TP.HCM xuất hiện hệ thống giao thông 3 tầng ở các khu vực như hầm chui An Sương, sắp tới là cầu vượt khu vực vòng xoay Mỹ Thủy… Ảnh: Dân Việt |
Đến nay, 43 năm sau ngày giải phóng và hơn 30 năm thực hiện đổi mới phát triển cùng đất nước, TP Hồ Chí Minh luôn thể hiện được vị trí trung tâm kinh tế, “người dẫn đầu” khi đóng góp hơn 22% GDP và khoảng 28% tổng thu ngân sách quốc gia.
Thành phố cũng đã mở rộng 2.095km², lớn hơn 30 lần so với đô thị Sài Gòn trước năm 1975 (67,5km²) với hàng loạt khu đô thị khang trang, công trình giao thông hiện đại như: Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Đại lộ Đông Tây, cầu Phú Mỹ, hầm Thủ Thiêm, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất... Và nay đang nỗ lực xây dựng tuyến metro hiện đại đầu tiên Bến Thành - Suối Tiên.
Song trên hành trình trở thành một siêu đô thị thông minh (dân số trên 10 triệu người), thành phố từng được xem là “Hòn ngọc Viễn Đông” trước đây đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết, thậm chí nguy cơ tụt hậu. Làm gì để TP HCM lớn mạnh, xứng với vị thế “người dẫn đầu”, xứng đáng với thành phố mang tên Bác, nhất là trong xu thế các thành phố trong khu vực đang phát triển như vũ bão nhờ tận dụng được thành tựu cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu.
Bằng Nghị quyết 54 ngày 24/11/2017, Quốc hội, cơ quan đại diện cho “ý Đảng, lòng dân” đã cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù có tính bao trùm cả 5 vấn đề quản lý phát triển như: Đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách, ủy quyền và thu nhập. Đó được xem như nguồn sung lực mới, mở ra cơ hội đột phá phát triển cho trung tâm kinh tế lớn nhất nước.
Đây cũng là cơ hội để TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng, xây dựng thành phố thông minh. Người dân trông mong và kỳ vọng cuộc sống sẽ tốt hơn, khi cơ chế mới thực sự là đòn bẩy, tiếp sức để thành phố không chỉ là “người dẫn đầu” của cả nước, mà còn bứt phá để có thể theo kịp và tiến tới dẫn đầu trong khu vực.
Nói như Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân: “Nghị quyết 54 là sự tin cậy của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân cả nước đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác, cũng là yêu cầu thành phố phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn vì cả nước”.
Nhưng xét cho cùng cơ chế đặc thù cũng “không phải là cây đũa thần” cứ có là phát triển, là lớn mạnh, nếu thành phố không chủ động nắm lấy thời cơ, cơ hội để biến nó trở thành những chương trình, kế hoạch và hành động cụ thể. Hơn thế, cơ chế đặc thù chỉ thí điểm trong vòng 5 năm tới nên nó còn đòi hỏi những nhà lãnh đạo cần có cả trí tuệ, quyết đoán và quyết tâm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận