Ngày 22/5, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Huỳnh Quốc Việt chủ trì cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Việt đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cùng Sở Công thương và các ngành có liên quan nắm bắt giá tôm để tổ chức sản xuất hiệu quả. Các doanh nghiệp cần phối hợp với ngành chuyên môn, chính quyền địa phương cùng đơn vị thu mua cân đối hợp lý giá tôm.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu ngành Nông nghiệp tỉnh và UBND cấp huyện cần rà soát kỹ vùng nuôi, có sự liên kết giữa người nuôi với đơn vị thu mua, chế biến
“Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Cà Mau và các ngân hàng thương mại trong tỉnh cần hỗ trợ cho doanh nghiệp và người sản xuất tiếp cận nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng giao Sở Công thương tăng cường xúc tiến với các tỉnh, thành phố lớn nhằm liên kết tiêu thụ tôm trong tỉnh. Ngoài ra, trong sản xuất cần tính toán kỹ chi phí đầu vào.
“Ngành Nông nghiệp và UBND cấp huyện cần rà soát kỹ vùng nuôi, có sự liên kết giữa người nuôi với đơn vị thu mua, chế biến; giảm khâu trung gian trong thu mua tôm và kiểm soát đảm bảo chất lượng tôm. Đồng thời, cần có giải pháp tăng sản lượng nuôi tôm quảng canh cải tiến trong thời gian tới…”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lưu ý thêm.
Cũng tại cuộc họp, đại diện các Sở, ngành tỉnh đã thông tin về tình hình phát triển sản xuất phục vụ nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh; tình hình chế biến, xuất khẩu thủy sản của tỉnh 5 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, trong thời gian gần đây, giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh liên tục giảm, qua đánh giá nguyên nhân là do sản lượng tôm cung ứng ra thị trường rất lớn, chi phí sản xuất thấp; tác động của dịch Covid - 19, tình hình lạm phát ở mức cao, sức tiêu thụ hàng hóa giảm.
Giá tôm nguyên liệu hiện nay đang biến động theo chiều hướng giảm
Bên cạnh đó, các công ty chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh nói riêng, Việt Nam nói chung chịu ảnh hưởng và tác động rất lớn của thị trường thế giới, nhất là việc cạnh tranh, ký kết hợp đồng xuất khẩu tôm vào các thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… nên phải giảm giá thu mua nguyên liệu để cạnh tranh giá và có được hợp đồng xuất khẩu…
Trong 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng chế biến tôm của tỉnh ước đạt hơn 87.000 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 440 triệu USD, giảm 29,39% so với cùng kỳ.
Tại cuộc họp, đại diện các Sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đã trao đổi, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm.
Đồng thời, các đơn vị cập nhật tình hình giá cả, thị trường xuất khẩu tôm nuôi, thông tin kịp thời đến chính quyền, người nuôi tôm để chủ động có giải pháp thích ứng trong chỉ đạo và tổ chức sản xuất; tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu cho tôm nuôi. Đồng thời, thúc đẩy thị trường tiêu thụ trong nước, hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, nuôi tôm tiếp cận, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả…
Theo kết quả rà soát, cập nhật, giá tôm ngày 21/5 đang biến động theo chiều hướng giảm. So với cùng kỳ năm 2022 giá tôm giảm sâu nhất là loại tôm sú 40 con/kg (giảm 45.000 đồng), tôm sú loại 30 con/kg giảm 35.000 đồng; tôm thẻ chân trắng loại 20 con/kg giảm 32.000 đồng, tương tự giảm từ 15.000 đồng - 31.000 đồng/kg đối với các size 25 - 100 con/kg.
Dự báo trong tuần tới giá tôm tiếp tục giảm, nguyên nhân chính là các nhà máy chế biến xuất khẩu không xuất được hàng, hàng tồn kho nhiều.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận