Vì sao dự án đường Hồ Chí Minh nhận được sự quan tâm lớn đến thế? Bởi trước đó, dự án được Quốc hội thông qua và xác định là 1 trong 5 công trình quan trọng quốc gia - Nhóm dự án Quốc hội theo dõi, giám sát và chỉ đạo trực tiếp.
Cuối tháng 12/2026, chúng tôi (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh) lên báo cáo trực tiếp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trước chuyến đi thực địa.
Khi chúng tôi đến, ông ra tận cửa phòng đón, tự tay rót nước mời. Cả đoàn xúc động vì Chủ tịch Quốc hội vô cùng giản dị, gần gũi và ân cần.
Ngày 5/1/2007, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bắt đầu chuyến công tác 6 ngày. Kiểm tra hiện trường ở địa phương nào, ông lại kết hợp làm việc với địa phương đó.
Đi trên đường, hoà mình vào một đại công trường rộn ràng khí thế thi công, ông gặp gỡ, nói chuyện thăm hỏi, tặng quà từng nhà thầu và căn dặn rất kỹ, từ việc phải cố gắng làm công trình cho chất lượng, đảm bảo hiệu quả đầu tư, tiết kiệm, không được để xảy ra tham nhũng và đáp ứng cho bằng được tiến độ để không phụ lòng mong mỏi của nhân dân.
Về phía địa phương, ông cũng không quên động viên, giai đoạn trước mắt dù rất khó khăn nhưng các địa phương đã đồng lòng, đồng sức để dự án giai đoạn 1 được triển khai thuận lợi.
Đến ngày 10/1/2007, đoàn công tác di chuyển đến Kon Tum. Hôm ấy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nghe Bộ GTVT, trực tiếp là ban QLDA (được uỷ quyền) báo cáo cả đêm, từ thuận lợi, khó khăn, những cái đạt được, cái chưa làm được, kế hoạch triển khai tiếp theo… tất cả đều được điểm lại và lĩnh hội những chỉ đạo cụ thể từ Chủ tịch Quốc hội.
Khi đó, vốn vẫn còn khó, giải phóng mặt bằng còn vướng, kế hoạch thi công dự án chưa đạt được yêu cầu, song ngày chia tay, ông vẫn nhẹ nhàng nắm tay tôi và nói: "Nhớ phải làm đường Hồ Chí Minh cho thật tốt". Câu nói ấy vừa là sự dặn dò, cũng vừa là chỉ thị của vị Chủ tịch Quốc hội vô cùng đáng kính.
Trong suốt chuyến đi, người lãnh đạo ấy không câu nệ mà rất gần gũi, từ nói chuyện, ăn uống, lúc nào cũng ôn tồn, hoà nhã và điềm đạm. Tìm được khoảnh khắc nóng giận từ ông dường như rất khó.
Sau chuyến thị sát của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, dự án đường Hồ Chí Minh luôn được Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt.
Nếu khi số vốn được phân bổ ít, Quốc hội đều đề nghị Chính phủ ưu tiên cân đối nguồn lực, "không được 10 đồng thì cũng phải 6 - 7 đồng".
Nếu không có sự quan tâm đó, đường Hồ Chí Minh chưa chắc đã đủ vốn để làm xong giai đoạn 1 chứ chưa nói đến việc khởi động giai đoạn 2 năm 2008 (mở rộng tuyến lên 4 làn xe qua các thành phố, thị xã).
Phạm Hồng Sơn (nguyên Giám đốc Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh, Bộ GTVT)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận