Xã hội

Ký ức những nhà báo xung kích trên mặt trận biên giới 1979

17/02/2022, 13:06

43 năm trước, các cán bộ, công nhân Đoàn Địa chất 305 đã anh dũng đánh bật nhiều đợt tấn công, góp phần bảo vệ biên giới phía bắc Tổ quốc.

Nhóm phóng viên đăng ký xung phong lên mặt trận

Đầu tháng 3/1979, nhóm phóng viên chúng tôi được lệnh về Bát Xát, Lào Cai của Hoàng Liên Sơn để viết về gương chiến đấu kiên cường của các cán bộ, công nhân Đoàn Địa chất 305 thuộc Liên Đoàn địa chất III đã bám trụ tại Mỏ đồng Sin Quyền - nơi khởi đầu đoạn sông Hồng chảy vào đất Việt.

Mặc dù lực lượng chênh lệch nhưng những tay súng tự vệ của người thợ địa chất đã đánh bật nhiều đợt tấn công của quân Trung Quốc xâm lược bắt đầu từ mờ sáng 17/2/1979.

Một trong những tay súng tự vệ ấy là liệt sĩ Nguyễn Bá Lại, người sau này được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.img

Nhà bia tưởng niệm tại mỏ đồng Sin Quyền (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai)

Chuyến đi chỉ là đăng ký xung phong của từng báo, thế mà Tổng cục Địa chất đã nhanh chóng lựa được một nhóm phóng viên đi mặt trận. Đó là Long Sơn, phóng viên ảnh và Đức Đệ, phóng viên tin của TTX Việt Nam; Văn Tuệ, Đài Truyền hình Trung ương; Phạm Thị Sửu - tức Phạm Hồ Thu, phóng viên Báo Nhân Dân; Nguyễn Hiếu, phóng viên Đài TNVN và tôi, phóng viên Xuân Ba của Báo Tiền Phong...

Trước ngày lên đường, Tổng biên tập Đinh Văn Nam hỏi tôi có gặp khó khăn gì không? Tôi nghĩ, khi ấy ai chả có khó khăn? Riêng tôi, thằng con mới sinh chưa đầy tháng đau yếu, sài đẹn ở với mẹ nó tại công trường thủy điện Sông Đà rất cần sự có mặt, chăm sóc của cha. Nhưng công việc thì phải đi.

Chật vật đường lên trận địa

Gập ghềnh, lắc lư trên chiếc xe tải hoán cải lèn chặt ứ người, chập tối đoàn nhà báo mới từ Hà Nội bò về được Phú Thọ. Lo được bữa cơm dở sống dở khê, cả đoàn mệt bã người, díp mắt lại. Nhưng vẫn phải làm việc với anh Đỗ Cao Nhân Liên, Đoàn phó Liên Đoàn địa chất III để nghe qua về tình hình.

Liên Đoàn địa chất III được thành lập ngày 31/10/1977, có nhiệm vụ tìm kiếm thăm dò khoáng sản vùng Tây Bắc, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Sơn Bình, Sơn La...

Đoàn 305 đóng ở Bát Xát (mỏ đồng Sinh Quyền) thành lập năm 1958. Đơn vị đã đứng chân dọc biên giới Việt Trung dài 40 km. Thời điểm đó, Đoàn 305 đã có 11 người hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ khảo sát địa chất bởi địa hình hiểm trở và sốt rét tật bệnh.

img

Lệnh Tổng động viên trong cả nước để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược

Mờ sáng sau, đoàn phóng viên lại gập ghềnh về Yên Bái. Chấp hành lệnh, chúng tôi để lại thẻ nhà báo và các giấy tờ cá nhân cần thiết tại trụ sở Liên Đoàn địa chất III rồi lặng lẽ ngược về Bát Xát, Lào Cai.

Tình hình lúc này ất phức tạp, khó khăn. Thám báo quấy phá, bộ đội, dân quân xuất hiện ở mỏ đồng Sin Quyền chỉ cách biên giới mấy chục thước thường bị bắn lén. Mìn các loại còn giăng đầy.

Đường ngược Bát Xát có lúc xe phải nhích từng đoạn ngắn vì rất xấu. Có đoạn phải xuống tăng bo cuốc bộ. Con đường độc đạo lên Lào Cai như oằn trĩu sức nặng các đoàn xe pháo của những cánh quân bạt ngàn ngày đêm nhích dần lên biên giới.

Không hề sáo rỗng và lạc điệu khi chúng tôi nhắc lại câu: "Đường ra trận mùa này đẹp lắm". Đâu đó vang vang ca khúc mới phổ biến của nhạc sĩ Phạm Tuyên: "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới/Gọi dân ta vào cuộc chiến đấu mới…"

Xuôi, ngược hay cùng chiều, dân và lính luôn vẫy chào nhau hò hét như những người thân.

img

Tác giả Xuân Ba (bên phải ảnh) chia sẻ cùng nhạc sỹ Phạm Tuyên kỷ niệm chuyến công tác trên mặt trận biên giới 43 năm trước

Sợ hãi và tự hào

Không thể nhận ra một Lào Cai xinh xẻo ngày nào. Long Sơn nhảy xuống bấm máy chuyên dụng toanh toách. Lèn giữa những khuôn mặt thân quen, tôi dấy lên cảm giác ấm áp lẫn háo hức, hồi hộp.

Rồi cũng đến. Theo lệnh, để nghe ngóng động tĩnh, chúng tôi ngồi thụp xuống căn hầm chữ A còn sót lại tại khu vực trung tâm Đoàn địa chất 305 đứng chân ngó bốn bề khung cảnh bình địa quang lâng.

Nghe nói trước đây là xôm tụ nhà cửa lán trại, khu thí nghiệm cùng những vườn rau tăng gia. Đoàn 305 đứng chân ở đây từ đầu những năm 60 dần dà hình thành một xóm thợ yên bình. Bây giờ mọi thứ đều bằng địa, sạch bách.

Bi, hùng là một cách nói khác đi của nỗi sợ và tự hào đương choán lấy cảm giác anh em chúng tôi khi ấy.

Sợ bởi anh em địa chất mình bất ngờ rơi vào tình thế đơn thương độc mã chỉ với cơ số đạn ít ỏi của súng trường K63 và K44 cùng vài chục quả lựu đạn mà phải liên tục chống trả các đợt tấn công với chiến thuật biển người của quân Trung Quốc xâm lược. Rồi không có quân tiếp viện lẫn phối hợp của bộ đội chủ lực.

Và cũng tràn dâng cảm giác tự hào rằng những người thợ khoan, thợ kỹ thuật địa chất lần đầu bất đắc dĩ lâm vào thế trận mạc bắt buộc phải cầm lấy cây súng!

Bây giờ khi ngồi gõ lại theo những dòng mực bút bi lia rất tháu vì vội, bất giác dấy lên cảm giác thân thương khi vuốt lại những trang trong cuốn sổ biên việc đã xuộm vàng. Vậy là đã tròn, đã qua 43 năm…

Trước thời điểm lên Bát Xát, chúng tôi gần như đã thuộc nằm lòng những dòng thông báo báo chí ngắn ngủi của Tổng cục Địa chất về tấm gương chiến đấu hy sinh của kỹ sư Nguyễn Bá Lại - Trưởng phòng Kỹ thuật kiêm Trung đội trưởng tự vệ của Đoàn địa chất 305.

Nguyễn Bá Lại đã dũng cảm, mưu trí cùng đồng đội đẩy lùi nhiều đợt phản công của quân xâm lược bao vây khu mỏ đồng Sin Quyền nằm ở khu vực biên giới xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai) ngày 17/2/1979.

Đặc biệt, kỹ sư Nguyễn Bá Lại đã trực tiếp tiêu diệt 7 tên địch, thu 1 khẩu súng AK và lấy thân mình che quả lựu đạn đang xì khói sắp nổ mà địch ném vào trận địa của ta.

Kỹ sư Nguyễn Bá Lại đã anh dũng hy sinh tại chỗ nhưng bảo vệ an toàn cho 6 đồng đội cùng chiến hào, đồng thời góp phần cùng đồng đội đảm bảo cho hơn 300 người, phần lớn là người già và trẻ nhỏ, rút lui về hậu cứ an toàn cùng với toàn bộ tài liệu quý là những kết quả khảo sát, thăm dò mỏ đồng Sin Quyền.

img

Bia ghi danh 50 các anh hùng, liệt sĩ đoàn địa chất 305 hy sinh trong khi làm nhiệm vụ khảo sát địa chất và trong cuộc chiến ngày 17/2/1979

Trích từ sổ tay, có thể thấy, tổng số cán bộ, công nhân viên của Đội 305 lúc ấy gồm 438 người. Có 235 cháu nhỏ, 83 chị 7 chị chưa có gia đình có 235 đoàn viên thanh niên. Tất cả đã thành lập 1 tiểu đoàn tự vệ biên chế thành 4 đại đội và 3 trung đội độc lập, khu Đoàn bộ có hệ thống hầm chữ A cách biên giới chỉ 30 mét.

Ngày 14, 15, 16, có hiện tượng khiêu khích, buổi tối chúng tập kích nhỏ lẻ. Mờ sáng 17/2, sau 30 phút dồn dập pháo 105 và 130 ly, các cánh quân cỡ ba trung đoàn chia làm 3 mũi tiến vào 1 mũi tập sườn phía sau. Chỉ trong chốc lát Đoàn 305 rơi vào thế bị vây hãm toàn bộ.

Nhưng một mũi gặp chốt kỹ thuật đánh trả quyết liệt; một mũi bị đại đội cơ quan khống chế; một mũi bị tự vệ trạm xá ghìm chân. Một cánh bị tự vệ cơ khí đánh bật. Một cánh khác bị tự vệ đội xe chỉ có 3 người nhưng kiên cường chống trả. Một cánh rất đông bị trung đội đời sống khống chế.

Đột ngột im ắng một lúc. Bất ngờ vang lên mồn một tiếng loa pin. Tất cả sững sờ khi nghe rõ tiếng tên Xuyến, kế toán trưởng HTX Vĩ Kim vanh vách gọi tên từng tiểu đội trưởng, trung đội trưởng và nhiều tự vệ khác ra hàng sẽ được hưởng lượng khoan hồng.

"Này anh Khung lái xe con. Anh Lục lái xe téc. Vợ con các anh đang chờ. Bỏ súng ra hàng đi!", tên Xuyến gào qua loa.

Không ai ra hàng. Chỉ có tiếng súng K63, K44 và lựu đạn chọi lại.

Nhưng lần lượt các chuyên trách công đoàn Đoàn Thanh niên hy sinh. Thương vong cho cả hai phía. Sau trận đánh, địch trả thù dữ dội, dùng mìn phá nát nhà cửa công sự. Gốc đa cổ thụ chỗ Đoàn bộ cũng bị tưới xăng, đốt lửa, khói từ thân cây nghi ngút hơn nửa tháng trời.

Đêm khó quên trên mặt trận khói lửa

Cậu trinh sát dẫn đoàn nhà báo theo lối mới mở đất đá còn tơi tả, biến dạng, luôn miệng dặn dò "tránh đạp phải mìn". Cả đoàn đang căng thẳng bất thần giật nảy cả mình bởi hai phát súng K44 nổ rất gần. Theo phản xạ, cả đội bệt xoài ra rất nhanh. Nhưng tiếng cười của anh tự vệ khiến tất cả vội đứng dậy.

Trước mắt chúng tôi một con bò đang nằm giãy giụa. Hỏi ra mới biết, phong trào tăng gia chăn nuôi của Đoàn địa chất 305 rất khá. Chị em nuôi được hơn trăm con bò theo phương thức thả đàn, còn lợn gà không kể. Sau ngày 17/2, mọi thứ mất sạch. Đám bò sợ bom đạn biến đâu hết, nãy vừa may có mấy con lạc vào khúc quanh này, nên cậu tự vệ đã nhanh tay hạ để cải thiện bữa chiều.

Bữa cơm dã chiến bên bếp lửa ở căn nhà hai tầng bị đạn pháo tiện mất tầng hai, còn sót lại tầng một. Con bò lạc bắn được gầy và thịt dai nhách, nhưng trong hoàn cảnh này là cao lương mỹ vị.

Chuyện một hồi rồi cả đoàn chia nhau đi ngủ. Đang say giấc không biết trời đất gì thì tôi bị lay dậy. Giọng anh trinh sát nhỏ nhưng đanh: "các đồng chí nhà báo thông cảm, chúng ta ở đây không an toàn, phải tạm sơ tán…"

Hóa ra trong lúc cả bọn đang say giấc, anh lính ôm súng ngồi gác, canh lo cho cả đoàn. Thế là mò mẫm trong màn đêm, không được dùng đèn pin, chúng tôi ôm theo chăn đi chừng nửa cây số đến một khu lán trại tạm bợ.

Đến lán trại cũng không được đốt lửa và dùng đèn pin, không nói chuyện to. Nhưng sao vẫn có âm thanh cáu bẳn phát ra từ chỗ Nguyễn Hiếu, sau là tiếng cười của Phạm Hồ Thu. Thì ra là rệp đầy khu lán trại.

Nhưng sức trẻ khiến lũ rệp cũng không thể phiền hà. Cả đoàn lại nhanh chóng say ngủ và chỉ bừng tỉnh khi nghe những tiếng nổ đinh tai liên tiếp.

Sau 43 năm, âm thanh kinh hoàng xé toang cơn ngủ ở vùng biên viễn Bát Xát, Lào Cai vẫn chưa lặng hẳn trong tâm trí những người làm báo năm ấy. Chất giọng đanh sắc của đồng chí bộ đội trong đêm: "Các đồng chí nằm yên, bình tĩnh chờ lệnh tôi!"

Sáng dậy, anh lính trinh sát mới cho biết: Sự xuất hiện của tốp nhà báo; con bò bị bắn; bữa cơm chiều hơi bị huyên náo và cả ngôi nhà hai tầng sót lại một tầng hình như đã nằm trong tầm ngắm của lũ thám báo.

Ngó lại ngôi nhà hai tầng chiều qua còn què quặt, trong ánh ngày buổi mai mới rạng thoắt tan tành thê lương không còn một mảnh tường nào nguyên vẹn bởi đạn xuyên B40 và lựu đạn ai nấy đều xuýt xoa kinh hoàng cùng cảm phục cho sự trù liệu của đồng chí trinh sát thân yêu!

43 năm! Thế mà nhóm công tác thoát chết ngày ấy vẫn chưa có một cuộc tụ lại?

img

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Hiếu, nguyên phóng viên Đài tiếng Đài Tiếng nói Việt Nam

Trao đổi với PV Báo Giao thông, nhà báo, nhà văn Nguyễn Hiếu (nguyên phóng viên Đài tiếng Đài Tiếng nói Việt Nam) nhớ lại, hơn 10 ngày tác nghiệp tại chiến trường biên giới phía Bắc năm 1979 là những kỷ niệm không thể phai mờ trong cuộc đời làm báo của ông.

Theo ông Hiếu, dù đã tác nghiệp trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không 1972" ở Hà Nội, nhưng tác nghiệp ở chiến trường đúng nghĩa thì phải là chuyên công tác hơn 10 ngày tại mặt trận biên giới ở Lào Cai.

"Chúng tôi đã chứng kiến những tiếng nổ vang trời, mưa bom, bão đạn. Lúc đó, sự sống và cái chết thật mong manh. Phải sống trong những khoảnh khắc đó thì mới thấy được giá trị của hòa bình như thế nào", ông Hiếu chia sẻ.

Theo nhà báo Nguyễn Hiếu, chuyến công tác trong cuộc chiến biên giới phía Bắc cho thấy được sự trung kiên, dũng cảm và tinh thần bất khuất của quân và dân ta.

"Hình ảnh anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Bá Lại cầm súng tự vệ đến khi trút hơi thở cuối cùng là một trong vô vàn những minh chứng cho sự bất khuất, trung kiên của quân và dân ta trong cuộc chiến bảo vệ nền độc lập, biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.

Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng những năm tháng gian khổ, oai hùng của dân tộc trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới chính nghĩa vẫn còn vang vọng mãi trong nhiều thế hệ con dân đất Việt", ông Hiếu nói.

Phùng Đô

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.