Xã hội

Lạ lùng dự án ở miền núi nhưng... "đói" đất đắp

20/03/2023, 15:59

Nhiều dự án đầu tư công tại các huyện miền núi Quảng Ngãi không có đất đắp trong khi đồi núi rộng thênh thang là nghịch lý tồn tại lâu nay.

Dự án ở miền núi nhưng “đói” đất đắp

Huyện miền núi Sơn Hà, một trong số các địa phương đang được tỉnh Quảng Ngãi tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng về giao thông, thủy lợi, các công trình về giáo dục, y tế... để sớm đưa huyện vùng cao này trở thành “trung tâm” của các huyện miền núi.

img

Nguồn vật liệu đất đắp đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác thi công ở các huyện miền núi Quảng Ngãi

Thế nhưng, thực tế tại các dự án lại đang gặp rất nhiều vướng mắc về nguồn vật liệu, các nhà thầu phải “gồng mình” tìm đất đắp dù vây quanh các dự án là đồi núi trùng điệp.

Tại dự án cầu Linh Giang, một trong những công trình trọng điểm của huyện Sơn Hà nhưng tiến độ dự án đang gặp khó khăn khi nguồn vật liệu cơ bản phục vụ thi công dự án là đất đắp lại là rào cản.

Cụ thể, dự án này có nhu cầu đất đắp lên đến khoảng 100 nghìn m3. Song, địa phương chỉ có một mỏ đất được cấp phép khai thác là mỏ đất Nước Rạc, thị trấn Di Lăng, nhưng độ K (độ chặt) của mỏ đất không đảm bảo để thi công đầm nén. Đồng thời, cự ly mỏ quá xa so với công trình (khoảng 15km) nên nhà thầu cũng không mặn mà, bởi lẽ chi phí tính vào cước vận tải quá lớn nên thi công sẽ lỗ. Điều này dẫn đến công tác thi công dự án “có vấn đề”, nhất là không thể về đích trong năm 2022 như kế hoạch đề ra.

Không chỉ dự án trên mà tại huyện miền núi này còn nhiều công trình, dự án khác cũng đang trong tình trạng “đói” đất đắp đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ, công tác giải ngân vốn đầu tư.

Tại địa phương này từng xảy ra trường hợp dự án cầu sông Rin cũng rơi vào cảnh… dang dở khi thiếu hụt nguồn đất đắp, nhất là đất K95 và K98. Điều này dẫn đến dự án “treo” sau nhiều tháng trời và chỉ được “giải cứu” nguồn đất đắp từ một điểm cải tạo có tận thu đất đồi làm vật liệu san lấp thông thường.

img

Nguồn vật liệu đất đắp đang là rào cản đối với nhiều dự án đầu tư công tại các huyện miền núi Quảng Ngãi (Trong ảnh: Nhà thầu sử dụng nguồn đất đắp thi công đường dẫn cầu Linh Giang)

Tại huyện Trà Bồng, tình trạng thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp càng nghiêm trọng hơn khi địa phương này không hề có một mỏ đất nào được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác. Duy nhất chỉ mỏ đất Núi Hòn Gió, thôn 5, xã Trà Thủy với quy mô 2ha, do Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Kỳ Anh đăng ký thực hiện đang trong giai đoạn khảo sát.

Lãnh đạo BQL Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Trà Bồng cho biết, hiện địa phương đang và sẽ triển khai hàng loạt dự án lớn như khu dân cư Đồng Trổi - Đồng Trảy, Đồi Sim, Ngõ Đồn 2, cầu Suối Mang 3… song đến giờ các dự án này đều thiếu hụt nguồn đất đắp.

Theo UBND huyện Trà Bồng, thực trạng thiếu nguồn vật liệu đất đắp đang đặt ra nhiều vấn đề về tiến độ, tính hợp pháp của các dự án. Do đó, địa phương này đã có công văn gửi UBND tỉnh “tha thiết” có chủ trương để huyện có được mỏ đất hợp pháp nhằm phục vụ thi công các công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn.

Ngoài hai địa phương trên, ở các huyện miền núi khác tại Quảng Ngãi như Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long cũng đang “mệt mỏi” khi thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp dù tại nhiều công trình núi đồi bao quanh.

Ông N.V.C, chủ một doanh nghiệp tham gia thi công nhiều công trình tại các huyện miền núi Quảng Ngãi thở dài: Nếu như ở đồng bằng thiếu đất đắp là chuyện muôn thuở, thì chuyện ở miền núi thiếu đất đắp lại là chuyện tưởng như như nghịch lý nhưng có thật.

“Để thi công dự án, nhà thầu phải vận dụng đủ đường mới có nguồn vật liệu thi công. Ai cũng nghĩ miền núi nhiều đất nhưng ngược lại núi đồi bao la nhưng chỉ để nhìn vì không được cấp phép. Nghịch lý này tồn tại nhiều năm rồi nhưng chưa được tháo gỡ. Do đó, nhà thầu cũng ít mặn mà thi công các dự án ở miền núi”, ông C. nói.

Vì sao?

Chuyện các dự án ở vùng cao Quảng Ngãi thiếu nguồn vật liệu đất đắp trong khi núi đồi trùng điệp đặt ra một vấn đề trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương này. Bởi lẽ, nếu không có đất đắp, công trình đang triển khai chậm đi, tính hiệu quả của dự án sẽ không thể đạt được như mục tiêu ban đầu khi mà tiến độ chậm cũng đồng nghĩa dự án chậm đưa vào khai thác.

Một lãnh đạo UBND huyện Sơn Tây thừa nhận: Đất đai, đồi núi mênh mông, song việc cấp phép khai thác mỏ lại là chuyện… rất khó. Ở đây không phải huyện, tỉnh không có chủ trương mà do doanh nghiệp không mặn mà làm mỏ.

img

Tiến độ thi công các dự án đang gặp nhiều trở ngại vì thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp (Trong ảnh: Dự án cầu Cầu Suối Mang 3, thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng phải tận dụng nguồn đất đắp dư thừa từ một dự án khác)

“Để ra giấy phép khai thác một mỏ đất tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp, song giá dự toán đất đắp trong các quyết định chủ trương đầu tư lại quá thấp. Thêm vào đó nhu cầu sử dụng vật liệu thi công của các công trình không lớn và các dự án nhỏ lẻ, nằm rải rác tại nhiều xã, cự ly vận chuyển xa nên nhiều DN dù muốn nhưng không đăng ký làm mỏ vì nguy cơ lỗ hiện ra trước mắt”, vị cán bộ này cho hay.

Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Trà Bồng Phạm Ngọc Tuấn cho biết, để đảm bảo nguồn đất đắp, huyện phải linh hoạt trong triển khai, theo đó sẽ xin chủ trương sử dụng nguồn vật liệu dư thừa tại một số dự án để chuyển sang san lấp tại một số dự án thiếu hụt nguồn đất. Tuy vậy, đấy cũng chỉ là giải pháp tình thế vì rất ít khi các dự án lân cận mà dự án dôi dư còn dự án kia lại thiếu.

Đại diện Sở TN&MT Quảng Ngãi cho biết, hiện tại tỉnh đã đưa vào quy hoạch rất nhiều mỏ khoáng sản trên địa bàn các huyện miền núi để phục vụ công tác đầu tư, thi công các dự án tại chỗ, trong đó có đất đắp. Song, đến giờ số DN đăng ký khảo sát và đề nghị cấp phép thực hiện thủ tục để ra mỏ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có địa phương không doanh nghiệp nào đăng ký.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.