Chuyện dọc đường

Kìm hãm lưu thông là cản trở phát triển

12/01/2017, 08:46

Đứng trên góc độ người dân và doanh nghiệp vận tải, tôi rất đồng tình với việc điều chỉnh tăng tốc độ tối đa...

7

Đường Cách Mạng Tháng 8 (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) hạn chế tốc độ xe tải, xe ben dưới 40km/h khiến các điểm giao cắt bị ùn ứ - Ảnh: Xuân Huy

Thực tế, sau gần 1 năm điều chỉnh tăng thêm khoảng 10km/h, hiệu quả mang lại là không phải bàn cãi. Nhiều năm qua, Nhà nước đã bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư, nâng cấp đường sá, cầu cống. Chất lượng phương tiện ngày một tốt lên và được kiểm soát chặt chẽ hơn. Công tác đào tạo, sát hạch lái xe cũng được siết chặt,... không có lý do gì để kìm hãm vận tốc xe lưu thông, không khai thác hết tiềm năng, lợi thế của hạ tầng mang lại.

Đặc biệt với giới vận tải, người lái, những người hàng ngày gắn bó với con đường, cây cầu càng cảm nhận rõ hiệu quả khi tăng tốc độ tối đa lưu thông. Không chỉ giúp xe cơ giới lưu thông nhanh hơn, giảm ùn tắc và giảm chi phí xăng dầu cho doanh nghiệp vận tải, quan trọng nó đã “dỡ bỏ” được quy định kìm hãm sự phát triển của vận tải bấy lâu nay, qua đó giúp thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội.

TNGT phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nguyên nhân đã được các cơ quan hữu quan phân tích. Trong đó, nguyên nhân không nhỏ do chính ý thức, thái độ chấp hành Luật GTĐB của người tham gia giao thông. Do đó, nếu đổ TNGT do tăng tốc độ là khiên cưỡng và không thực sự khách quan. Hơn nữa, về việc tăng tốc độ, Bộ GTVT, các cơ quan chức năng và địa phương đã nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng, chỉ tăng tốc độ tối đa cho phương tiện trên những làn đường đủ tiêu chuẩn như: Đường có dải phân cách, tối đa 2 làn xe, đường đảm bảo an toàn nên càng không thể đổ lỗi TNGT do tăng tốc độ.

Trên thế giới, trước và sau khi điều chỉnh tốc độ trên đường, họ thường tăng cường thiết bị công nghệ quản lý thiết bị giám sát hành trình nhằm theo dõi, phân tích dữ liệu giao thông, camera phạt nguội và các phần mềm quản lý giao thông mới. Khi tăng cường thiết bị công nghệ giám sát, nếu xảy ra TNGT, sẽ phân tích được nguyên nhân vì sao, có phải do tốc độ hay do nguyên nhân nào khác, tránh đổ thừa lẫn nhau. Tôi cho rằng, sau khi điều chỉnh tăng tốc độ, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng cũng triển khai theo hướng trên với nhiều giải pháp quản lý, giám sát chặt chẽ hơn nhằm nâng cao trách nhiệm của ngành Giao thông để bảo đảm phát huy hiệu quả chính sách. Sắp tới, Bộ GTVT cần có những đánh giá, phân tích cụ thể sau gần 1 năm chính thức điều chỉnh tăng tốc độ này để có giải pháp quản lý và điều hành hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Văn Thanh 
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.