Chậm can thiệp, trẻ thiệt thòi
Bác sĩ khám cho trẻ sứt môi, hở hàm ếch
Bé Nguyễn Minh An là trường hợp có quá trình điều trị hở hàm ếch trọn vẹn theo từng giai đoạn.
Sau ca phẫu thuật hở hàm ếch, khi An được 3 tuổi rưỡi, mẹ em kiên trì đều đặn hàng tuần đưa con đến bệnh viện để được hướng dẫn luyện âm, đồng thời kiên nhẫn tập cùng con ở nhà.
Hành trình đó kéo dài hơn 2 năm tới khi cậu bé bước chân vào lớp 1, với hành trang đủ để hòa nhập cùng bạn bè đồng trang lứa. Giờ học lớp 7, An nói tiếng Anh rất giỏi.
Không giống Minh An, bé Trần Văn Vũ, đến khi học lớp 1 mới được cha mẹ cho tới bệnh viện tư vấn để luyện âm sau khi gia đình liên tiếp nhận lời phàn nàn từ cô giáo vì con nói ngọng, không thể đáp ứng yêu cầu của môn đọc tiếng Việt.
Mẹ Vũ cho biết, trước đây con có phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch. Sau đó, vì gia đình khó khăn, thấy con nói ngọng nhiều nhưng rồi cũng bỏ bẵng vì nghĩ lớn con sẽ tự cải thiện.
BS. Nguyễn Thị Thanh Châm, Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, BV Việt Nam - Cu Ba cho biết, với trẻ bị dị tật hở hàm ếch thường có quá trình điều trị bao gồm phẫu thuật môi, vòm miệng, luyện phát âm, ghép xương ổ răng, chỉnh hình môi, mũi, điều trị tâm lý để hòa nhập.
Tuy nhiên, do quá trình này lâu dài, chi phí tốn kém nên nhiều trẻ được phẫu thuật xong không có điều kiện đến các trung tâm để được tư vấn điều trị mà chỉ đơn thuần là vá, đóng lại khe hở môi để giúp trẻ có thể ăn uống bình thường, đỡ bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Đa số chỉ điều trị khi đến tuổi tiểu học, trẻ nói ngọng nên ảnh hưởng đến việc học tập, hoặc khi trẻ lớn hơn biết mặc cảm với bạn bè. Lúc này, lỗi phát âm đã thành thói quen, rất khó khắc phục.
Có những trường hợp sau khi phẫu thuật giọng nói vẫn cao, ngọng là do không được luyện tập phát âm, không luyện tập vòm mềm và các cơ miệng; hoặc do phẫu thuật chưa đóng kín đủ khe hở vòm, xuất hiện lỗ thông ở vòm miệng làm thoát khí từ miệng lên mũi.
Cũng theo BS. Châm, giai đoạn phẫu thuật vòm tốt nhất cho trẻ là khi 1 - 2 tuổi và từ 3 - 4 tuổi là giai đoạn vàng cho trẻ luyện âm ngữ trị liệu để trẻ có giọng nói tròn vành, rõ chữ, giúp trẻ hòa nhập tốt với cuộc sống. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng nhận ra điều này.
Không riêng các em nhỏ, BS. Châm cho biết, có bệnh nhân tìm đến bệnh viện với mong muốn được cải thiện phát âm khi đã ở tuổi trưởng thành. Đây là trường hợp khá đặc biệt, bệnh nhân đến do nhận thấy không thể điều khiển được hơi qua miệng, khi phát âm hơi thoát ra mũi khiến giọng nói khó nghe.
Gian nan hành trình luyện âm
Theo ThS. BS. Đỗ Văn Cẩn, khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Trung ương, các hiện tượng phát âm sai, phụ âm yếu, hơi thoát qua mũi, cộng hưởng... là do rối loạn chức năng vòm hầu, tức là vòm mềm đã không đóng một cách hợp lí trong suốt quá trình tạo phát âm thanh.
Thường một trẻ bị sứt môi, hở vòm sau khi đã được phẫu thuật vá vòm hầu thì nên cho trẻ gặp chuyên viên âm ngữ trị liệu để đánh giá tình trạng khó khăn giao tiếp và phát âm của trẻ, sau đó mới tiến hành can thiệp âm ngữ trị liệu.
Đa số trẻ phát âm sai nói bằng giọng mũi chứ không phải bằng miệng. Ví dụ: Quả bóng thì nói “nhỏa nhóng” hay “hỏa hóng”; mất phụ âm đầu như: Bàn tay thì nói “àn ay”, hay thay phụ âm đầu như con cua thì nói “nhon nhua”...
Sau đó là tiến trình điều trị âm ngữ trị liệu cho trẻ sau phẫu thuật vá vòm hầu phải trải qua nhiều bước như: Làm quen để hơi thoát ra từ miệng. Kế đó là giai đoạn giúp bé nghe phân biệt các âm, các từ mà bé bị chuyển âm khi nói hoặc nói sai. Cuối cùng là chỉnh âm, cho bé bắt chước nhìn miệng theo vị trí cấu âm, khởi đầu với những âm dễ nói…
BS. Nguyễn Thị Thanh Châm cho biết thêm, việc luyện âm ngữ trị liệu là quá trình dài phải tính bằng nhiều năm, đòi hỏi sự kiên nhẫn, bền bỉ và sự phối hợp nhịp nhàng cùng cha mẹ và trẻ.
“Trẻ có 3 tháng đầu để luyện tập đưa lưỡi ra phía ngoài răng môi, tập dồn hơi qua miệng, để giúp âm miệng nói rõ hơn. Sau khi làm tốt, chuyển sang giai đoạn tập âm, bảng kiểm tra âm, sai ở âm nào sửa âm đó, sau đó ghép các âm đơn không dấu, rồi có dấu, ghép câu… Có bé tập đưa hơi qua miệng mất 6 tháng hoặc tập riêng âm T mà mất gần 3 tháng. Với nhiều âm vốn được đánh giá luyện rất khó được chúng tôi hóa giải thành dễ bằng việc cho trẻ uống nước rồi tập khò từ cuống lưỡi, sau đó quen dần với phát âm…”, BS. Châm nói.
Theo BS. Châm, với việc luyện ngữ âm, thành quả thường không nhìn thấy ngay nên nhiều cha mẹ nản trí hoặc cha mẹ tạo áp lực mong muốn trẻ tiến bộ nhanh, dồn ép trẻ luyện tập khiến chúng sợ, rồi không chịu hợp tác luyện tập. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ mất cơ hội tìm lại giọng nói cho mình, khiến trẻ tự tin, khó hòa nhập với cuộc sống sau này.
“Với trẻ luyện tập thời gian dài nhưng tình trạng nói ngọng vẫn không cải thiện, trẻ cần phải kiểm tra cấu trúc vòm. Nếu khe hở vòm chưa được đóng kín hoàn toàn cần phẫu thuật lại để đóng kín lỗ thông”, BS. Châm lưu ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận