Có bùng phát dịch Covid-19, sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 30/4-1/5?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, ĐH Y dược TP.HCM nhận định: “Chắc chắn số ca nhiễm sẽ gia tăng sau kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4-1/5. Tuy nhiên, không đáng quan ngại, bởi đa phần người dân đã có miễn dịch nhờ tiêm vaccine hoặc đã từng mắc. Bên cạnh đó, người dân hiện giờ cũng cảnh giác, không tụ tập ở nơi kín hoặc quá đông người. Nhìn từ Trung Quốc, sau mùa lễ Xuân Vận, số ca tăng nhưng không quá cao đến mức gây thảm họa.
Chính vì vậy, không cần phải cảnh báo người dân hạn chế đi lại trong dịp lễ này, tuy nhiên, cần lưu tâm nghiêm túc tuân thủ các biện pháp theo thông điệp 2K (khẩu trang - khử khuẩn)”.
Du lịch không quên đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 (ảnh minh họa)
Ông Dũng cho biết thêm, việc tăng ca nhiễm Covid-19 trong thời gian này không bất thường, vì dịch bệnh thường theo chu kỳ ngay cả sốt xuất huyết hay cúm cũng vậy và Covid-19 không ngoại lệ. Nguyên nhân là bởi suy giảm miễn dịch theo thời gian và thói quen trong phòng chống dịch giảm.
“Tình hình dịch Covid-19 hiện nay, con số về ca nhiễm ít quan trọng, mà điều cần lưu tâm là số ca nhập viện nặng và có gây quá tải cho cơ sở y tế hay không. Tôi tin rằng dịch Covid-19 lần này cũng không tăng quá cao, nằm trong giới hạn dịch mức 1 vì tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam dù không như mong muốn nhưng được xem là cao trong khu vực và châu Á. Khi số ca trong 1 tuần nếu trên 20 ngàn ca mắc mới, lúc đó mới là vượt qua mức 1…”, ông Dũng cho biết.
Còn theo nhận định của PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, sau dịp lễ này, dù số ca mắc có gia tăng nhưng khả năng dịch bùng phát lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay số ca tử vong tăng mạnh như đợt dịch ở TP HCM và nhiều tỉnh phía Nam trước đây là khó xảy ra. Bởi hiện biến chủng phụ dù lây lan nhanh nhưng vẫn là biến thể của chủng Omicron, chủ yếu gây bệnh nhẹ, không gây ra triệu chứng nặng.
Xuất hiện nhiều biến thể phụ mới có đáng lo?
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM cho biết từ các mẫu bệnh phẩm giám sát dịch tễ trong cộng đồng đã phát hiện 7 biến thể phụ của Omicron bao gồm XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1.
Đây cũng là những biến thể phụ đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới và được WHO xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm (VOI) hoặc biến thể cần được theo dõi (VUMs).
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, hiện biến thể Omicron là biến thể chủ đạo của các trường hợp mắc trên toàn thế giới với nhiều biến thể phụ như: BQ.1 (chiếm 23,3%), BA.5 (chiếm 20,6%), BA.2.75 (chiếm 6,8%), XBB (chiếm 3.3%), BA.4.6 (chiếm 2,8%) và một số biến thể phụ khác.
Trước lo ngại về sự xuất hiện của biến thể mới, ông Đỗ Văn Dũng chia sẻ: “Theo tổ chức y tế thế giới, thường biến chủng chỉ xảy ra khi có tình trạng lây lan nhiều và mạnh. Nếu quần thể người dân đa số đã lây nhiễm hoặc đã tiêm vaccine thì việc lây lan sẽ không mạnh. Khi virus vào cơ thể chưa kịp nhân bản lên nhiều, đã có kháng thể chống lại, thì khả năng gây đột biến, gây biến chủng mới không cao. Chúng ta vẫn cần tiếp tục cảnh giác nhưng không quan ngại nhiều về vấn đề này”.
“Hiện tại hệ thống giám sát đang trong giai đoạn tình trạng y tế khẩn cấp công cộng hàng đầu, các nước đều vào cuộc, xét nghiệm giải trình tự gene cập nhật để các nhà khoa học tham khảo. Người ta thấy chủ đạo hầu hết là Omicron, các biến thể phụ xuất hiện nhiều nhưng không làm gia tăng ca nặng”, GS. Lân thông tin.
Theo đại diện Bộ Y tế, đến thời điểm này, WHO và trong nước cũng chưa ghi nhận các biến chủng mới khác.
Cần tiêm vaccine phòng Covid-19 nhắc lại cho người già, người bệnh nền
Người già, bệnh nền nên tiêm nhắc lại vaccine Covid-19
Trước câu hỏi “thời điểm này, vaccine còn coi là chiến lược phòng Covid-19 hay không”, PGS. Đỗ Văn Dũng chia sẻ: “Đối với người trẻ, không bệnh nền, vaccine thực sự không cần thiết lắm, bởi người trẻ nhiễm lại, cơ thể tạo lại kháng thể ngay, do vậy thường không bị nặng.
Nhưng với người già, hoặc bệnh nền, kháng thể đi xuống, khi virus tấn công, cơ thể chưa kịp tạo kháng thể nên dễ trở nặng và dẫn đến tử vong. Do vậy, đối tượng này cần tiêm chủng đủ mũi theo hướng dẫn của ngành Y tế. Nếu mũi trước đã qua 6 tháng thì nên tiêm nhắc lại.
Khi người lớn tuổi và bệnh nền được bảo vệ thì không còn sợ dịch bệnh Covid-19 nữa. Bởi hiện nay hầu hết cả nặng và tử vong nằm trong nhóm nguy cơ là người lớn tuổi và bệnh nền hoặc chưa tiêm phong bao giờ”.
“Nên dùng vaccine bảo vệ người có nguy cơ cao (người già, bệnh nền, chưa từng tiêm vaccine), người còn lại thực hiện biện pháp phòng chống dịch miễn là khả thi và không ảnh hưởng tới sinh hoạt, sản xuất, học tập của người dân”, ông Dũng nhấn mạnh.
Hiện nay trên thế giới, cũng như Việt Nam biến thể Omicron vẫn chiếm ưu thế. Với biến thể Omicron, vaccine vẫn có hiệu quả bảo vệ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận