Thượng tọa Thích Huệ Vinh trân quý từng cổ vật trong bảo tàng
|
Từ cổ vật được liệt vào hàng quốc bảo đến các bức tượng chứa đựng những câu chuyện kỳ bí, Bảo tàng Phật giáo Đà Nẵng đang lưu giữ những báu vật “độc nhất vô nhị” tô đậm văn hóa Phật giáo của người Việt và vùng Á Đông.
Quốc bảo dưới đáy giếng Hoàng Thành
Bên trong Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đà Nẵng (thuộc chùa Quán Thế Âm, quận Ngũ Hành Sơn), Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm nâng niu bức tượng Quan Âm tống tử như báu vật. “Không thể có cổ vật thứ 2 tương tự” - Thượng tọa Thích Huệ Vinh mở đầu câu chuyện về bức tượng được liệt vào hàng quốc bảo, có giá trị lớn nhất trong bảo tàng này.
Vị sư trụ trì cho biết, câu chuyện về bức tượng Quan Âm tống tử được truyền qua 3 đời trụ trì chùa Quán Thế Âm. Đến năm 1995, khi thầy Thích Huệ Vinh tiếp quản ngôi chùa, sư thầy được các thầy đi trước truyền lại và càng trân quý hơn cổ vật này. “Sau năm 1975, người dân vét giếng trong Hoàng Thành Huế phát hiện bức tượng nằm sâu dưới lớp bùn đất. Bức tượng sau đó được 1 phụ nữ mang hiến tặng cho nhà chùa” - sư thầy nói và cho biết, khi chiến tranh xảy ra, trên đường chạy loạn, rất có thể bức tượng đã được người của hoàng cung đặt xuống giếng sâu để tránh sự tàn phá của bom đạn.
Thượng tọa Thích Huệ Vinh cho biết, theo kinh Phổ Môn của đạo Phật, tượng Quan Âm tống tử được người đời thờ tự với mong muốn cầu con. “Trong bộ kinh có câu cầu con trai là “Thiện sanh phước đức trí huệ chi nam” với ước mong có được đứa con trai phước đức, trí tuệ và sức lực. Còn “Thiết dục cầu nữ thiện sanh đoan chánh, hữu tướng chi nữ”, tức là cầu sinh được con gái với đầy đủ nữ tướng thùy mị, đoan trang, chánh trực. Ở chốn cung đình, các phi tần của đức vua đương nhiên muốn cầu hoàng tử để được nối dõi ngai vàng”, Thượng tọa Thích Huệ Vinh cho hay.
Minh chứng cho sự xuất phát từ hoàng cung của bức tượng, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, tượng Quan Âm tống tử thường được làm bằng các chất liệu gỗ, đồng... thể hiện sự bao dung, gần gũi của Đức Phật với người dân. Tuy nhiên, bức tượng này được tạc từ khối bạch ngọc nặng khoảng 5kg, có niên đại vào thế kỷ XIX. Chất liệu bạch ngọc cực kỳ quý hiếm, các nhà chuyên môn nhận định chỉ có thể tồn tại trong hoàng cung.
Du khách tham quan Bảo tàng Phật giáo Đà Nẵng |
“Từ trước đến nay người ta nghĩ bạch ngọc là từ Trung Quốc du nhập vào Việt Nam. Nhưng với bức tượng này, có thể khẳng định Việt Nam cũng có bạch ngọc. Đặc biệt, đem so sánh với những cổ vật bằng ngọc của triều Nguyễn thì loại đá ngọc tạo nên bức tượng này rất tinh mỹ. Có thể nói là có một không hai tại Việt Nam”, ông Thiện nhận định. Được biết, hiện Bảo tàng Đà Nẵng đang cùng các sư thầy chùa Quán Thế Âm lập hồ sơ nhờ thẩm định, đề nghị công nhận là bảo vật Quốc gia.
Mang tượng Phật đi chế ngự sóng thần Nhật Bản
Trong suốt buổi chiều ngẩn ngơ nghe kể chuyện cổ vật, PV Báo Giao thông ấn tượng với câu chuyện của Thượng tọa Thích Huệ Vinh kể về bức tượng Quan Âm cưỡi Độc giác long được một nghị sĩ Nhật Bản lấy nguyên mẫu chế tác cho người dân xứ sở mặt trời mọc thờ cúng với mong muốn chế ngự sự hung dữ của sóng thần.
Thượng tọa Thích Huệ Vinh kể, khoảng giữa năm 2011, một cụ bà sống tại huyện Thăng Bình (Quảng Nam) khi làm ruộng bất ngờ phát hiện bức tượng Quan Âm cưỡi Độc giác long nằm dưới lớp đất sâu. Biết tin các sư thầy chùa Quán Thế Âm sưu tầm cổ vật Phật giáo, cụ bà lặn lội ra Đà Nẵng hiến tặng. Lúc này, vài tháng sau thảm họa kép động đất, sóng thần ở Nhật Bản (tháng 3/2011), chùa Quán Thế Âm tổ chức buổi lễ tưởng niệm, gây quỹ ủng hộ người dân nước Nhật. Ngay trong buổi lễ, ý tưởng tạc một bức tượng gửi tặng ngôi chùa ven biển Nhật Bản để cầu sóng yên bể lặng hình thành.
Tượng Quan Âm cưỡi Độc giác long được người Nhật nhân bản với mong muốn chế ngự sóng thần
|
Cơ duyên kỳ lạ, trong chuyến thăm hợp tác xây dựng Trung tâm giao lưu văn hóa Việt - Nhật (quận Ngũ Hành Sơn), hạ nghị sĩ Tomioka Tsutomu của Nhật Bản biết được ý định của nhà chùa và quyết định ghé thăm. “Gặp ngài nghị sĩ, tôi trình bày tâm niệm được chế tác tượng Quan Âm cưỡi Độc giác long bằng gỗ tặng nước Nhật. Tuy nhiên, ông ấy xin thông qua Sở Ngoại vụ Đà Nẵng mượn luôn bức tượng gốc mang về Nhật tạo hình hàng loạt phiên bản đặt trong các chùa ven biển để người dân thờ cúng”, sư trụ trì cho hay.
Cũng theo sư thầy 21 năm trụ trì chùa Quán Thế Âm này, trong bộ kinh Pháp hoa có nhắc đến hình tượng đức Bồ tát chế ngự Độc giác long (rồng 1 sừng) với ý nghĩa nơi biển lớn có con cá hóa rồng gây nên sóng dữ thì niệm chú Quan Âm sẽ được phù hộ cho lặng sóng. Tất cả các bức tượng về Quan Âm cưỡi rồng tại Việt Nam đều chưa có hình ảnh đức Phật cầm viên Định hải châu, theo truyền thuyết có thể chế ngự biển cả.
Do vậy, bức tượng hội đủ 2 yếu tố cưỡi Độc giác long và cầm viên Định hải châu được các nhà chuyên môn đánh giá rất hiếm có, chưa từng xuất hiện tại bất cứ đâu. Cơ duyên kỳ lạ về Phật giáo Việt - Nhật sau thảm họa kép thôi thúc ngài nghị sĩ trở lại Đà Nẵng 1 lần nữa và tặng nhà chùa 3 cây long não, loại cây duy nhất sống sót sau thảm họa bom nguyên tử năm 1945 tại Nhật Bản. Bức tượng Quan Âm cưỡi Độc giác long như chiếc cầu nối thắt chặt mối quan hệ của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng với nước bạn Nhật Bản.
Mở mang tầm mắt về Phật giáo
Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, các cổ vật trưng bày tại Bảo tàng Phật giáo Đà Nẵng ngoài giá trị về nghệ thuật còn khẳng định tinh hoa của di sản văn hóa Phật giáo. Còn Thượng tọa Thích Huệ Vinh cho rằng, trong hơn 400 cổ vật tại Bảo tàng Phật giáo Đà Nẵng thì mỗi hiện vật đều chứa đựng câu chuyện về lịch sử, ý nghĩ Phật pháp sâu xa.
Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đà Nẵng được xây dựng với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng, chính thức khánh thành vào ngày 24/12/2015. Bảo tàng nằm trong quần thể chùa Quán Thế Âm rộng hơn 7.000m2. Trong đó, không gian trưng bày có diện tích 500m2, thuộc danh thắng quốc gia Ngũ Hành Sơn. Đây là bảo tàng về văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 9189 (tháng 12/2014) của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Bảo tàng hiện mở cửa miễn phí cho khách tham quan. |
Trong số này có nhiều bộ tranh vẽ tượng cổ rất kỳ lạ với nhiều chất liệu, kích cỡ có niên đại đến tận thế kỷ XIV mà các nhà khoa học phải dùng kỹ thuật phức tạp mới giám định được. Ngoài ra, trên nhiều cổ vật có những họa tiết, hoa văn cầu kỳ chưa từng thấy ở những pho tượng trước đây. Những nhà nghiên cứu cổ vật khi đến Bảo tàng Phật giáo Đà Nẵng cũng ngỡ ngàng với các dữ liệu khắc trên cổ vật vì mang tính triết học huyền bí gắn với những truyền thuyết xa xưa.
Từ ngày mở cửa miễn phí cho du khách thập phương đến tham quan, cuốn sổ ghi cảm tưởng của bảo tàng cũng dày đặc câu chữ của các du khách bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với bộ sưu tập đồ sộ về cổ vật Phật giáo tại Đà Nẵng. Có người còn khẳng định được mở mang tầm mắt về Phật giáo phương Đông khi trực tiếp nghe thuyết minh về cổ vật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận