Việc lái xe phải có thẻ định danh sẽ mang lại nhiều lợi ích - Ảnh: Tạ Tôn |
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ có điểm đáng quan tâm là trước 1/1/2018, lái xe phải có thẻ nhận dạng (hay còn gọi là thẻ định danh). Việc lái xe phải có thẻ định danh sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp doanh nghiệp quản được lái xe trên suốt hành trình trên đường, các cơ quan chức năng cũng nắm rõ hồ sơ, lý lịch xuyên suốt của lái xe, giúp kiểm soát và đảm bảo ATGT thuận lợi hơn.
Nhiều lợi ích
Từ năm 2011, Chính phủ quy định phương tiện kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) để kiểm soát các lỗi lái xe liên quan đến hành trình, tốc độ, thời gian lái xe liên tục và thời gian lái xe trong ngày. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ VN, đến nay, hầu hết xe kinh doanh vận tải trên địa bàn cả nước đã được lắp thiết bị này.
"Đầu đọc thẻ gắn trực tiếp vào TBGSHT. Đây là thiết bị trung gian kết nối, giải mã giữa thẻ lái xe với thiết bị giám sát. Khi lái xe thứ nhất điều khiển xe đủ thời gian quy định (4 tiếng) thiết bị sẽ cảnh báo và yêu cầu thay đổi tài xế. Khi đó, tài xế phải dừng hẳn xe và quẹt thẻ vào đầu đọc thẻ để lưu lại các thông số về tài xế kế tiếp cũng như hành trình xe chạy. Mỗi thẻ lái xe có một mã số riêng, ghi đầy đủ thông tin về tài xế”. Ông Nguyễn Trường Giang |
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Công Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN), hiện khó kiểm soát giờ lái xe của tài xế thông qua TBGSHT. Bởi muốn kiểm soát giờ, lái xe phải có thẻ quẹt mỗi khi thay ca. Hiện tại, mới chỉ quản lý qua hình thức nhắn tin, mà như vậy ai cũng có thể nhắn được. “Do không có đầu đọc thẻ trong TBGSHT nên việc nhắn tin để xác nhận thông tin của lái xe gặp khó khăn. Vì vậy, việc quy định lái xe phải có thẻ nhận dạng để trước khi khởi hành phải quẹt thẻ vào đầu đọc đã được tích hợp vào TBGSHT theo QCVN31:2014/BGTVT là rất cần thiết”, ông Thủy nói và cho biết, các thông tin về lý lịch, lịch sử lái xe của tài xế sẽ giúp doanh nghiệp quản lý được lái xe trên đường có đúng lái xe của mình không, có thực hiện đúng thời gian lái xe theo quy định không. Việc này còn tạo điều kiện để cơ quan quản lý tuyến xác định được lái xe có tuân thủ các quy định về thể lệ vận tải hay không.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Đình Cương, Giám đốc điều hành Công ty CP Xe khách Bắc Sơn (Sơn La) cho biết, đơn vị có 20 xe khách chuyên chạy tuyến từ Hà Nội - Điện Biên. Toàn bộ các xe đã được lắp đặt đầu đọc thẻ lái xe trên TBGSHT. Hiện, lái xe của đơn vị đều đã có thẻ định danh để doanh nghiệp kiểm soát. “Việc lái xe có thẻ định danh thực sự mang lại tiện ích cho doanh nghiệp, chúng tôi có thể quản lý tốt hơn. Nếu tài xế vi phạm sẽ kịp thời nhắc nhở để đảm bảo ATGT trong quá trình lưu thông trên đường”, ông Cương nói.
Anh Nguyễn Hữu Châu, lái xe Công ty CP Xe khách số 1 Sơn La chia sẻ: “Trước đây, khi thay đổi tài xế trong quá trình lái, chúng tôi phải nhắn tin theo cú pháp mà đơn vị cung cấp TBGSHT đưa ra để xác nhận. Tuy nhiên, nhiều khi mải lái xe quên mất thời gian nhắn tin thành ra vi phạm quy định của công ty. Hơn nữa, để TBGSHT ghi nhận đã đổi tài thì cần dừng xe và nghỉ khoảng 20-30 phút thiết bị này mới có thể tiếp nhận được, nhiều khi ảnh hưởng đến thời gian tới bến. Nếu có thẻ, lái xe chỉ cần dừng và quẹt vào đầu đọc là TBGSHT nhận ra việc đổi tài xế, rất thuận tiện”.
Cần có phần mềm chung
Nói thêm về quy định mới này của dự thảo Nghị định 86, ông Đỗ Công Thủy cho biết, việc lái xe phải có thẻ nhận dạng là để phù hợp với việc nâng cấp TBGSHT nhằm tận dụng tối đa các ứng dụng trong thiết bị. Các thiết bị cũ theo QCVN31:2011/BGTVT sẽ phải nâng cấp lên phù hợp với quy chuẩn mới QCVN31: 2014/BGTVT về TBGSHT. “Thiết bị quy chuẩn cũ phải bổ sung phần cứng đầu đọc thẻ lái xe, nâng cấp thiết bị để có thể ghi nhận tốc độ phương tiện theo từng giây và bảng hướng dẫn sử dụng. Để tạo điều kiện cho các đơn vị vận tải, Bộ GTVT cho phép các TBGSHT quy chuẩn cũ lắp đặt trước ngày 15/4/2015 được gia hạn nâng cấp đến trước ngày 31/12/2017”, ông Thủy cho biết.
Ở góc độ khác, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho rằng, việc có kiểm soát được hay không còn nhiều vấn đề khác nữa. Trong một xe có hai lái xe, một lái xe có thể cầm cả hai thẻ, hết ca lại lấy thẻ của người kia để quẹt, coi như đã thay lái mới mà không ai kiểm soát được. Nếu lái xe không có ý thức về an toàn thì một xe có hai lái, thậm chí 3 lái nhưng vẫn chỉ có 1 lái xe điều khiển. “Vì vậy, cần xây dựng một phần mềm như “hộp đen” chuẩn, khi cần kiểm tra, lực lượng CSGT rút thẻ của lái xe và kiểm tra qua “hộp đen” sẽ biết xe chạy tốc độ bao nhiêu, có dừng đỗ, chạy đúng hành trình không”, ông Hải đề xuất.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, để quản lý hiệu quả TBGSHT phải lắp đặt thêm bộ phận nhận diện, quẹt thẻ. “Việc có thẻ nhận dạng là cần thiết để kiểm soát chặt lái xe. Không thể để tình trạng nhiều người không có GPLX cũng nhảy lên lái xe, gây mất ATGT”, ông Thanh nói. Trước lo lắng lái xe vẫn có thể mượn thẻ của nhau để quẹt, qua mặt cơ quan quản lý, ông Thanh cho rằng, nếu lái xe đã cố tình gian dối cần có giải pháp để xử lý nghiêm.
Về vấn đề này, ông Đỗ Công Thủy cho biết, các đơn vị cung cấp TBGSHT sau khi lắp đặt cho doanh nghiệp phải công bố rộng rãi hình ảnh, kết cấu và tính năng kỹ thuật trên website của đơn vị được cung cấp. Cơ quan chức năng khi kiểm tra xe lưu thông trên đường chỉ cần vào website do doanh nghiệp cung cấp là có thể tra được thông tin tài xế, số giờ xe chạy, tuyến xe chạy, tốc độ... từ đó dễ dàng kiểm soát cũng như xử phạt nếu tài xế vi phạm. Khi doanh nghiệp, lái xe gian dối, sẽ kiểm tra dữ liệu trên hệ thống hay lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất trên đường sẽ xử lý nghiêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận