Thế giới giao thông

Kỳ lạ lắp đèn giao thông trên sa mạc cho lạc đà

02/03/2024, 08:43

Một địa phương của Trung Quốc lắp đèn tín hiệu giao thông để ngăn các vụ va chạm giữa phương tiện giao thông và lạc đà trên sa mạc.

Đèn giao thông cho lạc đà đầu tiên trên thế giới

Những năm gần đây, tại hai khu thắng cảnh ở núi Minh Sa và suối Nguyệt Nha thuộc tỉnh Cam Túc (Trung Quốc), tình trạng hỗn loạn giữa phương tiện giao thông và lạc đà thường xuyên xảy ra.

Kỳ lạ lắp đèn giao thông trên sa mạc cho lạc đà- Ảnh 1.

Khi đèn xanh, lạc đà được phép di chuyển. Ảnh: Facebook Cici Wang.

Nguyên nhân là do đường mòn cho lạc đà đi lại giao nhau với lối đi dành cho người đi bộ. Theo hình ảnh do truyền thông Trung Quốc đăng tải, cảnh tượng lạc đà chở khách du lịch nối sát đuôi nhau kéo hàng dài dọc tuyến đường mòn thường xuyên xảy ra, đôi khi còn gây ra ùn tắc nghiêm trọng. Các vụ va chạm giữa người với lạc đà diễn ra liên tục.

Để đảm bảo an toàn, giới chức địa phương đã lắp đặt hệ thống đèn giao thông cho lạc đà đầu tiên trên thế giới.

Trong quá trình thi công lắp đèn, họ đã cắt một đoạn ván trên đường đi bộ của du khách để tạo lối đi riêng cho lạc đà. Bên cạnh đó, họ lắp đèn tín hiệu điều phối luồng giao thông tại ngã tư mới. Trên đó, phần đèn thể hiện màu sắc không phải là hình tròn mà là hình lạc đà.

Khi đèn giao thông chuyển sang màu xanh, lạc đà có thể băng qua đường. Khi đèn chuyển sang màu đỏ, du khách sẽ đi qua.

Loại đèn giao thông này không chỉ giúp nâng cao an toàn giao thông mà còn nhanh chóng trở thành điểm thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm.

Vì sao lạc đà gây ùn tắc, va chạm?

Tình trạng ùn tắc, va chạm xảy ra sau khi dịch vụ cưỡi lạc đà trở thành hoạt động thu hút nhiều du khách khi tới thăm núi Minh Sa và suối Nguyệt Nha.

Ông Wang Youxia, Phó tổng giám đốc công ty chịu trách nhiệm vận hành khu danh lam thắng cảnh, cho biết hơn 3,7 triệu khách du lịch đã đến nơi này vào năm 2023, trong đó 42% chọn cưỡi lạc đà.

Kể từ tháng 12/2023, lượng du khách đã tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi Covid-19 trở thành đại dịch.

Vào những năm 1990, trước khi thành lập khu danh lam thắng cảnh, nơi đây chỉ có một số nông dân chăn nuôi lạc đà.

Người dân địa phương từng chỉ trồng mơ làm nguồn thu nhập chính. Tuy nhiên, do ngôi làng nằm gần sa mạc nên đất nông nghiệp thường bị bão cát nhấn chìm, dẫn đến mùa màng thất bát và lợi nhuận thấp.

"Ngôi làng của chúng tôi nghèo đến mức gần như không có cô gái nào muốn lấy đàn ông trẻ đến từ đây", trưởng làng Qin Zuotao nhớ lại.

Nhưng sự phát triển nhanh chóng của du lịch đã thắp sáng hy vọng. Người dân trong làng chuyển sang làm nghề dắt lạc đà đi dạo tại danh lam thắng cảnh.

Các hoạt động giải trí dành cho khách du lịch ban đầu chỉ là tạo dáng chụp ảnh trên lưng lạc đà, nhưng dần chuyển thành cưỡi lạc đà trong thời gian ngắn. Bây giờ, khách du lịch có thể có những chuyến cưỡi lạc đà kéo dài hàng giờ trên sa mạc.

Một chuyến cưỡi lạc đà thông thường có giá 100 nhân dân tệ, trong đó người nuôi lạc đà kiếm được 70 nhân dân tệ. Vào mùa hè, tức là mùa cao điểm, mỗi con lạc đà thực hiện ba chuyến đi/ngày.

Do nhu cầu du lịch ngày càng tăng, số lượng lạc đà trong làng Nguyệt Nha đã tăng từ khoảng 900 con ở năm 2012 lên khoảng 2.400 con như hiện nay. Giá một con lạc đà cũng tăng lên khoảng 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.442 đô la Mỹ).

Những người nông dân làm giàu nhờ lạc đà

Lượng khách du lịch tăng đáng kể đã mang lại doanh thu lớn cho những người chăn nuôi lạc đà địa phương.

Kỳ lạ lắp đèn giao thông trên sa mạc cho lạc đà- Ảnh 2.

Hàng dài lạc đà nối đuôi nhau di chuyển trên sa mạcẢnh: Facebook Cici Wang.

Thu nhập trung bình của các hộ gia đình trong làng cũng đạt từ 100.000-200.000 nhân dân tệ mỗi năm (tương đương từ hơn 342 triệu đồng đến hơn 684 triệu đồng).

Một trong số những người thành công nhờ dịch vụ cưỡi lạc đà là ông Zhao Wenlong, 42 tuổi, hiện đang chăm sóc và sở hữu 21 chú lạc đà tại ốc đảo Nguyệt Nha.

Ông Zhao đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý giá trong quá trình duy trì và phát triển kinh doanh.

Mới đây, ông vừa mua thêm hai chú lạc đà hiếm: Một chú màu trắng và một chú có lông pha trộn nhiều màu. Người này phát hiện ra nhiều khách du lịch thích chụp ảnh trên lưng lạc đà có màu lông đặc biệt.

Trong quá trình huấn luyện lạc đà, ông từng lo ngại màu sắc sặc sỡ của quần áo khách du lịch có thể khiến lạc đà giật mình, do đó ông Zhao thường treo các biểu ngữ sáng màu trong chuồng lạc đà để các chú lạc đà thích nghi. "Giữ an toàn cho lạc đà cũng chính là giữ an toàn cho khách du lịch", ông Zhao chia sẻ.

Theo lời kể của ông Zhao, gia đình ông thường thu nhập 500.000 nhân dân tệ mỗi năm từ dịch vụ cưỡi lạc đà nhưng phải chi hơn 100.000 nhân dân tệ để chăm sóc lạc đà. Vào những tháng hè, ông cho lạc đà ăn thức ăn bổ dưỡng và trái cây tươi để giúp chúng giải nhiệt, đồng thời đưa lạc đà đến bác sĩ thú y kiểm tra hằng năm.

Theo trưởng làng Qin Zuotao, 80% trong số 274 hộ gia đình ở ngôi làng này đang làm công việc liên quan tới du lịch. Đồng nghĩa, cạnh tranh ngày càng tăng cao. Để đảm bảo công bằng và mỗi chú lạc đà có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, địa phương này cũng quyết định phát hành giấy phép lạc đà.

Mỗi chủ lạc đà đều phải qua đào tạo về quy trình tiếp nhận khách du lịch và xử lý tình huống khẩn cấp. Họ cũng phải học nói tiếng Anh cơ bản để giao tiếp tốt hơn với khách du lịch nước ngoài.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.