Quản lý

Ký hợp tác toàn diện lĩnh vực GTVT giữa Việt Nam - Nhật Bản

29/04/2024, 13:51

Bộ GTVT và Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản ký hợp tác toàn diện lĩnh vực GTVT.

Thúc đẩy tiến độ các dự án hạ tầng giao thông

Sáng nay (29/4), tại Bộ GTVT đã diễn ra Hội đàm song phương giữa Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Nguyễn Văn Thắng và Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (Bộ MLIT) Saito Tetsuo.

Chào đón Bộ trưởng Saito Tetsuo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Hội đàm song phương giữa hai Bộ hôm nay có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hai nước đã có một năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước với nhiều hoạt động ý nghĩa. Đồng thời, việc hai nước nâng cấp quan hệ "Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới" góp phần mở ra một cơ hội mới trong hợp tác giữa hai nước, hai Bộ.

Bộ trưởng bày tỏ trân trọng, cảm ơn và đánh giá cao sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhật Bản nói chung, Bộ MLIT nói riêng đối với Việt Nam và Bộ GTVT trong nhiều năm qua. Sự hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản toàn diện trên nhiều lĩnh vực, không chỉ kinh tế mà còn văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng... đặc biệt là giao lưu nhân dân.

Ký hợp tác toàn diện lĩnh vực GTVT giữa Việt Nam - Nhật Bản- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng và Bộ trưởng Bộ MLIT Saito Tetsuo hội đàm, thống nhất tiếp tục tích cực trao đổi, thúc đẩy tiến độ các dự án (Ảnh: Tạ Hải).

Thống nhất với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Saito Tetsuo cho rằng, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản về GTVT thời gian qua mở rộng ở nhiều lĩnh vực: đường sắt, cảng biển... Nhật Bản vinh dự khi được hỗ trợ, đóng góp vào xây dựng tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại TP.HCM và hiện đang trong quá trình hoàn thiện để đưa vào khai thác.

Cùng đó là mối quan hệ giao lưu nhân dân ngày càng phát triển mạnh mẽ. Minh chứng là năm 2023, lượng người Việt Nam đến Nhật Bản lên đến 573.000 người, vượt cả năm 2019 là thời điểm chưa có dịch Covid-19 khoảng 80.000 người.

Tại hội đàm, hai Bộ trưởng đã bàn thảo về các dự án hạ tầng giao thông đang hợp tác, cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ. Trong đó, Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong kết nối tại khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt hơn nữa khi Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ đưa vào khai thác, sử dụng trong năm 2026. Dự án hiện các vướng mắc về thủ tục, tiến độ, bao gồm việc thống nhất giữa Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) và các nhà thầu về chi phí phát sinh.

Dự án Đường sắt TP.HCM - tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của thành phố. Dự án đã kéo dài từ năm 2007 nên việc phấn đấu đưa dự án vào khai thác trong năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, được người dân mong chờ. Với sự nỗ lực của các bên liên quan Việt Nam, Nhật Bản, dự án đã hoàn thành khoảng 97% khối lượng; các khó khăn hiện nay chủ yếu liên quan đến đào tạo, bảo dưỡng và bảo trì, đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, sự phối hợp các nhà thầu thi công...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động, tích cực làm việc với các cơ quan hữu quan và phía Nhật Bản để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc một cách tốt nhất có thể, trên tinh thần chia sẻ, thấu hiểu giữa hai bên để thúc đẩy tiến độ các dự án.

Ký hợp tác toàn diện lĩnh vực GTVT giữa Việt Nam - Nhật Bản- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng và Bộ trưởng Bộ MLIT Saito Tetsuo ký, trao đổi biên bản hợp tác, khẳng định quan hệ hợp tác toàn diện lĩnh vực GTVT hai bên (Ảnh: Tạ Hải).

Về hợp tác trong xây dựng tiêu chuẩn kĩ thuật quốc gia cho hạ tầng cảng biển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cảm ơn, đánh giá cao Bộ MLIT thời gian qua đã hỗ trợ Bộ GTVT triển khai xây dựng và công bố Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cho hạ tầng cảng biển. Với sự hỗ trợ của Nhật Bản, 10 tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế và thi công, nghiệm thu và bảo trì công trình cảng biển đã được ban hành.

Bộ trưởng giao các cơ quan phía Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ MLIT để triển khai có hiệu quả việc xây dựng, cập nhật các tiêu chuẩn về hạ tầng cảng biển tại Việt Nam.

Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ MLIT tiếp tục hỗ trợ Bộ GTVT Việt Nam cập nhật, hoàn thiện Bộ tiêu chuẩn quốc gia về công trình cảng biển trong tình hình mới nhằm hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng không (net-zero) vào năm 2050.

Cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã quan tâm sâu sát, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn các dự án hợp tác hai bên để có những bước tiến quan trọng, Bộ trưởng Saito Tetsuo khẳng định, Bộ MLIT sẽ tích cực phối hợp cùng giải quyết các vướng mắc, trở ngại dự án.

"Phía Nhật Bản sẽ tích cực hợp tác trong xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và phổ biến tiêu chuẩn thiết kế công trình cảng biển nhằm đáp ứng với các vấn đề mới như biến đổi khí hậu và cắt giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực hàng hải", Bộ trưởng Saito Tetsuo nói.

Hợp tác toàn diện lĩnh vực GTVT

Về cơ hội hợp tác thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề xuất một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng và đề nghị Bộ MLIT xem xét, hỗ trợ Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA thế hệ mới của Nhật Bản như Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, cầu Cần Thơ 2, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ...

Ký hợp tác toàn diện lĩnh vực GTVT giữa Việt Nam - Nhật Bản- Ảnh 3.

Hai bên chụp ảnh kỷ niệm, đánh dấu thời kỳ hợp tác mới với việc ký biên bản hợp tác (Ảnh: Tại Hải).

Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ MLIT hỗ trợ Bộ GTVT triển khai Kế hoạch hành động về phát thải ròng bằng 0; hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ trong áp dụng nhiên liệu sạch trong tất cả các lĩnh vực GTVT, phát triển khả năng ứng dụng nhiên liệu hydrogen trong hoạt động vận tải…

Thống nhất về các dự án, nội dung có thể hợp tác giữa hai bên, Bộ trưởng Saito Tetsuo nhấn mạnh, phía Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt trong áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu, phát triển GTVT bền vững.

Kết thúc hội đàm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng và Bộ trưởng Bộ MLIT Saito Tetsuo ký "Biên bản hợp tác giữa hai Bộ về hợp tác toàn diện trong lĩnh vực GTVT". Theo đó, nội dung hợp tác giữa hai bên tập trung trong các lĩnh vực: Đường bộ và đường cao tốc, đường sắt, hàng không, cảng và vận tải biển; Các hình thức hợp tác: Trao đổi thông tin, trao đổi đoàn, họp, làm việc, tổ chức hội thảo; nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực; khảo sát…

Ký hợp tác toàn diện lĩnh vực GTVT giữa Việt Nam - Nhật Bản- Ảnh 4.
Ký hợp tác toàn diện lĩnh vực GTVT giữa Việt Nam - Nhật Bản- Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng và Bộ trưởng Bộ MLIT Saito Tetsuo trao quà lưu niệm, thể hiện mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai Bộ (Ảnh: Tạ Hải). 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ tin tưởng việc ký kết Biên bản hợp tác giữa hai Bộ ngày hôm nay sẽ mở ra cơ hội mới trong hợp tác giữa hai Bộ, thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực GTVT, kết nối hạ tầng và công nghệ giao thông, qua đó góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

"Tôi tin tưởng hai bên triển khai có hiệu quả Biên bản hợp tác thông qua cơ chế cuộc họp thường niên cấp Thứ trưởng và xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai, hiện thực hóa Biên bản hợp tác", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Nhật Bản phát triển giao thông bền vữngThúc đẩy hợp tác Việt Nam - Nhật Bản phát triển giao thông bền vững

Bộ GTVT và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản hội đàm song phương tại Hà Nội, thống nhất thúc đẩy hợp tác phát triển hạ tầng giao thông bền vững.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.