Chính trị

Ký ức cựu binh tàu không số được bác sĩ Đặng Thùy Trâm cứu sống

30/04/2024, 10:00

Ở tuổi 91, ký ức về một thời hoa lửa vẫn sáng rõ trong tâm trí cựu binh Trần Ngọc Tuấn, đặc biệt là lần được liệt sỹ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm cứu sống.

Trần Ngọc Tuấn, nguyên Chính trị viên kiêm Bí thư Chi bộ cả 3 tàu không số (43, 55, 56) là một trong những chiến sĩ may mắn thoát hiểm trên vùng biển Quảng Ngãi trong một lần chở vũ khí vào Nam. Ông cũng chính là người được bác sĩ Đặng Thùy Trâm nhắc đến trong phần mở đầu của cuốn nhật ký nổi tiếng.

Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh

Căn nhà cấp 4 ông sinh sống nằm sâu trong con hẻm ở đường Đặng Tất, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Cuối giờ chiều, ông vẫn cẩn thận với từng nét bút cho những trang cuối cùng cuốn hồi ký chiến đấu của mình. 

Ký ức cựu binh tàu không số được bác sĩ Đặng Thùy Trâm cứu sống- Ảnh 1.

Cựu chiến binh Trần Ngọc Tuấn đã 91 tuổi, vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông sắp viết xong cuốn hồi ký của mình về một thời hoa lửa.

Sinh ra và lớn lên ở xã Quế Thọ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng trai đất Quảng tình nguyện nhập ngũ. 

Cuối năm 1963, ông được điều về Đoàn 759 (Đoàn tàu không số) và đảm nhiệm chức danh Chính trị viên - Bí thư chi bộ các tàu không số mang mật danh 43, 55, 56.

Mỗi chuyến đi với ông luôn trong thế "3 sẵn sàng": Sẵn sàng đi - Sẵn sàng chiến đấu - Sẵn sàng hy sinh. 

"Không thể nhớ hết từng cuộc hải hành đưa vũ khí vào Nam của tàu không số. Nhưng trận đánh của tàu 43 tại vùng biển thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi khiến tôi nhớ nhất. Lúc đó, tàu được biên chế 17 cán bộ, thủy thủ", ông chậm rãi kể.

Thà chết, không để tàu rơi vào tay địch

Tàu 43 có nhiệm vụ vừa vận chuyển hàng, vừa phối hợp chiến đấu. Xuất phát vào đêm 27/2/1968, sau nhiều ngày vượt hiểm nguy, rạng sáng 1/3/1968, tàu chở 37 tấn vũ khí vào được vùng biển Quảng Ngãi (chiến trường Khu V). 

Ký ức cựu binh tàu không số được bác sĩ Đặng Thùy Trâm cứu sống- Ảnh 2.

Ông Trần Ngọc Tuấn (đứng thứ 4 từ trái sang) cùng 13 đồng đội của tàu không số mật danh 43.

Khi tàu đến cách thôn Quy Thiện khoảng 25 hải lý, bất ngờ bị địch phát hiện. Cả con tàu lọt thiên la địa võng với liên hoàn đạn pháo. 

Hai tàu cao tốc hung hăng lao đến, cách 300m thì các chiến sĩ trên tàu 43 nổ súng, một tàu dính đạn bốc cháy. Chiếc còn lại thấy vậy bẻ lái bỏ chạy. 

Sau đòn phủ đầu, tàu 43 dũng mãnh lao vào bờ. Pháo địch từ trên tàu bắn sang, trong bờ bắn ra, đạn trên máy bay bắn xuống, từng loạt tạo nên lưới hỏa lực tưởng như nhấn chìm chiếc tàu. 

"Lái tàu Võ Xuân Ruệ bị thương nặng, hai tay vẫn ghì chặt vòng lái cho tàu đi đúng hướng. Sau ít phút, anh ra đi trong vòng tay đồng đội. Y tá Võ Nho Tòng sau khi cứu chữa cho đồng đội cũng hi sinh", ông Tuấn bùi ngùi.

Trở lại với trận đánh, trên không dàn máy bay trực thăng HU-1A trút mưa đạn xuống để gỡ thế cho đám tàu hải quân địch. Bị pháo thủ 12,7mm của ta trên tàu khai hỏa, chốc lát 3 chiếc trực thăng đã bị rơi xuống biển. 

Con tàu bé nhỏ, với hỏa lực có giới hạn đã mưu trí chiến đấu vô cùng dũng cảm, trong một cuộc chiến không cân sức, nhiều giờ. Đến 4h45, tàu 43 đã vào gần bờ. 

Sau khi đưa được liệt sĩ vào bờ, cấp cứu người bị thương, trước vòng vây của địch từ dưới biển, trên bờ, trên không ngày càng khép chặt, chỉ huy tàu 43 quyết định đánh bộc phá hủy tàu. 

"Thời khắc ngặt nghèo đó, tôi cùng với hai thủy thủ Kiểm và Hoành đến hầm hàng, đặt bộc phá, định giờ 30 phút nổ, rồi cả ba bơi vào bờ. Không may Kiểm bị trúng đạn, đúng vào lúc sóng to. 

Hai người quay lại tìm nhưng không thấy, rồi dìu nhau vào bờ. Một tiếng nổ vang cả một vùng biển Đức Phổ, cột nước bốc cao, con tàu 43 đã về với biển khơi", ông Tuấn rưng rưng.

Mong ước của người cựu binh

Cán bộ, chiến sĩ tàu 43 sau trận đánh đó hầu hết bị thương đã dũng cảm phá vây, tìm cách liên lạc và được du kích thôn Quy Thiện giúp đỡ. 

 "Tôi còn sống đến ngày hôm nay là nhờ bác sĩ Đặng Thùy Trâm (nữ liệt sĩ nổi tiếng với cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" - PV) và bà con thôn Quy Thiện. Sau thời gian điều trị, các thành viên tàu 43 được đưa về Bắc để bước vào trận chiến mới.

Ký ức cựu binh tàu không số được bác sĩ Đặng Thùy Trâm cứu sống- Ảnh 3.

Cựu chiến binh Trần Ngọc Tuấn thắp hương trên bàn thờ Bác Hồ tại nhà riêng.

Chia tay, chị Trâm đã viết: "Vậy là chiều nay, các anh lên đường, để lại cho mỗi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. 

Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: Những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương...".

Ông Tuấn kể, sau 9 chuyến hải hành vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí vào miền Nam, năm 1971, dù rất muốn tiếp tục ở lại chiến đấu, nhưng tổ chức đề nghị ông chuyển ngành để làm nhân chứng lịch sử cho đoàn tàu không số sau này. 

Chuyển về Trường đại học Thủy sản Nha Trang, ông làm cán bộ phòng tổ chức. Năm 1979, khi chiến tranh biên giới nổ ra, ông được điều về Trung tâm giáo dục quốc phòng của trường để làm công tác huấn luyện quân sự cho sinh viên. Đến năm 1986, ông nghỉ hưu theo chế độ.

Về hưu, ông vẫn miệt mài tham gia hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi ở địa phương. Đến nay, dù hơn 90 tuổi ông vẫn theo dõi tình hình thời sự, nắm bắt mọi chủ trương, chính sách để giáo dục con cháu và tuyên truyền cho mọi người.

Vợ ông Tuấn năm nay 83 tuổi cũng là cựu thanh niên xung phong chống Mỹ, hoạt động dọc tuyến lửa miền Tây Nghệ An đến Quảng Bình. 

Cùng chiến đấu trong bom đạn, sau cả hai công tác cùng trường rồi nên duyên. Ông bà có với nhau ba người con, người công tác ngành hải quan, người làm giáo viên.

Tiễn phóng viên ra về, tay cầm tập hồi ký viết sắp xong, người cựu binh già chia sẻ: "Tôi chỉ có một ước nguyện, những dòng nhật ký của mình sẽ đến được tay các chiến sĩ đang ở Trường Sa để giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí bất khuất của người lính Hải quân Nhân dân Việt Nam". 

Cả 3 tàu không số (tàu 43, 55, 56) mà ông Trần Ngọc Tuấn từng làm Chính trị viên kiêm Bí thư Chi bộ đều đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hai đồng đội ở tàu 43 là thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng và thuyền phó Sáu Đức cũng đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng. Bản thân ông Tuấn cũng được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý.

Dịp Kỷ niệm 50 năm truyền thống Quân chủng Hải quân (7/5/1955 – 7/5/2005) và Kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 – 23/10/2011), ông Tuấn là một trong những cá nhân được mời báo cáo những thành tích của bản thân cùng đồng đội.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.