Ngay trong lần đầu tiên dự SEA Games (kỳ 30 vừa diễn ra tại Philippines), Trần Hưng Nguyên (SN 2003) đã xuất sắc giành 2 tấm HCV môn bơi, trong đó phá 1 kỷ lục nội dung 50m tự do. Nhưng đó chưa phải là điều gây ngạc nhiên nhất của chàng trai 16 tuổi quê ở TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Kình ngư trẻ đã trải lòng với Báo Giao thông khi vừa trở về từ Philippines.
Từ không biết bơi tới kỷ lục gia Đông Nam Á
Ở tuổi 16, Nguyên đã xuất sắc giành 2 tấm HCV SEA Games ngay trong lần đầu tham dự, cảm xúc của bạn hiện giờ ra sao?
Cho đến giờ này, khi đã về nước em vẫn chưa hết cảm giác sung sướng, xen lẫn tự hào vì đã đóng góp một chút sức lực của mình cho thành công chung của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games lần này. Em coi 2 tấm HCV này như món quà gửi tới bố mẹ, các thày, những người đã luôn ủng hộ mình suốt thời gian qua.
Theo Nguyên, điều gì làm nên thành công của bạn ở giải đấu lớn đầu tiên tham dự?
Em cố gắng tập luyện, tích lũy khả năng chuyên môn hàng ngày. Ngoài giáo án của các thày, em thường bơi thêm khi có thời gian. Ở những giải đấu em từng tham gia, em luôn quan sát rất kỹ các đối thủ để tìm ra cách thi đấu tối ưu có thể áp dụng cho bản thân.
Tại SEA Games, khi nhận HCV ở nội dung 400m hỗn hợp, Nguyên đã mời đồng đội Nguyễn Hữu Kim Sơn (HCĐ) lên bục hát quốc ca cùng, bạn có thể chia sẻ về khoảnh khắc này?
Em nghĩ đơn giản thôi, chúng em cùng đại diện cho Việt Nam tranh tài với bạn bè quốc tế, dù ai thắng thì vinh quang đều thuộc về thể thao Việt Nam nên em đã mời anh Sơn lên cùng hát quốc ca. Ở đội tuyển, em với anh Sơn cũng thường trò truyện vì chung nội dung và cách nhau chỉ 1 tuổi. Nói vậy, nhưng trong khi thi đấu em và cả anh Sơn đều cố gắng đạt thành tích cao nhất chứ không có chuyện nhường nhịn.
Bạn có thể chia sẻ một chút về cơ duyên đến với bơi lội?
Kể thì không ai tin, nhưng ngày nhỏ em hoàn toàn không biết bơi và cũng chưa bao giờ xuống bể bơi. Năm 11 tuổi, có một người bà con xa từ TP HCM về thăm quê, thấy hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn nên ngỏ ý muốn đưa em vào TP HCM học bơi để trở thành VĐV bơi.
Khi đó, em cũng không ý thức được nếu mình đi thì sẽ ra sao nhưng em lại rất hào hứng, phần vì biết nếu em không ở nhà thì bố mẹ sẽ bớt một phần gánh nặng. Đương nhiên, ban đầu bố mẹ không đồng ý nhưng thấy em quyết tâm quá nên cũng chiều theo. Vậy là năm 11 tuổi em đã xa gia đình, một mình vào TP HCM, vùng đất mới chỉ xem trên ti vi.
Thủa ban đầu học bơi, bạn gặp những khó khăn gì?
Em vào TP HCM, nhờ có người giới thiệu nên thày Tuấn đã nhận vào tập. Vì chưa biết bơi, nên ban đầu thày cho nằm trên thành bể học động tác. Rồi xuống nước có phao, dần dần bỏ phao. Em còn nhớ khi mới bỏ phao em chưa bơi được ngay, mấy lần chìm nghỉm, uống bao nhiêu nước. Nhưng rồi mọi thứ khá dần lên, em bơi tốt và được các thày đánh giá rất cao, giới thiệu vào tập luyện cùng đội tuyển ở Trung tâm TDTT Quốc gia ở Cần Thơ.
Đó là về chuyên môn, một khó khăn nữa là em phải vượt qua nỗi nhớ nhà. Lúc đi thì hào hứng lắm nhưng được vài ngày là em nhớ nhà nên cứ khóc đòi về. Ở nhà vẫn ngủ với mẹ, vào đây phải ngủ 1 mình, những đêm đầu em gần như không ngủ được. Lúc đó chỉ muốn chạy ngay về. Các thày động viên bảo cố gắng sau này thành tài có thể giúp đỡ gia đình. Lâu dần em cũng quen với việc tự lập, xa bố mẹ.
Tuổi 16 có đam mê và khát khao
16 tuổi, nhiều chàng trai còn chưa thể tự chăm lo cho bản thân. Vậy, tuổi 16 của bạn như thế nào?
Thực ra cuộc sống của em đơn giản lắm, chỉ gói gọn ở bể bơi và khu nhà tập thể. Ở Trung tâm thì ăn ở tập trung cùng các bạn. Mỗi ngày em tập hai buổi, ba bữa ăn. Quần áo tự giặt nhưng thường em để cuối tuần giặt một thể vì cũng ít đồ phải thay và trong tuần phải tập luyện nhiều. Những thời điểm tập tăng cường, bơi xong lên bờ chỉ muốn xỉu vì quá mệt. Dẫu vậy, chỉ cần nghỉ ngơi một đêm, hôm sau em lại thấy tràn đầy năng lượng. Em cũng ít khi dùng Facebook hay Zalo bởi buổi tối là thời gian rất cần nghỉ ngơi, hồi phục.
Trong khi các bạn cùng trang lứa được thỏa sức vui chơi, học hành còn mình quanh năm suốt tháng chỉ lo tập luyện, Nguyên có cảm thấy mình thiệt thòi?
Em không nghĩ như vậy, môi trường thể thao rèn luyện tính tự lập, kỷ luật rất tốt. Ngoài ra, em được đi thi đấu ở nhiều nơi, gặp gỡ, giao lưu với nhiều người nên cảm thấy suy nghĩ của mình cũng chín chắn hơn các bạn cùng tuổi. Điều quan trọng là em có đam mê, có khát khao chinh phục ước mơ. Sau SEA Games, em phải nhanh chóng quên đi những gì đã đạt được để nỗ lực cho những mục tiêu xa hơn ở đấu trường châu Á, thậm chí thế giới. Như vậy thì đâu còn thời gian để suy nghĩ xem mình thiệt thòi hay không thiệt thòi.
Cuộc sống gia đình bạn ở Quảng Bình hiện tại ra sao? Bạn đã giúp đỡ được gì cho bố mẹ?
Bố em hàng ngày vẫn chạy xe ôm còn mẹ ở nhà nội trợ, nói chung cuộc sống khá vất vả. Em có một chị gái và một anh trai đang đi làm. Tính ra em mới theo nghiệp bơi được 5 năm thì 2 năm đầu gần như không có thu nhập, chỉ gọi là một chút hỗ trợ. Sau này, em được lên tuyển mới có tiền công tập luyện hàng ngày. Em dùng một ít vào việc mua thêm thực phẩm để tăng cường dinh dưỡng và mua những nhu yếu phẩm cần thiết, còn lại để dành gửi về đỡ đần bố mẹ. Nhưng bố mẹ cũng không tiêu đến tiền đó, bảo giữ hộ khi nào cần thì đưa lại cho em. Đợt này có tiền thưởng từ hai tấm HCV SEA Games 30 em sẽ mua tặng bố mẹ một cái ti vi thật to để ăn Tết.
Quanh năm tập luyện, bạn chắc không có nhiều thời gian về thăm nhà. Vậy, xa nhà thì bạn nhớ nhất điều gì?
Bơi là môn rất đặc thù, cần giữ cảm giác dưới nước nên gần như ngày nào em cũng tập, kể cả ngày nghỉ. Ngoài ra, còn các kế hoạch thi đấu trong năm nên chỉ về thăm bố mẹ vào dịp Tết Nguyên đán. Khi đó, em sẽ có 1 tuần nghỉ trọn vẹn. Xa nhà thì em nhớ nhất các món ăn mẹ làm, bởi đồ ăn ở TP HCM hay Cần Thơ đều rất khác so với Quảng Bình.
Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện!
Nhà sưu tập huy chương
Tại SEA Games 30, Hưng Nguyên giành 2 HCV nhưng chàng trai gốc Quảng Bình không lạ lẫm với cảm giác chiến thắng. Không tính các giải trong nước, ở đấu trường quốc tế, Nguyên cũng có cho mình bộ sưu tập huy chương đáng nể. Năm 2018, Nguyên dự giải trẻ Đông Nam Á, bơi 20 nội dung thì đoạt tới 18 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ. Năm 2019, kình ngư này dự thi 10 nội dung thì có 6 nội dung về nhất, 4 nội dung về thứ ba. Với tài năng và ý chí sẵn có, tin rằng trong tương lai nhà vô địch SEA Games còn có những bước tiến lớn hơn trong sự nghiệp. Sự xuất sắc của Hưng Nguyên giúp tuyển bơi Việt Nam hai năm liền đứng đầu giải trẻ Đông Nam Á.
Chung thày với Nguyễn Huy Hoàng
Trong thời gian tập luyện ở Trung tâm TDTT Quốc gia Cần Thơ, Hưng Nguyên được chỉ dạy bởi chuyên gia Hoàng Quốc Huy (Trung Quốc), người cũng đang dìu dắt kình ngư Nguyễn Huy Hoàng (2 HCV SEA Games, phá kỷ lục nội dung 1.500m). Ông Huy đánh giá cậu học trò trẻ rất tiềm năng, có thể trở thành một tài năng lớn nếu có kế hoạch phát triển đúng đắn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận