Bạn cần biết

Lạm dụng xông hơi, yếu “bản lĩnh” đàn ông

02/12/2017, 07:52

Xông hơi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên sẽ tác dụng ngược nếu lạm dụng việc này...

12

Lạm dụng xông hơi sẽ gây một số bệnh lý 

Choáng váng vì xông hơi… 1 tiếng đồng hồ

Ở tuổi 45, ông Nguyễn Hoan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn bố trí thời gian đều đặn hàng ngày đi tập gym hoặc yoga tại một trung tâm thể dục, thể hình. Hôm nào rảnh ông còn dành cả buổi chiều tham gia cả lớp tập yoga, chạy bộ trên máy, đạp xe rồi xông hơi. Theo lời ông Hoan, ngày mới tập cũng vì mục đích ép bớt cân, nên hầu như cứ sau các giờ tập vã mồ hôi, lại tiếp tục ngồi thiền cả tiếng đồng hồ trong phòng xông hơi.

“Nhớ mãi một lần vội việc quên cả ăn trưa, đến tập rồi lại vào phòng xông hơi. Ngồi chừng 40 phút thấy đầu óc, choáng váng, tay chân bủn rủn hết cả. May có bạn cùng tập lôi ra khỏi phòng xông hơi, lau khô người rồi cho uống cốc trà gừng nóng. Ngồi mãi mới hồi lại. Sau lần đấy, tôi không bao giờ tập luyện xong rồi đi xông hơi ngay”, ông Hoan cho hay.

"Tần suất, thời gian xông hơi bao nhiêu là đủ sẽ phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của từng người. Tuy nhiên, theo khuyến cáo chung, chỉ nên xông hơi khoảng 2 lần/tuần với thời gian từ 10-15 phút/lần. Tuyệt đối tránh lạm dụng xông hơi liên tục và kéo dài sẽ dẫn đến cơ thể bị mất nhiều năng lượng, ngoài ra còn không tốt cho tim mạch."

Lương y Bùi Hồng Minh
Hội Đông y quận Ba Đình

Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Phạm Việt Hoàng, nguyên Phó giám đốc BV Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh cho biết: “Xông hơi có nhiều tác dụng trong phục hồi sức khỏe con người. Đây là biện pháp trị liệu không dùng thuốc, dùng nhiệt tác động lên cơ thể giúp làm nóng và kích thích cơ thể. Hơi nóng từ xông hơi làm giãn nở mạch máu dưới da, kích thích lưu thông khí huyết, thúc đẩy việc đào thải các chất độc tích tụ trong cơ thể, hàn khí hoặc thấp khí ra khỏi cơ thể theo đường mồ hôi”.

Tuy nhiên, ông Hoàng cũng cảnh báo, nếu lạm dụng xông hơi thì lại mang đến hiệu quả ngược. Cụ thể, xông hơi khiến nhịp tim tăng, mồ hôi tiết xuất nhiều dễ dẫn đến việc mất nước, lượng máu lưu thông trong cơ thể tăng cao… nhất là đối với người vừa luyện tập với cường độ cao, hay cơ thể yếu, mệt mà tiếp tục xông hơi với thời tần suất và thời gian dài. Do vậy, cần lưu ý với những người vừa tập gym hay bất kì môn thể thao nào, sau tập cần có khoảng thời gian nghỉ ngơi trước khi vào xông hơi.

“Thậm chí, có trường hợp người cao huyết áp đột quỵ sau khi xông hơi. Vì vậy, xông hơi được cảnh báo không thực hiện tùy tiện với người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính như huyết áp cao hoặc thấp, rối loạn tuần hoàn não, thiếu máu não, tiểu đường, bệnh thận, suy tim và cả các bệnh lý da liễu dễ bị lây nhiễm. Với những đối tượng này cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện việc xông hơi. Bên cạnh đó, không nên xông hơi khi đói bụng cũng như no bụng”, lương y Bùi Hồng Minh, Hội Đông y quận Ba Đình chia sẻ.

Tinh trùng yếu vì… xông hơi

Trước băn khoăn của nhiều quý ông về việc liệu có ảnh hưởng đến “bản lĩnh” đàn ông do xông hơi nhiều không, ông Phạm Việt Hoàng khẳng định: “Tắm hơi, xông hơi chắc chắn ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh ở các quý ông. Bởi nhiệt độ thích hợp nhất, thuận lợi cho việc sản sinh tinh trùng luôn thấp hơn nhiệt độ cơ thể từ 1-2 độ C. Trong khi nhiệt độ trong phòng xông hơi thường từ 40 đến 60 độ C nên việc xông hơi thường xuyên và kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc sản sinh tinh trùng”. Còn theo lương y Hồng Minh: “Việc này không chỉ giảm chất lượng sinh tinh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cương dương ở các quý ông”.

Theo ông Minh, người xông hơi cần lưu ý đến việc cơ thể mất nước trong quá trình xông hơi, do vậy cần bổ sung các loại nước như nước lọc, nước khoáng, nước có bổ sung chất điện giải hoặc một ly trà gừng, trà chanh ấm trước, trong và sau khi xông hơi. Việc này sẽ giúp thay thế được lượng nước đã mất khi đổ mồ hôi. Sau khi xông hơi, cần lau khô người để cơ thể giảm nhiệt rồi mới tắm với nước đủ ấm.

“Sau xông hơi không nên tắm ngay. Bởi các lỗ chân lông vừa được xông hơi nóng đang nở ra sẽ hút nước. Việc tắm lại làm các lỗ chân lông co bít lại, giữ nước, gây ứ trệ, máu huyết giảm lưu thông, khiến đau nhức cơ thể và có thể bị cảm nhiễm, đặc biệt là tạng phổi, và tiêu hóa kém...”, ông Minh lưu ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.