Thị trường

Kinh tế có thể tăng 6,5% bất chấp chiến tranh Nga - Ukraine

03/03/2022, 06:30

Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay bất chấp cuộc chiến Nga - Ukraine.

Chỉ tác động 1-1,2%

Giao tranh Nga - Ukraine căng thẳng đang khiến nhiều người lo ngại tác động của nó tới phục hồi kinh tế Việt Nam.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho biết thuận lợi đối với phục hồi kinh tế Việt Nam hiện nay là kinh tế thế giới phục hồi tích cực, kể cả phương án có khủng hoảng Nga - Ukraine.

img

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia

“Kể cả có rủi ro chiến tranh Nga - Ukraine và giá dầu tăng mạnh tác động tới kinh tế thế giới thì với phương án xấu nhất đó tác động tới kinh tế Việt Nam chỉ khoảng 1-1,2 điểm % và năm nay vẫn có thể đạt được 3-3,5%. Và khả quan hơn có thể đạt tăng trưởng 6-6,5% nhờ cơ hội xuất khẩu được dự báo tăng 15-17% và thu hút đầu tư tăng lên”, ông Cấn Văn Lực nói.

TS Cấn Văn Lực:

Nông nghiệp năm 2022 được dự báo tăng ít nhất như mọi năm là 2,5-3%; Công nghiệp sẽ phục hồi tốt hơn nhất là chế biến chế tạo và xây dựng tăng 8-10%, gần như bằng thời điểm trước dịch.

Khối dịch vụ năm nay cũng được dự báo phục hồi tốt hơn nhiều so với năm ngoái với mức tăng 5-7%.

Trụ cột thứ hai ông Lực chỉ ra là đầu tư công năm nay sẽ được đẩy nhanh và mạnh nhờ quyết tâm và chỉ đạo sát sao. Bên cạnh đó là có thêm nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình phục hồi kinh tế.

“Đầu tư tư nhân tăng, FDI cũng tăng trưởng tích cực, giải ngân FDI hai tháng đầu năm 7,2% và cả năm có thể tiếp tục duy trì tốc độ này và thu hút FDI có khả năng tăng 10%”, chuyên gia Cấn Văn Lực phân tích.

Trụ cột thứ ba theo chuyên gia này là tiêu dùng. “Năm nay tăng trưởng tiêu dùng sẽ mạnh hơn năm ngoái bởi cơ bản chiến lược phòng chống dịch đã thay đổi và độ bao phủ vaccine tốt hơn nhiều so với năm 2021”, ông Lực nói.

Chuyên gia này phân tích, các hoạt động kinh tế cơ bản đã được mở lại, dự báo tốc trưởng tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hoá dịch vụ dự báo cả năm sẽ tăng 6-8%, gần bằng trước đại dịch là 10-12%.

Xuất khẩu, du lịch vẫn lạc quan

Trước vấn đề xuất khẩu và du lịch của Việt Nam có chịu tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine hay không khi xuất khẩu vừa phục hồi sau dịch và du lịch dự kiến mở cửa từ 15/3, TS Cấn Văn Lực cho biết tác động là không đáng kể.

“Xuất nhập khẩu chịu tác động không đáng kể vì kim ngạch xuất nhập khẩu của ta với Nga chỉ tầm 7 tỷ USD, chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu thôi. Không chỉ xuất khẩu mà kể cả thu hút FDI cũng vậy do nguồn vốn FDI từ Nga và Ukraine vào Việt Nam không lớn”, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia đánh giá.

Còn với du lịch, ông Lực nhận định là không chịu tác động lớn nhưng tốc độ phục hồi sẽ chậm hơn.

“Khách Nga đến nước ta trước dịch là 650 nghìn lượt khách trên tổng số 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế chiếm đâu đó tầm 3,6% nên không tác động quá mạnh”, ông Lực nói.

Ông Lực cũng đánh giá, du lịch năm nay phấn đấu phục hồi 40-50% và chủ yếu dựa vào khách trong nước. Còn khách quốc tế phấn đấu phục hồi 20-25% với mục tiêu thu hút khoảng 4 triệu lượng người.

Phải đẩy mạnh hơn giải ngân vốn đầu tư công

Giải ngân vốn đầu tư công sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho phục hồi kinh tế Việt Nam sau dịch Covod-19.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2022 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 46.300 tỷ đồng, bằng 8,8% kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Với số liệu này, ông Cấn Văn Lực cho rằng giải tiến độ ngân vốn đầu tư công vẫn chậm và cần thúc đẩy nhanh hơn nữa từ nay tới cuối năm.

Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, tháng 2/2022 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; Đồng thời hoạt động đầu tư trong các tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn trong năm.

Các công trình mới được bố trí vốn năm 2022 đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư. Do đó, khối lượng thực hiện chủ yếu là tại các công trình chuyển tiếp.

“Muốn giải ngân tốt hơn và theo đúng chương trình phục hồi kinh tế thì phải đẩy nhanh hơn nữa mới đảm bảo được tiến độ. Cơ bản hiện nay đối với các dự án phải thúc đẩy khâu chuẩn bị và khâu phê duyệt kết hoạch”, ông Lực nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.