Gần chục năm trước, những kỹ sư, công nhân của dự án cụm công trình thủy cửa biển Lạch Giang (Nam Định) ngày đêm lăn lộn với sóng gió, tạo nên một công trình đường thủy đạt chất lượng quốc tế.
Công trình trị thủy cửa Lạch Giang nhìn từ trên cao. Ảnh: ST
Mở luồng cho tàu lớn từ biển về Hà Nội
Trong chuyến thực địa Hành lang đường thủy số 2 (Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình), PV Báo Giao thông ghi nhận trên luồng cửa biển Lạch Giang nhộn nhịp tàu biển cỡ nhỏ, tàu pha sông biển SB, tàu cá lưu thông qua lại.
Từ hướng biển, nhiều tàu SB, tàu sông loại lớn chạy sâu vào sông Ninh Cơ ở Nam Định, ngược theo dòng sông Hồng để cập các cảng, bến hàng hóa nằm hai bờ ven sông Ninh Cơ, sông Hồng từ Hà Nam đến Hà Nội.
Một số thuyền viên tàu SB Vinh Hiền 68 đang chờ bốc than lên một cảng thủy ven sông Ninh Cơ kể, các tàu SB từ Quảng Ninh, Hải Phòng về các cảng bến trên sông Ninh Cơ, sông Hồng đều đi theo ven biển và qua cửa Lạch Giang để rút ngắn thời gian, hành trình khoảng hơn 100km so với đi theo các tuyến sông.
Theo ông Trịnh Công Dương, Giám đốc cảng Long Thủy (sông Hồng, Hà Nam), chưa bao giờ vận tải thủy bằng tàu sông cỡ lớn, tàu SB từ tuyến ven biển Bắc - Nam vào sông Hồng lại thuận lợi như vậy. Nơi khó nhất là cửa Lạch Giang đã thông suốt vài năm nay, giờ trên tuyến chỉ còn đoạn Mom Rô (ngã ba sông Ninh Cơ - sông Hồng) hay bị cạn.
Khi đoạn này được nạo vét, tàu 2.000 - 3.000 tấn từ cửa Lạch Giang về đến Hà Nội không còn trở ngại nào.
Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nam Định Lê Minh Hiếu cho biết, từ cửa Lạch Giang vào sông Ninh Cơ gần chục km là luồng hàng hải, tiếp theo là đường thủy nội địa.
Trước đây, luồng tự nhiên ở cửa Lạch Giang nông, sóng gió phức tạp nên chỉ tàu vài trăm tấn qua được. Từ cuối năm 2015, khi dự án chỉnh trị cửa Lạch Giang hoàn thành đã tạo ra luồng tàu ổn định, ngày càng nhiều tàu biển, tàu SB cỡ 2.000 - 3.000 tấn lưu thông qua.
Thi công theo con nước, bất kể ngày đêm
Luồng tàu được xây dựng tại cụm công trình cửa Lạch Giang
Hành khách đi trên các chuyến bay từ Hà Nội vào miền Nam, nếu để ý sẽ quan sát được toàn bộ công trình nhân tạo ở cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ nối với biển) hiện nay.
Cụm công trình này gồm một luồng tàu dài chạy giữa hai đường đê nổi và một hình tam giác nhọn, có màu trắng nổi bật trên màu xanh nước biển, tựa như một cánh diều đang bay từ biển vào cửa sông.
Các kỹ sư Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ GTVT) cho biết, luồng tàu nhân tạo này có chiều dài 3,5km và rộng 110m. Đây cũng là công trình đường thủy duy nhất hiện có thể quan sát, chụp hình được từ máy bay.
Ông Dương Thanh Hưng, Giám đốc Ban QLDA đường thủy kể, dự án được khởi công từ tháng 2/2014 và đặt mục tiêu xong trong hai năm.
Tuy nhiên, khoảng 8 tháng đầu tiên, công trường vẫn vắng lặng. Địa hình cửa biển phức tạp, thời tiết từ tháng 3 đến tháng 6 gió mạnh, sóng lớn, luồng không đủ độ sâu cho phương tiện vận chuyển vật liệu máy móc thi công.
“Chúng tôi phải thương thuyết, động viên nhà thầu thi công chịu thiệt, tự bỏ kinh phí nạo vét để mở luồng cho phương tiện thủy lớn vào thi công. Sau khi thời tiết bớt phức tạp hơn, tiến độ thi công bắt đầu được đẩy lên.
Để tận dụng con nước thấp, toàn bộ công trường đã phải tổ chức thi công không kể ngày đêm. Thời gian thi công có thể bắt đầu vào bất kỳ giờ nào, có thể là 21h - 22h đêm, hoặc 1h - 2h sáng cho đến khi thủy triều dâng cao không thể thi công được nữa mới nghỉ”, ông Hưng nhớ lại.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó giám đốc Công ty CP Xây dựng và thương mại 299 kể, chưa từng có dự án đường thủy nào có địa hình thi công khó khăn, phức tạp và nguy hiểm như cửa Lạch Giang.
“Việc đưa phương tiện thi công vào công trường rất khó khăn, thiết bị lớn thì mắc cạn, nhỏ thì bị sóng đánh trôi, lật chìm. Tàu chở vật liệu đến công trường cũng chật vật, thường xuyên bị mắc cạn”, bà Dương nói.
Giải pháp táo bạo giúp tiết kiệm 15 triệu USD
Một đê chắn sóng tại cụm công trình cửa Lạch Giang
Ông Dương Thanh Hưng cho biết, dự án dùng hơn 100.000 khối bê tông Haro trọng lượng 2 - 3 tấn/khối, bê tông đúc sẵn, đá hộc cỡ lớn để đắp hơn 10km đê chắn sóng, kè mỏ hàn và nạo vét hơn 1,1 triệu m3 bùn cát để tạo luồng tàu và hình thành khu bãi bồi. Trong khi đó, cửa Lạch Giang nền đất yếu, sóng gió vô cùng phức tạp.
“Thách thức lớn của dự án là phải có giải pháp thiết kế thi công tối ưu để công trình không bị sụt lún, không bị chậm tiến độ. Ông Lê Huy Thăng, giám đốc tiền nhiệm của tôi đã có quyết định táo bạo, sáng tạo đột phá về giải pháp thiết kế thi công và đã đưa dự án về đích trước 1 tháng.
Đó là không nạo vét nền đất yếu để gia cố như đề xuất của tư vấn quốc tế, mà dùng các khối bê tông rỗng để ghép cuộn tạo hình vòm, chứ không ghép theo hình mái thẳng, góc vuông như các công trình khác. Theo đánh giá của chuyên gia quốc tế, giải pháp trên giúp tiết kiệm 15 triệu USD so với cách mà tư vấn quốc tế đưa ra”, ông Hưng kể.
TS. Bùi Việt Đông, Trưởng khoa Công trình thủy, Đại học Xây dựng cũng chia sẻ, từng tham quan dự án trong giai đoạn đầu thi công, ông không tin rằng cụm công trình cửa Lạch Giang hoàn thành đúng tiến độ và có tính thẩm mỹ cao.
“Sau khi dự án hoàn thành, tôi dẫn một đoàn đi khảo sát và khá bất ngờ. Nếu không thi công theo giải pháp được đơn vị quản lý dự án đưa ra, chắc chắn không thể có kết quả trên”, ông Đông nói.
Kể chuyện thời làm công trình trị thủy cửa Lạch Giang, ông Lê Huy Thăng, nguyên Giám đốc Ban QLDA đường thủy cho biết, ông được đào tạo chuyên ngành công trình thủy ở Liên Xô cũ và chọn đề tài công trình trị thủy cửa Lạch Giang làm đề tài nghiên cứu thạc sỹ ở Hà Lan nên rất tin vào giải pháp của mình.
“Đê chắn sóng được thiết kế giảm chiều cao và tăng chiều rộng, các khối bê tông rỗng Haro được đúc theo các kích thước phù hợp các vị trí và xếp theo hình cuộn tạo vòm.
Các công trình khác trên thế giới và trong nước đều xếp theo hình có cạnh thẳng, bẻ góc, nhưng tôi tin rằng giải pháp mới phát huy tối ưu tác dụng chắn sóng, cát, tạo sự ổn định, mềm mại và kiểm soát được việc duy tu công trình.
Thật vui vì công trình hoàn thành trước tiến độ, tạo luồng đường thủy ổn định và bãi đất bồi khu vực cửa Lạch Giang rộng khoảng 40ha. Dự án đảm báo chất lượng, không vượt dự toán và được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao về chất lượng và thẩm mỹ”, ông Thăng chia sẻ.
Cũng theo ông Thăng, nếu thi công theo giải pháp mà tư vấn quốc tế đưa ra chắc chắn sẽ cần thêm thời gian để thi công và đội chi phí 1,5 - 2 lần.
Cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang có chi phí xây dựng 75 triệu USD trong tổng số 170 triệu USD, vốn vay WB, nhằm tạo luồng đường thủy cho tàu 2.000 - 3.000 tấn lưu thông vào sông Ninh Cơ và lên đến Hà Nội, cảng Ninh Phúc (Ninh Bình, sau khi dự án kênh nối sông Ninh Cơ - Đáy hoàn thành).
Theo tính toán, tàu hành trình từ Quảng Ninh qua sông Đáy về cảng Ninh Phúc sẽ rút ngắn 20% thời gian di chuyển so với hiện nay.
Theo đánh giá của đoàn công tác WB, cụm công trình Lạch Giang có quy mô và mức độ phức tạp nhất ở VN và cả tầm quốc tế.
Cụm công trình đã được hoàn thành đúng thời hạn, không vượt dự toán và đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận