Tài chính

Kỹ sư ô tô đưa sôcôla Việt vươn tầm thế giới

Vốn là kỹ sư ngành ô tô nhưng lại bén duyên và trở thành ông chủ thương hiệu sôcôla Hallelu, Nguyễn Hồng Huy đang từng bước xây khát vọng đưa sản phẩm này đi khắp thế giới.

Nâng tầm giá trị hạt ca cao Việt

photo-1696560045348

Anh Nguyễn Hồng Huy, CEO Hallelu bên sản phẩm sôcôla do mình phát triển.

Cửa hàng sôcôla Hallelu ở phường Thảo Điền, TP.HCM từ lâu trở thành điểm đến quen thuộc của du khách nước ngoài. Tại đây, có nhiều sản phẩm như sôcôla đen nguyên chất (70% nguyên chất, 30% phối liệu), sôcôla sữa, sôcôla trái cây, bột sôcôla, thậm chí cả mỹ phẩm từ sôcôla như son... Các sản phẩm còn được gói thành các set quà tặng nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu.

Hallelu là thương hiệu sôcôla được sản xuất từ 100% hạt ca cao được trồng ở các tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Lâm Đồng, Vũng Tàu. Hiện, Hallelu đã xuất khẩu chính thức sang Pháp, Singapore, Dubai và một vài quốc gia khác.

Với hương đặc trưng của hạt ca cao trồng trong nước và công thức phối trộn riêng, Hallelu đã trở thành sản phẩm mang đậm hương vị Việt.

Anh Trần Trung Hiếu (quận 1, TP.HCM), một trong những thực khách sành về sôcôla cho biết: "Sôcôla Hallelu có vị ngọt đắng. Khi sôcôla tan chảy trong miệng, sẽ cảm nhận được vị chua nhẹ của ca cao vùng Mekong, vị nồng của tiêu, vị thơm mật ong của núi rừng Tây Nguyên".

Ông Valentin Tran, Tổng giám đốc Andros Asia (Tập đoàn Chế biến và Xuất khẩu nông sản của Pháp), một trong số những đối tác của Hallelu chia sẻ: "Tôi thật sự ngạc nhiên khi Hallelu có thể làm chủ được hoàn toàn quy trình công nghệ Việt Nam. Tôi thích các loại sôcôla đen của Hallelu, chúng có vị nho khô và mật ong tự nhiên mà không cần thêm hương liệu hay chất bảo quản. Tôi tin Hallelu sẽ sớm phát triển hơn nữa ở thị trường châu Âu".

Doanh nhân Pháp Guy Lacombe, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Big C nhận xét: "Hallelu mang một hơi thở mới cho ngành sôcôla Việt Nam khi có thể tự chủ hoàn toàn quy trình sản xuất. Tôi thích sự sáng tạo của Hallelu khi kết hợp sôcôla với các loại nông sản Việt như cam, xoài, hạt mắc ca..." .

Không tiết lộ cụ thể doanh thu, lợi nhuận, song trò chuyện với PV Báo Giao thông, anh Nguyễn Hồng Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sôcôla Hallelu (Bình Chiểu, Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: Hallelu thu mua, giải quyết đầu ra hơn 1 tấn hạt ca cao, sản xuất hơn 2 tấn sản phẩm sôcôla mỗi tháng. Doanh nghiệp đang giải quyết việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập bình quân mỗi người khoảng 240 triệu đồng/năm.

Hiện nay, Hallelu đồng hành với người trồng ca cao theo nguyên tắc Fair Trade (được phát triển dưới sự kiểm soát của tổ chức Thương mại công bằng thế giới WFTO), thu mua hạt ca cao gấp đôi giá xuất khẩu thô, đồng hành cùng bà con trong quá trình lên men hạt và canh tác bền vững.

Và tới đây, Hallelu mở rộng danh mục sản phẩm bằng cách dùng sôcôla kết hợp với một số loại nông sản, tạo ra mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng và các thực phẩm thay thế cho các chế phẩm từ động vật.

CEO của Hallelu cho hay, bằng cách này, Hallelu có thể bao tiêu nhiều mặt hàng nông sản cho nông dân và giá trị hàng hóa sau chế biến tăng lên gấp đôi, gấp ba.

Tự mình xây dựng quy trình sản xuất

photo-1696560047570

Hộp sôcôla đen nguyên chất – một trong những sản phẩm hấp dẫn của Hallelu.

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Huy kể, anh tốt nghiệp ngành cơ khí Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội.

Trong một lần về miền Tây - thủ phủ ca cao, nơi sinh ra Criollo và Trinitario, được mệnh danh là hai giống ca cao ngon nhất thế giới, anh đã chứng kiến những vườn ca cao bạt ngàn bị chặt bỏ.

Lúc bấy giờ (trước năm 2017), giá ca cao khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg quả khô, mà phơi 10kg quả tươi mới được 1kg quả khô. Giá ca cao xuất khẩu khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg nhưng phải trải qua rất nhiều công đoạn đóng gói thành phẩm. Người trồng ca cao chỉ biết bán hạt, không biết sản xuất, chế biến. Lợi nhuận thấp, đầu ra bấp bênh, họ quyết định đốn hạ cây.

Trong anh lúc đó thôi thúc loạt câu hỏi: "Làm gì để nâng tầm cây ca cao; làm gì để bà con nông dân bớt khổ; làm gì để giữ lại loại ca cao ngon nhất thế giới này?".

Ý tưởng chế biến ca cao thành sôcôla hình thành từ đó,anh quyết tâm nghiên cứu sâu về sản xuất sản phẩm này.

Giai đoạn đầu, vừa làm ở một công ty ô tô vừa nghiên cứu, nhưng đam mê ngấm dần, anh quyết định nghỉ hẳn nghề chính để chuyên tâm phát triển "nghề tay trái", và rồi tìm ra được quy trình sản xuất sôcôla cho riêng mình.

Nhưng anh lại phải đối diện với hàng loạt vấn đề mới đặt ra, đó là: Làm sao để mua được giá ca cao của bà con nông dân cao hơn hiện tại? Làm sao nhập khẩu được 8 loại máy móc khi tài sản khởi nghiệp chỉ có đam mê và khối óc?

Cuối cùng, anh lại dựa vào chính kiến thức của mình học được ở chuyên ngành ô tô để mày mò tìm hiểu, bắt tay vào chế tạo máy sản xuất sôcôla, rút ngắn giai đoạn sản xuất nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư và gia tăng lợi nhuận.

"Để nghiên cứu ra 1 cái máy phải mất 4 - 6 tháng. Ví dụ máy gia nhiệt. Nó quyết định rất lớn đến độ mịn, mượt, sáng bóng của sôcôla. Tôi là kỹ sư cơ khí ô tô, có thể biết về điện lạnh của ô tô và những hệ thống chuyển động của cơ khí. Nhưng về nhiệt lạnh, nhiệt nóng, hay để nhiệt độ lên xuống như thế nào cho phù hợp với khí hậu ở Việt Nam là một thách thức mới.

Tôi phải đọc thêm tài liệu, tham khảo ý kiến những bạn kỹ sư nhiệt, mua linh kiện, thiết bị điện tử cũ để về thử nghiệm... Cứ thế thử đi thử lại cho đến khi đạt yêu cầu. Để tạo ra 6 máy như bây giờ, tôi phải mất 4 - 5 năm", anh Huy nhớ lại.

Đi vào sản xuất, kinh doanh chưa được lâu thì dịch Covid-19 ập tới, cánh cửa xuất khẩu đóng sập lại. Vị CEO Halleluquyết định chuyển hướng từ bán hàng xuất khẩu sang nghiên cứu sản phẩm thông dụng với thị trường nội địa.

Son môi sôcôla ra đời và may mắn đã được nhiều bạn trẻ đón nhận. Điều đó đã khích lệ anh tiếp tục hình thành các ý tưởng mới. Không những tạo ra sản phẩm kết hợp với sôcôla đem lại giá trị cao hơn mà anh còn sẵn sàng chuyển giao công nghệ, dây chuyền sản xuất cho người Việt với giá rẻ bằng nửa, thậm chí 1/3 so với hàng nhập khẩu.

"Hallelu trong tương lai sẽ mở nhiều cửa hàng trên thế giới, phân phối nhiều máy sản xuất cho các tập đoàn lớn", vị CEO chia sẻ.

Cuối tháng 9 vừa qua, doanh nhân Nguyễn Hồng Huy vinh dự được tuyên dương tấm gương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ VII năm 2023, do Trung ương Đoàn tổ chức.

Tại Việt Nam, sản lượng hạt ca cao hàng năm đạt khoảng 4.500 tấn, chỉ chiếm khoảng 0,1% sản lượng của thế giới (hơn 4 triệu tấn/năm). Ca cao được trồng xen kẽ với các loại cây khác như điều, dừa, cây ăn trái tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại cuộc thi Salon du Chocolate tổ chức tại thủ đô Paris của Pháp (tháng 10/2013), hạt ca cao Việt Nam đã được bầu chọn là hạt ca cao tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương và tổ chức ca cao thế giới (ICCO) đã đưa Việt Nam vào danh sách những nước sản xuất ca cao hương vị tốt hàng đầu thế giới.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.