Kinh doanh hàng không cần điều kiện gì?

16/06/2016, 05:47

Bộ GTVT trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không...

6
Doanh nghiệp kinh doanh khai thác Hàng không phải có mức vốn tối thiểu để thành lậpvà duy trì hoạt động - Ảnh: Tạ Tôn

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, tạo sự linh hoạt trong quản lý, đảm bảo tối đa yêu cầu về an toàn, an ninh hàng không.

Hãng hàng không khai thác quốc tế phải có vốn tối thiểu 700 tỷ đồng

Một trong những quy định đáng chú ý tại dự thảo nghị định liên quan đến kinh doanh vận tải hàng không là mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không.

Cụ thể, doanh nghiệp khai thác đến 10 tàu bay phải có vốn tối thiểu 700 tỷ đồng đối với doanh nghiệp có khai thác quốc tế; 300 tỷ đồng đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển nội địa. Con số tương ứng với doanh nghiệp khai thác từ 11-30 tàu bay và 1.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 600 tỷ đồng đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa. Khai thác trên 30 tàu bay, vốn tối thiểu của doanh nghiệp phải là 1.300 tỷ đồng nếu có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế và 700 tỷ đồng nếu chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.

Bộ GTVT cũng thống nhất đề xuất Chính phủ lựa chọn phương án 1. Việc thay đổi này sẽ không ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh do các công tác về thủ tục bay, điều hành bay tại khu bay đã được Bộ GTVT chuyển giao từ ACV sang Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (100% vốn Nhà nước) đảm nhiệm đối với tất cả các sân bay toàn quốc.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung, mức vốn tối thiểu phải là 100 tỷ đồng. Dự thảo nghị định cũng quy định rõ doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài thì bên nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ. Cá nhân Việt Nam hoặc pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài không quá 49% phải giữ phần vốn điều lệ lớn nhất. Việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ được thực hiện sau 2 năm kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không.

Cần phải nói rằng, quy định về vốn như trên về cơ bản không khác so với Nghị định số 30/2013 quy định cụ thể điều kiện đầu tư kinh doanh vận chuyển hàng không, kinh doanh hàng không chung.

Theo Cục Hàng không VN, điểm khác biệt lớn nhất về điều kiện kinh doanh vận tải hàng không tại dự thảo nghị định lần này là làm rõ hơn việc chấp thuận của Bộ trưởng Bộ GTVT đối với kế hoạch phát triển đội tàu bay theo định kỳ 5 năm kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không. Việc này để đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển vận tải hàng không, đáp ứng của kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay.

Phương án vốn cho điều kiện kinh doanh cảng hàng không

Liên quan đến điều kiện kinh doanh cảng hàng không, dự thảo do Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa ký trình Chính phủ đề xuất 2 phương án điều kiện về vốn. Theo đó, phương án 1, mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp cảng hàng không nội địa là 100 tỷ đồng; Đầu tư kinh doanh cảng hàng không quốc tế là 200 tỷ đồng. Tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ. Tỷ lệ vốn của các hãng hàng không chiếm không quá 30% vốn điều lệ.

Phương án 2, bổ sung thêm điều kiện tỷ lệ vốn Nhà nước không được thấp hơn 65% vốn điều lệ.

Trao đổi với Báo Giao thông, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết, nếu đưa quy định tỷ lệ vốn Nhà nước vào sẽ khó khăn cho việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng cảng hàng không, đặc biệt đối với những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép nhà đầu tư tư nhân đầu tư xây dựng toàn bộ như Quảng Ninh, Lào Cai.

“Sau khi các cảng hàng không này được xây dựng xong, nếu áp dụng quy định tại Điều 37, Nghị định 102/2015, mô hình quản lý khai thác sẽ phải thực hiện như sau: Công ty tư nhân quản lý khai thác các công trình thương mại (dịch vụ nhà ga); Nhà nước phải lập ra doanh nghiệp cảng hàng không (tối thiểu 65% vốn Nhà nước) để khai thác phần khu bay. Việc đầu tư vốn Nhà nước như vậy không những không sinh lời, mà sẽ gặp khó khăn khi phải sửa chữa lớn hoặc đầu tư nâng cấp, mở rộng về sau”, ông Cường phân tích.

Cũng theo ông Cường, việc quy định về tỷ lệ vốn của doanh nghiệp cảng hàng không trong Nghị định số 102/2015 trước đó là phù hợp với kế hoạch cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.