Thế giới giao thông

Kỷ nguyên của máy bay siêu thanh sẽ trở lại?

03/06/2023, 08:27

Một công ty khởi nghiệp tại châu Âu đang phát triển mẫu máy bay chở khách có tốc độ di chuyển gấp 5 lần tốc độ âm thanh, tương đương 6.147km/h.

Những kỳ vọng lớn

Đã 2 thập kỷ trôi qua kể từ khi kỷ nguyên của máy bay thương mại siêu vượt âm (siêu thanh) kết thúc, đánh dấu bằng chuyến bay cuối cùng của tàu bay Concorde.

Trong những năm gần đây, đã có nhiều ý tưởng về máy bay siêu vượt âm sử dụng nhiên liệu hydro được đưa ra, thậm chí được đưa vào thiết kế, nhưng đều đã bị tạm dừng do nhiều vấn đề.

img

Mẫu máy bay thứ 2 của Công ty Destinus đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm vào năm ngoái Ảnh: Destinus

Mới đây, triển vọng này sáng hơn khi một công ty khởi nghiệp tại châu Âu đang theo đuổi thiết kế máy bay chở khách có thể thực hiện hành trình từ TP Frankfurt (Đức) tới TP Sydney (Australia) chỉ trong khoảng 4 giờ thay vì hơn 24 giờ như máy bay bình thường.

Đó là Công ty Destinus, có trụ sở tại Thụy Sĩ với đội ngũ 120 nhân viên có mặt tại Tây Ban Nha, Pháp và Đức.

Công ty này đang phát triển mẫu máy bay chạy bằng hydro có tên Destinus có thể di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh, cắt giảm thời gian bay hơn 1/4 so với các chuyến bay thương mại hiện nay. Tốc độ dự kiến vào khoảng 6.147km/h.

Dù là công ty non trẻ, mới thành lập năm 2021 nhưng Destinus đã phát triển nhanh chóng và đạt một số cột mốc quan trọng.

Hai nguyên mẫu máy bay đầu tiên đã thực hiện thành công các chuyến bay thử nghiệm và chuẩn bị đi vào giai đoạn thử sử dụng nhiên liệu hydro. Trong khi đó, mẫu thứ 3 - Destinus 3 dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào cuối năm nay.

Bà Martina Löfqvist - Giám đốc phát triển kinh doanh của công ty, cho biết mục tiêu của Destinus là trở thành công ty mở ra thời đại mới cho những chuyến bay thương mại siêu thanh.

Thiết kế tối ưu, sử dụng nhiên liệu hydro

img

Thiết kế mẫu máy bay Công ty Destinus đang nghiên cứu và phát triển Ảnh: Destinus

Công ty Destinus lựa chọn hydro làm nhiên liệu cho các mẫu máy bay hãng đang phát triển bởi đây là nguồn năng lượng tái tạo, sạch, giá thành sản xuất đang giảm dần. Nó cũng phù hợp với yêu cầu phát triển máy bay tầm xa, tốc độ cao của hãng.

“Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển máy bay có tầm bay siêu dài, chẳng hạn như di chuyển từ châu Âu tới Australia ở tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh). Nếu sử dụng dầu kerosene sẽ khiến trọng lượng máy bay khá nặng, trong khi nhiên liệu hydro thì nhẹ hơn”, theo bà Löfqvist.

Tuy nhiên, tiến trình phát triển máy bay chạy bằng nhiên liệu hydro còn đang ở giai đoạn sơ khai và hiện vẫn chưa có máy bay nào thuộc loại này đi vào hoạt động thương mại. Mới đây, hãng sản xuất máy bay của châu Âu - Airbus cũng thông báo đang phát triển máy bay chạy bằng nhiên liệu hydro và dự kiến sẽ thử nghiệm vào năm 2026.

Về thiết kế, các mẫu máy bay Công ty Destinus đang phát triển đều dựa trên thiết kế máy bay siêu vượt âm có tên Waverider được giới thiệu lần đầu tiên vào những năm 1950 nhưng chưa đến giai đoạn sản xuất.

Chia sẻ về mẫu Destinus 3 mà công ty đang phát triển, bà Löfqvist cho biết, đây sẽ là phương tiện có chiều dài khoảng 10m. Nó cũng nặng hơn 2 mẫu máy bay công ty nghiên cứu trước đó khoảng 10 lần, độ phức tạp cũng cao hơn 20 lần cả về cấu trúc và hệ thống phản lực. Công ty kỳ vọng sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm chạy bằng nhiên liệu hydro ở tốc độ siêu thanh vào năm 2024.

Công ty đặt mục tiêu hoàn thành phiên bản cỡ nhỏ của Destinus 3 có sức chứa khoảng 25 hành khách vào năm 2030. Tuy nhiên, mẫu máy bay này vẫn sẽ có hạn chế về tầm hoạt động và chủ yếu nhắm tới đối tượng khách hạng thương gia.

Tới năm 2040, công ty dự kiến phát triển phiên bản Destinus 3 cỡ lớn với nhiều hạng ghế, trong đó có cả hạng phổ thông. Destinus cũng hy vọng vào thời điểm này, giá thành nhiên liệu hydro đã giảm đáng kể, giúp công ty giảm chi phí vận hành chuyến bay, đặc biệt là với những hành trình siêu dài.

Về vấn đề tài chính, bên cạnh các khoản đầu tư tư nhân và các nguồn ngân sách công, mới đây, vào tháng 4/2023, Destinus đã nhận được khoản tài trợ 29,4 triệu USD từ Chính phủ Tây Ban Nha để phát triển hệ thống phản lực sử dụng nhiên liệu hydro.

Destinus kỳ vọng những khoản tài trợ, đầu tư này sẽ giúp công ty vượt qua thách thức về tài chính.

Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều dự án máy bay thương mại siêu vượt âm “đứt gánh” giữa đường.

Trước đó, Công ty Aerion có trụ sở tại bang Nevada, Mỹ là một trong những doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển được máy bay chở khách siêu vượt âm nhưng cuối cùng đã sụp đổ vào tháng 5/2021 do khó khăn về tài chính.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.