Giáo dục

Kỷ niệm một lần được gặp thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký

28/09/2022, 16:46

Từ thuở nhỏ, tôi là cậu bé trường làng rất thích học văn và đọc sách báo. Tôi đặc biệt yêu thích bài viết về những tấm gương vượt khó.

Trong số bài viết về tấm gương vượt khó thì tấm gương của “chim cánh cụt” Hoa Xuân Tứ ở Nghệ An, cậu bé viết chữ bằng chân Nguyễn Ngọc Ký ở Nam Định… đã làm cho tôi - và chắc chắn nhiều người khác nữa, vô cùng xúc động, ước ao được một lần diện kiến con người bằng xương bằng thịt ấy.

img

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký (trái) và tác giả.

Và, niềm ao ước của tôi đã thành sự thật khi tôi được diện kiến thầy Nguyễn Ngọc Ký cách đây vừa tròn 12 năm…

Đó là năm 2010, Công ty Thép Vina Kyoei và Cộng đồng Phát triển Cá nhân và Nghề nghiệp Motibee tổ chức Hội thi viết “Đuốc sáng Đông Du”.

Đây là cuộc thi viết dành cho các thầy cô giáo thuộc 19 tỉnh, thành khu vực Nam Bộ viết về những tấm gương điển hình các học trò nghèo đang nỗ lực vượt khó, từ đó giúp đỡ các em vươn lên trong học tập.

Tôi đã tham gia cuộc thi với bài viết “8 năm chăm sóc mẹ bệnh nặng vẫn đỗ thủ khoa” kể về tấm gương em Nguyễn Thị Tố Quyên, học sinh Trường THPT Phan Văn Hùng (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng).

Dù hằng ngày phải chăm sóc người mẹ bị bại não, liệt nửa người nhưng em vẫn chăm học và đỗ thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, đậu đại học với thành tích cao. Bài viết này đã giành được giải Nhất cuộc thi.

Ngày 24/11/2010, lễ tổng kết Hội thi viết “Đuốc sáng Đông Du” được tổ chức tại Nhà hát TP.HCM. Hôm dự lễ tổng kết, tôi vô cùng bất ngờ khi thấy nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, người mà tôi ngưỡng mộ từ lâu xuất hiện trên sân khấu. Thì ra, thầy là thành viên Ban giám khảo cuộc thi này.

Sau lễ tổng kết, tôi mạnh dạn đến gặp thầy. Khi biết tôi là người đã giành được giải Nhất cho tác phẩm “8 năm chăm sóc mẹ bệnh nặng vẫn đỗ thủ khoa”, thầy cười thật tươi rồi nói: “Câu chuyện cảm động lắm em ạ. Những tấm gương như vậy rất xứng đáng được tôn vinh, được biểu dương nhiều hơn nữa.

img

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký (thứ 2 từ bên trái qua) và lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng các thành viên trong lễ tổng kết Hội thi "Đuốc sáng Đông Du" hồi năm 2010.

Nếu có điều kiện, em cố gắng viết nhiều hơn những tấm gương như thế để mọi người học tập, nhất là các em học sinh của chúng ta. Chúc mừng em nhé”.

Lời nói của thầy đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ như in. Sau đó, tôi rất vui khi được chụp chung với thầy 1 tấm ảnh. Và tôi cũng tranh thủ chụp được 1 tấm ảnh khi thầy chụp chung với lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các thành viên trong Ban giám khảo.

Trong tâm trí tôi, câu chuyện về tấm gương sáng của thầy Nguyễn Ngọc Ký được thể hiện qua những trang sách từ ngày xưa đến nay vẫn còn nguyên vẹn theo thời gian. Đó là hình ảnh cậu bé Ký 4 tuổi bị bệnh và liệt cả 2 tay, nhưng vẫn cố gắng vượt qua số phận, rèn luyện đôi chân thay cho bàn tay.

Hình ảnh cậu bé liệt 2 tay tập viết và viết được những con chữ bằng chân. Sau đó còn vẽ được hình bằng thước, com-pa, làm được lồng chim để chơi... Sau đó được cử đi dự kỳ thi học sinh giỏi Toán toàn quốc, đạt hạng 5 và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu.

Sau đó, Nguyễn Ngọc Ký trở thành sinh viên đại học Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp, ông trở về quê làm nhà giáo và được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú…

Cuộc đời và quá trình luyện viết của thầy đã được đưa vào sách giáo khoa như lời động viên, khích lệ các thế hệ học sinh về ý chí, nghị lực, quyết tâm vượt khó vươn lên.

Sáng nay, như thường lệ, mở báo ra xem và tôi sững người khi biết tin thầy đã ra đi…Vẫn biết, quy luật của đời người là vậy nhưng vẫn thảng thốt…

Và tôi thấy mình là người rất may mắn khi được gặp thầy, được chụp chung với thầy 1 tấm ảnh. Trong tấm hình, thầy như vẫn còn đó với nụ cười thật tươi…

Nhớ lời dặn của thầy, từ đó đến nay tôi đã viết được khá nhiều về những tấm gương vượt khó hiếu học, học giỏi, thành công trong cuộc sống…

Thầy Nguyễn Ngọc Ký đã ra đi thanh thản rạng sáng 28/9/2022 tại TP.HCM, hưởng thọ 75 tuổi. Thầy là người truyền cảm hứng cho bao thế hệ học sinh bằng chính nghị lực của mình.

Khi 4 tuổi, cơn bệnh đã làm tê liệt cả 2 tay, thầy tập viết bằng chân học trở thành người thầy, Nhà giáo ưu tú và nhà văn. Thầy để lại cho chúng ta những tác phẩm tuyệt vời như hồi ký "Tôi đi học", "Tôi học đại học", "Tôi đi dạy học", “Tâm huyết trao đời”…

Cuộc đời và quá trình luyện viết của thầy đã được Bộ GD&ĐT đưa vào những trang sách giáo khoa như lời động viên, khích lệ rằng cần có ý chí nghị lực, quyết tâm cũng như hãy tin vào chính mình, một ngày nào đó bạn sẽ nhận được thành quả xứng đáng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.