từ 30-70%. Còn tại huyện Hòn Đất là khoảng 500ha tập trung trên địa bàn xã Bình Sơn.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, qua kiểm tra, nguyên nhân chính dẫn đến việc nguồn nước trên các kênh nội đồng bị nhiễm mặn là do các cống ngầm nội đồng dưới đường kênh do địa phương quản lý chưa đảm bảo công tác vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Cửa cống không đảm bảo nên một số người dân tự ý mở cửa cống để lấy nước mặn qua cống vào các kênh nội đồng để phục vụ nuôi trồng thủy sản, gây nhiễm mặn diện tích lúa trong khu vực...

Ngoài ra, tại khu vực này diện tích nuôi trồng thủy sản đan xen trong khu vực trồng lúa còn nhiều. Việc người dân bơm xả trực tiếp nước mặn trong quá trình cải tạo ao nuôi tôm ra các kênh nước ngọt chưa được kiểm soát chặt chẽ.

"Đối với huyện Hòn Đất, hiện tại có khoảng 40ha nuôi trồng thủy sản đen xen với đất nông nghiệp, một số người dân bơm nước ngọt từ biển vào nuôi tôm. Rồi sau khi cải tạo ao lại xã nước ra kênh nước ngọt dùng để phục vụ cây lúa. Khi vận hành điều tiết cống, nước này lan ra nhiễm mặn.

Còn tại Kiên Lương đã có hệ thống khép kín và được giao cho địa phương quản lý. Qua kiểm tra thực tế, việc quản lý này được giao lại cho ấp. Ấp quản lý có sơ hở để người dân tự tháo khóa cống, mở cống cho nước vào kênh nước ngọt”, ông Tâm nói.

Trước tình hình nói trên, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đã chỉ đạo các địa phương quản lý chặt chẽ nguốn nước từ các ao nuôi trồng thủy sản. Thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xả nước mặn trực tiếp từ các ao nuôi trồng thủy sản vào các kênh nước ngọt trong khu vực. Đồng thời thay mới các cửa van cống ngầm, lắp đặt hệ thống khóa chốt cửa van an toàn không để bất cứ ai vận hành cống.

Trong khi đó, tại An Giang, theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPBĐKH-PCTT & TKCN tỉnh An Giang, số liệu quan trắc độ mặn tại 8 trạm đo ở 2 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn tại khu vực giáp ranh tỉnh Kiên Giang, độ mặn ở mức 0,11 đến 0,13‰, nên chưa ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Còn mực nước cao nhất trên sông, kênh ở mức xấp xỉ và cao hơn năm 2016 từ 5 đến 15cm. Mực nước thấp nhất trên các sông, kênh ở mức thấp hơn năm 2016 từ 5 đến 35 cm. Ngành chức năng nhận định, vào thời điểm mực nước xuống thấp, sẽ khó khăn cho công tác bơm tưới cho sản xuất và sinh hoạt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.