Hạ tầng

Kiến nghị xử lý dứt điểm tồn tại của BOT giao thông

25/08/2020, 16:12

VARSI đề nghị VCCI kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, chỉ đạo xử lý dứt điểm tồn tại của các dự án BOT giao thông.

img
Dự án PPP hầm đường bộ Đèo Cả đang gặp nhiều vướng mắc khi các cơ chế, chính sách của Nhà nước cam kết nhưng chưa được thực thi

Có sự bất bình đẳng trong hợp tác công tư

Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) vừa có văn bản gửi Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đề nghị tổ chức này ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm xem xét, chỉ đạo để tập trung xử lý dứt điểm tồn tại của các dự án BOT giao thông.

Trong văn bản gửi VCCI, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình đường bộ Việt Nam chỉ rõ những bất cập trong thực tiễn triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Nổi cộm nhất là sự bất bình đẳng giữa cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư.

Ông Trần Chủng - Chủ tịch VARSI cho biết, quy định pháp luật trong đầu tư PPP đặt quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư bình đẳng, hài hoà lợi ích các bên, tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều chính sách bất cập.

Trong khi cơ quan Nhà nước yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện nhiều cam kết (về chất lượng, tiến độ,...), thực hiện các bảo lãnh (tạm ứng, thực hiện hợp đồng,...), nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết sẽ bị xử lý vi phạm nhưng ở chiều ngược lại, cơ quan Nhà nước trong các trường hợp không thực hiện đúng cam kết, làm ảnh hưởng đến dự án, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ngân hàng thì không bị xử lý vì không có chế tài.

“Điển hình là cam kết của Nhà nước về bố trí vốn ngân sách tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế, hầm đường bộ qua Đèo Cả,... Mặc dù nhà đầu tư, ngân hàng cho vay tín dụng đã có nhiều văn bản kiến nghị các bộ, ngành, Chính phủ, nhưng đến nay sau nhiều năm vẫn chưa được giải quyết”, ông Chủng dẫn chứng.

Cơ chế, chính sách thay đổi

Bất cập tiếp theo tại các dự án BOT giao thông được VARSI đề cập đến là việc Nhà nước thay đổi cơ chế, chính sách gây rủi ro cao trong quá trình đầu tư, ảnh hưởng xấu đến việc thúc đẩy đầu tư dài hạn.

“Điển hình như tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương hiện đang dừng thu phí do điều chỉnh chính sách về quản lý tải sản công. Việc không thu phí làm mất kiểm soát lưu lượng, tải trọng phương tiện, tăng nguy cơ tai nạn giao thông, biến đường cao tốc thành quốc lộ, gây thất thu ngân sách Nhà nước và rủi ro cho phương án tài chính của dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận do tâm lý sử dụng miễn phí của người dân”, ông Chủng cho hay.

Cũng theo ông Chủng, Luật PPP vừa được Quốc hội thông qua (hiệu lực thi hành từ năm 2021) có quy định khi doanh thu các dự án có sự thay đổi (tăng hoặc giảm), được cơ quan Nhà nước xác định và nguyên nhân không xuất phát từ phía nhà đầu tư như: Thay đổi Quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan,... thì Nhà nước và nhà đầu tư cùng chia sẻ rủi ro này.

“Tuy nhiên Luật PPP chỉ quy định cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các dự án mới (quy định ở bước duyệt chủ trương đầu tư) mà chưa có quy định cụ thể đối với các dự án đã và đang triển khai nhằm chia sẻ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án”, ông Chủng nói.

Ông Chủng cũng cho biết, để tạo sự yên tâm, thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng tham gia đầu tư vào các dự án mới thì Nhà nước cần sớm giải quyết các cam kết, tồn tại cũ của các dự án đã triển khai, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp lý bình đẳng, thông thoáng và phù hợp với thực tiễn.

Trên cơ sở đó, VARSI đề nghị VCCI sớm kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ xem xét, chỉ đạo để tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại của các dự án PPP, trong đó tập trung thực hiện đúng các cam kết của cơ quan Nhà nước, đảm bảo các quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.

“Các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng Nghị định, thông tư hướng dẫn Luật PPP, trong đó sớm làm rõ quy định về việc chia sẻ rủi ro cho dự án đã và đang thực hiện; Nhà nước cần tham gia đầu tư công một số hạng mục có suất đầu tư lớn như cầu vượt, nút giao,... để đảm bảo hiệu quả đầu tư”, văn bản của VARSI nêu rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.