Vận tải

Kinh doanh hạ tầng đường sắt thế nào hiệu quả?

22/08/2014, 07:15

Đến năm 2015, nhiều công ty vận tải đường sắt sẽ được cổ phần hóa. Vấn đề đặt ra là kết cấu hạ tầng đường sắt sẽ hoạt động như thế nào để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh?...

Cải tạo đường ke ga Hà Nội
Cải tạo đường ke ga Hà Nội


VNR sẽ chỉ kinh doanh hạ tầng?


Mục tiêu của tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) là tách bạch quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước với kinh doanh của doanh nghiệp; Tách bạch kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư. Trong khi đó, theo lộ trình tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp VNR, đến năm 2015, toàn bộ các công ty, xí nghiệp khối vận tải và bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt sẽ cổ phần hóa xong, để bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2016. 


Để hiện thực hóa chủ trương này, VNR đang tích cực xây dựng Đề án Tổ chức quản lý, khai thác và kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Trung tuần tháng 8 vừa qua, VNR đã trình Bộ GTVT và tới đây, Đề án sẽ tiếp tục được lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ xem xét quyết định phê duyệt.
 

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng thuộc Bộ GTVT, Đề án Tổ chức quản lý, khai thác và kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do VNR trình còn nhiều nội dung trùng với Đề án Tái cơ cấu của VNR. Hơn nữa, Đề án chưa phân định rõ giữa quản lý Nhà nước của cơ quan Nhà nước với quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư. Đề án cũng chưa đề cập sâu về xã hội hóa kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt để huy động nguồn vốn ngoài ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt...

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, đây là đề án lớn, nhiều nội dung, trong đó có sắp xếp các đầu mối, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt. Thứ trưởng Đông yêu cầu VNR tiếp tục nghiên cứu tiếp thu những ý kiến để hoàn tất đề án, tập trung tổ chức quản lý khai thác kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt đặt trong bối cảnh chung tái cơ cấu và đổi mới đường sắt, tiến tới phát triển tương đương các lĩnh vực khác. Đề án phải đánh giá hiện trạng, mô hình, rút ra kinh nghiệm từ một số quốc gia. Kinh doanh kết cấu hạ tầng theo phương thức nào và lộ trình thực hiện, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh. 

Đề án này cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều chuyên gia và các cơ quan chức năng. Ông Vũ Quang Khôi, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho rằng, sau khi các doanh nghiệp trực thuộc VNR được cổ phần hóa, VNR nên được đổi tên là Tổng công ty Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt VN. Như vậy sẽ tạo được sự chủ động, độc lập về hạ tầng và kinh doanh vận tải theo định hướng của Chính phủ và Bộ GTVT.


Cùng quan điểm này, ông Bùi Khắc Điệp, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) cũng cho rằng, cần làm rõ mối quan hệ giữa tổng công ty kinh doanh kết cấu hạ tầng với các công ty cổ phần bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt và các doanh nghiệp khác tham gia hoạt động đường sắt.

Tăng thu hút đầu tư xã hội


Hiện nay, kết cấu hạ tầng đường sắt đang do VNR quản lý, nên rất khó kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP, BOT, BT. Vì theo quy định, các hợp đồng theo ba hình thức này phải được ký giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư. Như vậy để tạo sức cạnh tranh bình đẳng và thu hút được nguồn lực đầu tư xã hội, kết cấu hạ tầng đường sắt cũng phải được tổ chức kinh doanh cho phù hợp.


Ông Khôi cho rằng, chủ sở hữu kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư là Bộ GTVT. Doanh nghiệp chỉ kinh doanh hạ tầng theo quy định, không được nhượng quyền khai thác, bán khoán, cho thuê hạ tầng khi được sự chấp thuận của chủ sở hữu. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt bằng vốn ngân sách do Nhà nước thực hiện. Theo quan điểm của đại diện Vụ Tài chính (Bộ GTVT), Cục Đường sắt VN thay mặt Bộ GTVT quản lý kinh phí sự nghiệp kinh tế, đứng ra tổ chức đấu thầu, đặt hàng với tổng công ty và các đơn vị khác để thực hiện quản lý bảo trì đường sắt quốc gia.

Thiện Anh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.